Các ngư dân dũng cảm xung phong ra biển dữ cứu người
Anh Nghị kể lại, khoảng 3 giờ sáng 8/10, tàu Vietship 01 neo đậu ở khu vực cảng Cửa Việt bị nước lũ cuốn trôi ra biển lúc đó mọi người chưa kịp lên bờ. Anh em trên tàu đối mặt với hiểm nguy khi con tàu chìm dần trong sóng to gió lớn. Lúc đó, ai cũng hoang mang, lịm người đứng nhìn con tàu chìm đến khi chỉ còn mũi tàu và ống khói nhô lên trên mặt biển.
Ngay lúc đó, mọi người phải buộc dây, đu mình ở khu vực ống khói, phía dưới thì sóng đánh rất mạnh tưởng chừng hất văng từng người.
“Giữa ranh giới sự sống và cái chết cũng không thể nghĩ ngợi được nhiều. Sóng ở đó quá cao, mỗi lần đánh vào ống khói tàu nó cuộn lên nhấc bổng anh em lên, ai không giữ được sẽ bị đánh bay khỏi tàu”, anh Đặng Văn Nghị nhớ lại phút giây cận kề cái chết, mọi người chỉ biết cố gắng cầm cự chờ người tới cứu.
Đến sáng 9/10, 2 thuyền viên trên tàu gặp nạn mang áo phao bơi được vào bờ. Các thuyền viên còn lại cố gắng mang áo phao, bám vào phần nổi của tàu hàng, chờ cứu hộ. Chiều cùng ngày, có 2 thuyền viên bị sóng đánh rơi xuống biển, sau đó vật lộn với sóng dữ và vào bờ thành công.
Đội cứu hộ bao gồm các ngư dân dũng cảm ra biển cứu người
Sáng 10/10, công tác cứu nạn được triển khai với quy mô cao hơn khi có sự tham gia của nhiều lực lượng Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quân đội, Công an, Cứu nạn hàng hải và đặc biệt là những ngư dân địa phương dũng cảm tham gia cứu nạn.
Ngư dân Trần Văn Cường ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh là 1 trong 4 ngư dân xung phong lên tàu cá ra khơi cứu người gặp nạn trên tàu VietShip 01 vào sáng 10/10.
Nhưng sóng biển dữ dội, hất tung chiếc tàu chở 4 ngư dân chìm xuống biển. Sau khi rơi xuống biển, anh Cường cùng 2 ngư dân khác bám phần nổi của tàu Vietship 01, trong khi 1 người khác bơi được vào bờ.
Bấy giờ, các ngư dân này cũng bị mắc kẹt trên tàu VietShip 01 cùng các thuyền viên, phải nhịn ăn 1 ngày đêm, lúc khát thì vắt áo đang thấm nước mưa để uống. Anh Trần Văn Cường cho biết, sáng 11/10, anh nhảy khỏi tàu Vietship 01 bơi vào bờ và được lực lượng đặc công nước ứng cứu.
“Thấy người ta bị nạn, mình đi giúp được gì thì mình giúp, xác định đi không suy nghĩ gì. Buổi tối ngồi trên mấy thanh sắt cắn răng chịu lạnh, còn nước ngọt thì mưa thấm vào áo rồi mình vắt ra uống”, anh Cường kể.
Trong suốt những ngày qua, khu vực biển Cửa Việt mưa to, sóng biển cao, dòng nước mạnh chảy xoáy nên các tàu cứu nạn không thể tiếp cận. Tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn điều động trực thăng để cứu hộ các thuyền viên.
Các cơ quan chức năng nhận định, đây là vùng lõm, tốc độ gió lớn, trực thăng chỉ là biện pháp cuối cùng; thời tiết thuận lợi mới có thể sử dụng loại phương tiện này. Vì thế, phương án dùng tàu cá, nhờ ngư dân phối hợp với thợ lặn điều khiển thuyền ra biển, đến vị trí tàu hàng Vietship 01 đã được triển khai.
Từ đây sẽ nối dây từ con tàu vào bờ để cứu từng thuyền viên. Đội cứu hộ cũng lưu ý việc tiếp lương thực, mì tôm, sữa để kéo dài thời gian cầm cự cho các thuyền viên nếu như chưa cứu được và phải chờ thời tiết thuận lợi.
Phương án cứu hộ sử dụng xuồng cao su đặc chủng để giải cứu cũng đồng thời được triển khai. Tuy nhiên, quá trình tiếp cận tàu mắc cạn, do sóng to gió lớn, chiếc xuồng bất ngờ bị chết máy và trôi dạt ra ngoài khơi, rất may sau đó các thành viên tổ cứu nạn vẫn vào bờ được an toàn nhưng phương án giải cứu đã không thành công.
Phương pháp cẩu người bằng dây từ tàu lên máy bay được triển khai
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đã huy động tất cả nguồn lực để ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ” và đề nghị Hải quân Vùng 3 đưa tàu ứng cứu.
“Trong những ngày qua, từ người dân cho đến các cơ quan ban ngành từ cấp tỉnh đến cấp trung ương đã vào cuộc rất tích cực và quyết liệt, chạy đua với thời gian để cứu nạn thành công nhất những người bị nạn trên biển, không bỏ sót một ai. Đến giờ phút này chúng tôi mới nhẹ nhõm vì công tác cứu nạn đã thành công”, Đại tá Lê Văn Phương cho biết.
Khoảng 18 giờ ngày 10/10, 1 chiếc trực thăng của Tổng Công ty trực thăng Việt Nam xuất hiện trên bầu trời cảng biển Cửa Việt, tham gia cứu nạn.
Theo phương án ứng cứu, trực thăng thả sợi dây dài khoảng 2.000m kết nối tàu với đất liền. Đồng thời, trực thăng đã tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết cho các thuyền viên mắc kẹt. 50 chiếc phao cứu hộ cũng được những người trên máy bay trực thăng thả xung quanh khu vực tàu gặp nạn.
Dù rất cố gắng nhưng máy bay cũng chưa đưa được người nào vào bờ. Công tác cứu hộ phải tạm dừng thì sự nguy hiểm, rủi ro cho người gặp nạn trên biển càng cao.
Trong đêm tối chưa biết chuyện xấu gì sẽ xảy ra khi mà các nạn nhân đều đã kiệt sức, bị đói rét, tinh thần giảm sút. Ngoài khơi gió càng lúc càng mạnh, sóng dữ cuộn cao sẵn sàng đánh bay những nạn nhân đang cố gắng đeo bám trên con tàu chìm.
Phi công Lê Hải Đăng, Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng cho biết, từ chiều 10/10, trực thăng được đưa ra tiếp cận tàu Vietship nhưng không thể cứu được thuyền viên do tình thế phức tạp, tầm nhìn hạn chế, chỉ có thể thả lương thực, thực phẩm tiếp tế. Mọi phương án đành gác lại, tiếp tục triển khai trong ngày 11/10.
“Căn cứ vào điều kiện thời tiết, chúng tôi đã đánh giá được tình hình và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Phương án là đưa người xuống tàu và cẩu vớt các nạn nhân lên máy bay. Chúng tôi đã cẩu được 6 nạn nhân trên tàu và không để sót 1 nạn nhân nào ở lại trên tàu”, anh Đăng cho biết.
Khi mọi phương án cứu hộ, cứu nạn với lực lượng tại chỗ không thành công, với sự giúp đỡ của máy bay trực thăng và lực lượng đặc công nước tinh nhuệ, việc giải cứu các nạn nhân trở nên nhanh hơn, an toàn hơn.
Sau 3 lượt bay tiếp cận, đưa người lên trực thăng bằng thang dây, lực lượng ứng cứu đã cứu hộ thành công 6 thuyền viên trên tàu Vietship 01. Có 2 người khác từ ống khói tàu bị rơi xuống nước, được các chiến sĩ đặc công kịp thời cứu nạn.
Thành công trong lần cứu hộ này có sự phối hợp chặt chẽ giữa đội trực thăng và lực lượng đặc công Hải quân. Trong điều kiện sóng biển hung dữ, các chiến sĩ đặc công phải bơi vòng ra xa rồi quay ngược lại con tàu gặp nạn. Khoảng cách tàu gặp nạn đến bờ là 400m nhưng các chiến sĩ phải bơi ngược sóng biển cự ly 800m để tiếp cận và cứu 2 người bị rơi xuống biển, đưa vào bờ an toàn.
Đội đặc công bơi ngược sóng cứu người
Chiến sỹ Đoàn Văn Đức, Đại đội 8 Trinh sát, Lữ đoàn 126, Quân chủng Hải quân cho biết, thời điểm đó sóng to nên bơi ngược dòng sẽ bị sóng đẩy ra ngoài, nên các chiến sỹ phải bơi vòng ra ngoài xa rồi bơi vào.
“Dù sóng có to hơn nữa thì đội đặc công vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Được giúp dân thì cảm giác thật tuyệt vời, mình vào bộ đội mình cống hiến, đó cũng là nhiệm vụ cấp trên giao mình phải hoàn thành”, anh Đức chia sẻ.
Để thực hiện cứu hộ thành công, chính quyền địa phương đã huy động nhiều đơn vị, lực lượng cùng với sự giúp sức của nhân dân, giúp cho các nạn nhân vừa từ cõi chết trở về.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, phương án dùng máy bay trực thăng và lực lượng đặc công đã mang lại thành công, trong công tác cứu hộ cứu nạn khi điều kiện thời tiết bất lợi.
“Các lực lượng chức năng đặc biệt là địa phương tại chỗ cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo và có những đối tượng không chấp hành thì phải cưỡng chế dứt khoát bằng mệnh lệnh chỉ huy trong phòng chống thiên tai để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người”, ông Đồng khẳng định./.