Xã hội hiện đại, các quốc gia tôn trọng chế độ một vợ - một chồng, đưa cả vào luật pháp, và thậm chí nhiều người còn coi những kẻ ngoại tình là thứ gì đó hết sức đáng khinh.
Thế nhưng ở Dehradun - ngôi làng nhỏ phía Bắc của Ấn Độ, câu chuyện lại diễn ra theo chiều hướng khác hẳn, khi rất nhiều đàn ông tại đây... lấy chung vợ.
Rajo Verma là một trường hợp như thế. Cô là vợ của 5 người đàn ông - là 5 anh em ruột. Họ có con, nhưng chẳng ai biết đâu là cha sinh học của đứa trẻ.
Gia đình cô là một ví dụ điển hình cho chế độ đa phu vẫn tồn tại đâu đó trong xã hội hiện đại - ước tính khoảng 50 cộng đồng từ Tây Tạng, Nepal và Ấn Độ.
Cuộc sống của họ diễn ra như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu xem
Đa phu, nhưng đàn ông vẫn là trụ cột
Phần lớn chiều dài lịch sử của con người, đa số xã hội được lập nên với chế độ đa thê - đàn ông lấy nhiều phụ nữ.
Nhưng trước đó, xa xưa hơn nữa, đã từng có thời điểm phụ nữ lên ngôi, trở thành trụ cột trong cộng đồng và được phép lấy nhiều người đàn ông một lúc. Đó là chế độ "đa phu".
Tuy nhiên cái "đa phu" thời nay lại hơi khác một chút. Những ông chồng lấy chung vợ thường là anh em ruột, trong đó đứng đầu là anh cả.
Anh cả sẽ là người chọn vợ cho mình và các anh em, đồng thời có thêm một quyền lợi nữa là lấy vợ 2, vợ 3. Ngoài ra, tất cả những đứa trẻ sinh ra sẽ coi anh cả là cha, những người em dưới là "chú", bất kể cha sinh học có là ai đi chăng nữa.
Nguồn gốc của chế độ đa phu
Điều này chẳng ai biết rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể đoán được nguyên nhân tạo ra chế độ này - hoàn toàn thuần về lý do kinh tế.
Khi cùng nhau lập nên một gia đình, các anh em trong nhà không nhất thiết phải chia tài sản thừa kế cho nhau. Đây là một lợi thế rất lớn đối với nhiều bộ tộc.
Như tại Tây Tạng và vùng núi Himalaya nói chung, đất đai của họ vốn khan hiếm. Còn tại Ấn Độ, dân số lại đang bùng nổ quá nhanh, gây mất cân bằng giới tính nghiêm trọng.
Có hợp pháp hay không?
Chế độ đa phu thoạt nhìn có vẻ thuận tiện đối với một số vùng, nhưng thực chất trên thế giới việc một vợ lấy nhiều chồng là hoàn toàn không hợp pháp.
Tuy nhiên, họ cũng không bị pháp luật trừng phạt, bởi đây là một nét văn hóa của những vùng quê tại Tây Tạng và nhiều vùng đất khác.
1 vợ, 5 chồng là chuyện bình thường
Chế độ đa phu tồn tại từ nhiều thế kỷ trước. Nghĩa là đời cha mẹ, ông bà, tổ tiên của họ đã sống như vậy trong rất nhiều năm rồi.
Thông thường, một người phụ nữ ở đây sẽ có từ 2 - 5 người chồng, và tất cả ít nhất phải trên 18 tuổi. Trong trường hợp có một thành viên dưới 18, đến lúc đủ tuổi họ sẽ được phép lấy nhau.
Dẫu các nhà khoa học tin rằng lý do tạo ra chế độ đa phu thuần vì mục đích kinh tế, thực sự thì những gia đình như vậy khó có thể xem là giàu có được.
Đa số các trường hợp, đại gia đình sẽ chung sống trong một căn nhà nhỏ. Cánh đàn ông ra ngoài kiếm ăn, người vợ ở nhà nấu nướng, dọn dẹp, chăm con.
Đêm xuống, tất cả nằm lên sàn được lót chăn, bởi người Tây Tạng thường không nằm giường.
Các gia đình đa phu thường sống thành cộng đồng với 15 gia đình. Họ sống hòa thuận, giao lưu nhiều và luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ khi cần thiết.
Tuy nhiên, mỗi gia đình vẫn độc lập, có gia quy riêng, và san sẻ đều trách nhiệm cho từng thành viên. Một số gia đình thậm chí sẵn sàng để phụ nữ ra ngoài kiếm tiền, còn đàn ông lo việc nhà.