Một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ chính thức đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang nghiêm trọng, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày hôm nay (6/8) đã đăng tải bài xã luận phản pháo Washington với những ngôn từ mạnh mẽ.
Theo đó, tuy không nêu đích danh động thái gần đây nhất của Mỹ, nhưng bài xã luận của Nhân dân Nhật báo đã chỉ trích Washington có hành động "cố tình phá hủy trật tự thế giới", biến chính những công dân của mình làm "con tin".
Được biết, việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi đồng Nhân dân tệ bất ngờ hạ giá xuống dưới mức tâm lý quan trọng so với đồng USD đã khiến khoảng cách giữa hai nước càng lớn hơn, đồng thời dập tắt những hy vọng còn sót lại về viễn cảnh cuộc thương chiến kết thúc trong êm đẹp.
Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt xa hơn lĩnh vực thuế quan, và ảnh hưởng tới những lĩnh vực khác như công nghệ. Giới phân tích đã cảnh báo rằng những đòn ăn miếng, trả miếng của hai bên có thể sẽ còn lớn hơn và nghiêm trọng hơn nữa, đè nặng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trách nhiệm của các nước lớn là phải đảm bảo sự ổn định và chắc chắn cho toàn thế giới, cùng với đó là tạo điều kiện và cơ hội cho sự phát triển chung của tất cả các quốc gia trên toàn cầu, theo bài xã luận của Nhân dân Nhật báo. "Tuy nhiên một vài cá nhân ở Mỹ lại làm điều ngược lại" với quy tắc ngầm nêu trên.
"Việc gắn mác 'thao túng tiền tệ' cho Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho Mỹ tăng thuế nhập khẩu cao hơn 25% đối với hàng hóa Trung Quốc", theo nhóm nghiên cứu của ngân hàng DBS.
DBS cũng nhắc lại lời hứa khi tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Bên cạnh việc liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ, ông Trump cũng từng cam kết sẽ nâng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 45% trong quá trình vận động tranh cử".
Một điều đáng chú ý là từ 25 năm trước (năm 1994), ông Trump từng có lời hứa sẽ gắn mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Do đó, quyết định ngày 5/8 vừa qua của Bộ Tài chính Mỹ cũng có thể được coi là cách ông Trump hoàn thành lời hứa năm xưa của mình.
Ông Trump từng hứa hẹn sẽ nâng mức thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc lên 45% khi vận động tranh cử. Ảnh minh họa: The Week.
Mục đích thực sự của Mỹ khi đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ?
Quyết định mới nhất của Mỹ được đưa ra 3 tuần sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố giá trị đồng Nhân dân tệ vẫn phù hợp với các giá trị cơ bản của kinh tế Trung Quốc, trong khi đồng USD có giá trị cao hơn từ 6-12%.
Luật pháp Mỹ đề ra 3 tiêu chí để đánh giá một quốc gia (trong số các đối tác thương mại của Mỹ) có hành vi thao túng tiền tệ: thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu, thặng dư thương mại lớn hơn đáng kể so với Mỹ, và hành động can thiệp một chiều liên tục vào thị trường ngoại hối.
"Giờ đây Trung Quốc đã bị [Mỹ] gắn mác, chúng tôi không loại trừ khả năng Mỹ sẽ còn khắc nghiệt hơn [với Trung Quốc] trong việc tung ra các đòn trừng phạt", Zhang Anyuan, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng đầu tư Chứng khoán Trung Quốc (CSC), phân tích.
Truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo rằng nước này có thể tận dụng vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ - loại nguyên liệu được sử dụng để sản xuất từ khí tài quân sự tới các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao - làm đòn bẩy trong cuộc thương chiến.
Cổ phiếu của một số doanh nghiệp liên quan tới mặt hàng này đã tăng mạnh vào ngày hôm nay (6/8), giữa những đồn đoán rằng đây sẽ là mặt trận mới trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước lớn này.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có thể gia tăng áp lực đối với các công ty của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, theo nhận định của giới phân tích.
Hồi tháng 6, Bắc Kinh từng phát cảnh báo tới các du khách Trung Quốc về những rủi ro khi đi du lịch tại Mỹ, bao gồm các vụ xả súng và trộm cắp.
Thậm chí hãng hàng không Trung Quốc ngày hôm nay đã tuyên bố đình chỉ các chuyến bay từ Bắc Kinh tới Honolulu (Hawaii), bắt đầu từ ngày 27/8 vì lý do "xem xét lại hệ thống".
Liên quan đến đòn giáng thuế quan gần đây của Washington, Bộ Tài Chính Trung Quốc ngày hôm qua cũng đã tuyên bố rằng các công ty của nước này đã ngừng nhập khẩu nông sản từ Mỹ để trả đũa.
Trước đó, Tổng thống Trump từng lên án việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ là hành vi "vi phạm nghiêm trọng", và các nhà phân tích cho rằng Nhà Trắng đã gây áp lực khiến Bộ Tài chính đưa ra quyết định liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ.
"Nếu không vì mục đích tăng thuế, thì việc đó cũng đâu còn ý nghĩa nào khác", ông Mark Sobel, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cựu nhân viên IMF và hiện nay là chuyên gia tại một viện nghiên cứu về tài chính và tiền tệ tại London, nhận định.