Chuyện về chiếc lều An ninh và Đội cảnh khuyển bảo vệ Tổng thống Mỹ

Văn Nguyễn - Lai.N |

Chiếc lều An ninh chính là một "khu vực an ninh di động", thường được mang theo khi Tổng thống Hoa Kỳ công du nước ngoài. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tổng thống, bên cạnh những nhân viên an ninh, mật vụ tinh nhuệ, những đội chó nghiệp vụ cũng là thành phần không thể thiếu.

Lều An ninh tuyệt mật nhất thế giới của Tổng thống

Lều được thiết kế là các vách mờ, không có cửa sổ, thiết bị gây nhiễu bên trong nhằm tránh bị nghe lén. Đây là không gian mà chỉ có tổng thống Mỹ, các nhà hoạch định chính sách, các nghị sĩ, giới quân sự Mỹ có thể nói những chuyện tuyệt mật mà không ai hay biết.

Chuyện về chiếc lều An ninh và Đội cảnh khuyển bảo vệ Tổng thống Mỹ  - Ảnh 1.

Ông Barack Obama bước ra khỏi chiếc trực thăng Marine One. Nhà lãnh đạo sử dụng điện thoại BlackBerry được mã hóa để chống nghe lén.

Với tính năng chống ồn, chống nghe trộm, ngăn "câu điện thoại" và tin tặc, chiếc lều được coi là khu vực được bảo vệ để các bộ não hàng đầu nước Mỹ có thể trao đổi những nội dung tối mật, quan trọng và gấp rút nhất.

Nơi dựng lều phải được lựa chọn và tính toán kỹ lưỡng, tránh những cửa sổ và vị trí có đông người qua lại. Những chiếc lều này có thể được dựng lên ngay bên trong một tòa nhà, hoặc ngay trong hành trình của vị lãnh đạo, để họ có thể thoải mái xem các tài liệu mật, trao đổi chuyện nghị sự.

Theo BBC, bên trong chiếc lều còn được gọi là Phương tiện ngăn thông tin nhạy cảm (SCIF), chính là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới để liên lạc.

Không chỉ dùng cho các cuộc trao đổi kín, lều an ninh di động còn là nơi để lãnh đạo thế giới tổ chức các cuộc họp bí mật, tại văn phòng và các sứ quán. Michael Creasey, giám đốc phát triển tại CSG cũng cung cấp mặt hàng SCIF cho hay, những chiếc lều an ninh này được làm từ loại tường chống bom, và có các biện pháp an ninh siết chặt tương tự.

Tờ New York Times từng đăng tải một bức ảnh hiếm hoi mà Nhà Trắng công bố, cho thấy ông Obama gọi điện bên trong chiếc lều khi công du tại Brazil, để theo dõi chiến dịch không kích Libya năm 2011.

Trong chiếc lều màu xanh, dựng ngay trên tấm thảm đầy hoa văn của khách sạn, Tổng thống Obama có thể tiến hành ngay một cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và nhiều quan chức khác.

Phòng khách sạn, chẳng hạn như phòng của Tổng thống Obama tại Brazil, là nơi thông dụng để dựng lều, nhưng còn tùy thuộc vào bản chất của chuyến đi và Tổng thống ở nơi nào.

Phil Lago, một trong những người sáng lập ra Tập đoàn Command Consulting, công ty chuyên cung cấp SCIF cho các cơ quan chính phủ, cho hay: lều an ninh giống như những chiếc kén có hệ thống cung cấp không khí riêng, thậm chí, ngăn mọi sự phát tín hiệu vào bên trong cũng như ra bên ngoài (từ các máy tính xách tay, đài radio, điện thoại).

Thứ duy nhất có thể được phát ra là tín hiệu liên lạc đã mã hóa và chuyển qua vệ tinh. Ông Lago nhớ lại chuyến công du với Tổng thống George W. Bush tới Kennebunkport. Tại đây, một chiếc lều (kén an ninh di động) đã được dựng lên để ông Bush có cuộc hội đàm mật với Thủ tướng Anh Tony Blair về tình hình Afghanistan và Iraq.

Lago nói thêm, vị trí đặt các lều di động này cũng luôn tối mật. Nhưng một tài liệu công bố mới đây cho thấy, một SCIF (loại di động hay cố định) không chỉ ngăn được âm thanh, mà còn có một hệ thống "Phát hiện đột nhập" nhằm ngăn chặn bất kỳ sự thâm nhập nào.

Các chuyến công du của Tổng thống đều không thể thiếu lều an ninh, bởi vì chúng rất nhỏ gọn, lại hiệu quả cho công việc.

Theo một số nguồn tin, George Tenet, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giai đoạn 1997 - 2004 là một trong những quan chức Mỹ đầu tiên sử dụng lều an ninh một cách thường xuyên.

Các biện pháp an ninh này cũng được áp dụng ngay cả trên đất Mỹ. Khi các thành viên nội các và các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ nhận nhiệm sở, Chính phủ Mỹ sẽ trang bị lại cho họ nhà ở và các phòng an ninh mới hoàn toàn để dùng cho các cuộc nói chuyện tối mật và sử dụng máy vi tính. Các phòng này được trang bị hệ thống cách âm, không có cửa sổ.

Đội cảnh khuyển bảo vệ tổng thống công cán ở nước ngoài

Theo như lời miêu tả của các mật vụ Mỹ, những con chó nghiệp vụ thường tỏ ra thân thiện, gần gũi khi ở bên cạnh trẻ em nhưng sẽ trở nên hung dữ và hành động quyết liệt lúc đối mặt với các đối tượng gây nguy hiểm. Mắt chúng có phạm vi quan sát lên tới 270 độ và chúng "lao nhanh như một viên đạn".

Chính vì thế, ngay cả các binh sĩ quân đội cũng ưa dùng chó nghiệp vụ. Một con chó thuộc đội cảnh khuyển Mỹ giống Malinois thậm chí từng tham gia sứ mệnh tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011.

Chó nghiệp vụ Mỹ cũng hưởng lương và được thăng chức trong quá trình làm việc. Chúng sẽ "nghỉ hưu" sau khoảng 10 năm cống hiến. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, một số con còn có thể lưu trú cùng chủ của chúng tại các phòng khách sạn hạng sang.

Ở các nước phương Tây, người ta thường gọi chung đội chó nghiệp vụ là Đơn vị K9. Những con chó thường được tuyển chọn rất kỹ lưỡng và phải trải qua quá trình huấn luyện gắt gao nếu muốn làm thành viên của lực lượng này.

Hồi đầu năm ngoái, trước chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama, các nhân viên mật vụ Mỹ cũng đưa tới thủ đô New Delhi một Đơn vị K9 vô cùng thiện chiến.

Theo tờ Express Tribune, cơ quan an ninh đã triển khai tới 40 chó nghiệp vụ để bảo vệ ông Obama. Đội chó nghiệp vụ là một lực lượng chủ chốt trong đoàn hộ tống "Tổng tư lệnh nước Mỹ". Chúng thường đảm nhận nhiệm vụ phát hiện những dấu hiệu khả nghi, tìm kiếm các đầu mối tiềm ẩn nguy hiểm ở phạm vi khoảng 100m xung quanh Tổng thống.

Đơn vị K9 của mật vụ Mỹ thành lập từ năm 1977 và sử dụng ngân sách liên bang để duy trì hoạt động.

Lực lượng này sở hữu khoảng 75 con chó, mỗi con có giá khoảng 9.000 USD. Các chuyên gia sẽ huấn luyện chúng tầm 5 tháng tại một cơ sở rộng hơn một triệu mét vuông, đặt ở bang Maryland, trước khi cho gia nhập lực lượng.

Chó nghiệp vụ thuộc Đơn vị K9 của Mỹ chủ yếu thuộc giống bec-giê Đức và Bỉ. Ngoài ra, K9 cũng chỉ chấp nhận những con chó trưởng thành. Kỹ năng nổi bật của chúng là đánh hơi, can thiệp và xử lý nhanh chóng những kẻ tấn công.

Chó nghiệp vụ bảo vệ tổng thống Mỹ có thể ngửi thấy cả các dấu vết chất nổ đã cũ, ví dụ như RDX, thuốc nổ đen hay thiết bị nổ cải tiến (IED). Khả năng phản ứng của chúng cũng rất nhanh nhạy và linh hoạt.

Ngay khi nhận hiệu lệnh, chúng sẽ lập tức khống chế mục tiêu chỉ trong chớp mắt. Vận tốc chạy trung bình của chó nghiệp vụ K9 Mỹ đạt khoảng 40 - 50 km/h. Cú đớp của chúng được đánh giá là rất nguy hiểm. Một khi đã cắn mục tiêu, chúng chỉ nhả ra nếu có chỉ thị từ người điều khiển.

Chuyện chú chó Diesel dũng cảm trong vụ khủng bố Paris tháng 11-2015

Mới đây, chú chó Diesel đã hi sinh khi bắt kẻ chủ mưu khủng bố Paris, Pháp hồi tháng 11-2015. Sự hy sinh của "chiến sĩ bốn chân này" không vô ích. Chỉ ngay sau đó, chủ mưu vụ khủng bố Abdelhamid Abaaoud cùng nhiều nghi phạm khác bị tiêu diệt khi đang cố thủ trong một căn hộ kiên cố.

Diesel thuộc dòng chó chăn cừu ở Bỉ, là một thành viên của lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Nghiên cứu, Hỗ trợ, Can thiệp và Răn đe (RAID).

Đội đặc nhiệm này có tổng cộng 15 chú chó nghiệp vụ, trong đó 10 chú được dùng để đánh hơi chất nổ, và Diesel là một trong năm chú chó chuyên tấn công trấn áp đối phương bằng sức mạnh của mình.

Chú đã cần mẫn phục vụ trong đội đặc nhiệm RAID suốt 5 năm qua, và theo kế hoạch, chú sẽ được nghỉ hưu để "an dưỡng tuổi già" vào đầu năm sau. Chú chó dũng cảm này trở thành thành viên đầu tiên của đội cảnh khuyển RAID hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

"Nhiệm vụ của Diesel là mở đường cho đội chúng tôi. Nó dùng tất cả các giác quan của mình để phát hiện bất cứ nghi phạm nào ở hiện trường, và nếu có điều kiện, nó sẽ lao lên tấn công để trấn áp tội phạm.

Nếu không thể tấn công, nó sẽ đứng lại và sủa to để báo hiệu cho chúng tôi biết nơi nghi phạm đang ẩn nấp" - viên cảnh sát giấu tên, đồng thời là huấn luyện viên của Diesel chia sẻ ngay khi xảy ra vụ tấn công khủng bố Paris hồi tháng 11-2015.

"Tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào nó, cũng như nó luôn tin cậy tôi. Cả hai chúng tôi đều biết rõ mình sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó"- anh nghẹn ngào cho biết. Trong vụ tấn công kẻ chủ mưu khủng bố, chú chó nghiệp vụ này được cử vào trong căn hộ của Abaaoud để thám thính tình hình khi tiếng súng vừa dứt.

"Khi chúng tôi đến đó, có rất nhiều tiếng súng và tiếng lựu đạn phát ra từ căn hộ. Sau đó mọi thứ trở nên yên tĩnh", vị cảnh sát này cho hay.

"Không khí lúc đó thật khác thường. Sau vài phút nghe ngóng, chúng tôi quyết định cho Diesel vào trong căn hộ để xem mọi thứ có an toàn hay không. Nó đã sục sạo xung quanh căn phòng đầu tiên, sau đó tiến vào căn phòng thứ hai và đột nhiên chồm lên phía trước. Tôi nghĩ là nó đã phát hiện ra ai đó. Rồi nó biến mất khỏi tầm mắt tôi, và tiếng súng lại tiếp tục rộ lên".

Viên cảnh sát này cho rằng, Diesel đã hy sinh ngay lúc đó. Ngoài ra, 5 thành viên đặc nhiệm RAID chỉ bị thương nhẹ trong cuộc tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại