Anh Minh
Năm 1815, Quân đội Anh cố gắng chinh phục Nepal, nhưng bị chiến binh người Gurkha của Nepal đánh bại dễ dàng. Vì vậy, các sĩ quan Anh quyết định rằng, nếu không thể đánh bại, họ sẽ kêu gọi những người Gurkha gia nhập quân đội Anh. Một hiệp định hòa bình đã chấm dứt mọi cuộc chinh phạt của Anh ở Nepal, và người Gurkha đồng ý gia nhập quân đội Anh.
Người Gurkha đã tham gia một số cuộc chiến, bao gồm cả một số cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Falklands/Malvinas. Được biết đến như một trong những lực lượng thiện nghệ và hung dữ nhất trên thế giới, tộc Gurkha đã gây ấn tượng mạnh và khiến nhiều người khiếp sợ. Dưới đây là một số câu chuyện và những người lính Gurkha dũng cảm nhất.
Vào năm 2010 tại Afghanistan, trung sĩ Dipprasad Pun đã một mình chống lại 30 lính Taliban. Khi Pun đang canh gác trên nóc của một trạm kiểm soát, những kẻ tấn công đã ập đến khu phức hợp từ mọi phía với súng chống tăng và súng AK-47.
Chỉ mất chưa đầy một giờ, Pun giết hết số lính Taliban. Anh ta đã sử dụng tất cả số đạn dược của mình — 400 viên đạn và 17 quả lựu đạn, để hạ gục từng kẻ tấn công. Khi Pun hết đạn, một người lính Taliban đã leo lên mái nhà, nhưng bị Pun dùng một chân súng máy ném trúng.
Những người Gurkha không bao giờ bỏ lại đồng đội. Khi một đội quân Gurkha bị phục kích ở Afghanistan vào năm 2008, binh sĩ Yubraj Rai trúng đạn và bị thương nặng.
Nhưng đại úy Gajendera Angdembe và hai binh sỹ Riflemen Dhan Gurung, Manju Gurung đã dìu Rai băng qua bãi đất trống dài hơn 100m dưới hỏa lực dày đặc. Tại một thời điểm, một trong những người lính cùng lúc sử dụng cả súng trường của mình và súng trường của Rai để bắn trả kẻ thù.
Năm 1945, binh sỹ Rifleman Lachhiman Gurung trong chiến hào chỉ với hai người khác khi hơn 200 lính Nhật nổ súng tấn công. Đồng đội của Gurung bị trọng thương. Khi những quả lựu đạn lần lượt bay tới, Gurung cố ném trả từng quả.
Anh ta đã thành công với hai quả đầu tiên, nhưng quả thứ ba phát nổ ngay trên tay. Các ngón tay của Gurung đứt lìa và mặt, cơ thể, tay và chân phải bị thương nặng.
Khi quân Nhật xông vào chiến hào, Gurung dùng tay trái cầm khẩu súng trường hạ gục 31 lính Nhật và ngăn cản số còn lại tiến lên. Gurung sống sót và được trao tặng một huân chương Victoria vào cuối năm đó.
Bhanubhakta Gurung, người đã chiến đấu chống lại quân Nhật ở Myanmar trong Thế chiến thứ hai, đã được trao tặng một huân chương Victoria vì đã tự mình chiếm được một boongke.
Đội của Gurung chỉ với 10 người phải hứng chịu hỏa lực dữ dội từ súng máy, lựu đạn, súng cối và một tay súng bắn tỉa. Gurung bắn hạ tên bắn tỉa rồi lao lên dốc một mình. Anh ném lựu đạn vào một hố cá nhân, tiêu diệt tay súng ở đó.
Vượt xa các đồng đội, Gurung sau đó lao vào boongke bằng hai quả lựu đạn khói và con dao kukri lưỡi cong nổi tiếng của người Gurkha. Anh ta đánh bại hai lính Nhật bằng con dao và một tên khác bằng đá.
Năm 1944, Agansing Rai dẫn đầu một trung đội Gurkha tiến lên một sườn núi ở Myanmar trong khi kẻ địch ngoài vũ khí cá nhân còn có súng máy và hai khẩu pháo 37 mm chống tăng. Mặc dù phải chịu thương vong nặng nề, Rai và người của anh đã hạ hai khẩu đội súng 37 mm. Rai sau đó đã được trao tặng huân chương Victoria.
Khi chiến đấu ở Myanmar trong Thế chiến thứ hai, Rifleman Ganju Lama bị thương nặng: cổ tay trái bị gãy, cộng thêm các vết thương ở tay và chân phải, trong khi vẫn phải đối đầu với ba xe tăng Nhật Bản.
Anh ta bò ra giữa trận địa, tiêu diệt từng chiếc xe tăng bằng súng chống tăng, bắn hạ những người lính chạy ra khỏi xe tăng, không cho ai chạy thoát. Sau đó, Lama được đưa đến bệnh viện trên cáng và sau được tặng một huân chương Victoria.