Cách đây khoảng 38 năm, ông Nguyễn Dũng (63 tuổi, quê Quảng Ngãi) vẫn còn là chàng sinh viên đại học và thường từ thành phố về thăm quê nhà. Một đêm trăng sáng, ông đi ngang qua chiếc cầu thấy một thiếu nữ rất xinh đang ngồi ngắm trăng.
Bà Oanh khi đó mới 15 tuổi, đang học lớp 9, đi từ Bình Sơn xuống Trà Bồng bán mắm. Thấy có anh sinh viên tới hỏi thăm, lại hơn mình những 8 tuổi, bà buột miệng gọi "chú". Cuộc nói chuyện vu vơ vào đêm trăng sáng hôm ấy đã khiến bà Oanh mãi khắc ghi trong trí nhớ. Cả hai ông bà bị mất liên lạc, bẵng đi 5 năm sau mới gặp lại.
Ông Dũng - bà Oanh thời còn trẻ
Thiếu nữ năm nào giờ đã thành cô sinh viên cao đẳng năm 2, đi kiến tập ở Bình Dương. Trùng hợp ông Dũng khi đó cũng đang làm việc ở Bình Dương. Lại càng ngạc nhiên hơn những người bạn của ông Dũng có vợ là giáo viên hướng dẫn thực tập cho bà Oanh.
"Tôi hỏi ông có nhớ cách đây 5 năm tôi từ Bình Sơn xuống buôn mắm có gặp ông trên cầu hay không. Có thể trái đất quay tròn, lớp 9 tôi đã gặp ông, vậy mà giờ chúng ta lại gặp nhau lần nữa", bà Oanh kể.
Màn hội ngộ với cô nữ sinh khiến ông Dũng ngập tràn cảm xúc rung động. Còn bà Oanh lại chẳng hề hay biết tình cảm của người đàn ông lớn tuổi, vẫn vô tư gọi "Chú - cháu".
Vài tháng sau đó, ông Dũng thường qua kí túc xá của cô nữ sinh, rủ đi uống nước, ăn "chè no". Sợ bà ngại, ông Dũng dẫn theo 7-8 người bạn cùng phòng trọ của bà Oanh đi ăn cùng.
Ông cũng lấy hết can đảm tỏ tình với bà: "Anh thích em". Nhưng bà Oanh ngại ngùng đáp rằng vẫn còn đang tuổi đi học. Quyết tâm cầm cưa cô sinh viên xinh đẹp, ông Dũng nói tiếp: "Đi học bao giờ ra trường rồi cưới, có sao đâu".
Bà Oanh trong ngày cưới
Sau 2 năm hẹn hò, ông Dũng mới về ra mắt gia đình nhà ngoại, bàn chuyện cưới xin. Mẹ bà Oanh rất ủng hộ mối tình của con gái. Song thấy ông Dũng lớn hơn con tận 8 tuổi, bà ngại làng xóm lời ra tiếng vào.
"Khi lấy chồng tôi bị xóm dị nghị, họ ở ngoài chưa hiểu tính anh Dũng, chê anh Dũng già. Vì khi ấy tôi 24, anh 32. Đi xe đạp, nhìn dáng anh lụ khụ. Nhưng với tôi, anh rất thuần tính, hiền hậu", bà Oanh kiên định vào lựa chọn của mình.
Vợ chồng 10 năm xa cách
Đám cưới linh đình, rước dâu bằng xe hơi được tổ chức vào năm 1992. Hai tháng sau, bà Oanh vui mừng biết tin mang bầu. Không phai lo về gánh nặng kinh tế song hai vợ chồng bà Oanh phải chịu cảnh cách xa nhau dài đằng đẵng.
Ông Dũng ra trung tâm tỉnh làm việc, còn bà Oanh ngược lên miền xa dạy học. Hai vợ chồng chỉ được gặp nhau vào ngày thứ 7, chủ nhật. Lúc sinh con, cũng chỉ có bà Oanh và mẹ đồng hành ở cạnh.
"Có khi 10 ngày, nửa tháng mới gặp nhau. Ông khổ lắm, chiều thứ 7 đạp 50km từ tỉnh về Bình Sơn gặp tôi. Suốt 10 năm như vậy", bà Oanh kể.
Hai vợ chồng mỗi người một nơi
Ông Dũng cũng buồn rầu vì chịu cảnh xa vợ con, nhưng nghĩ đến tình cảm vợ chồng sâu nặng, ông lại cố gắng. Tiền lương cả hai ngày đó bà Oanh đều dành dụm, tiết kiệm chắt chiu để mua vàng.
Dù ở xa nhau, ở nhà chỉ thui thủi nghĩ cảnh cơm áo gạo tiền nuôi con, bà Oanh vẫn tự động viên bản thân: "Tôi xác định số phận đã như vậy rồi, giờ thay đổi, biết đâu ở với người khác lại không được như ông. Chiều thứ 7 nào ông về thăm nhà cũng dành hết thời gian, tình yêu thương của mình cho vợ con. Dù chỉ được bên nhau 1, 2 ngày mỗi tuần nhưng ông ấy luôn cho tôi thấy ông là người chồng, người cha tốt".
Tổ ấm hạnh phúc hiện tại
Đến năm 2001, hai vợ chồng bà Oanh mới được đoàn viên. 31 năm hôn nhân của ông bà giờ đây kết trái ngọt với 2 người con ngoan ngoãn, hiếu thảo.
Ông Dũng gửi lời cảm ơn tới vợ từ tận đáy lòng: "Năm 2023 đánh dấu 31 năm gắn bó của vợ chồng mình. Em thực sự là người vợ tốt. Tình yêu của anh dành cho em từ ngày xưa và đến bây giờ vẫn vậy. Thậm chí bây giờ còn thắm thiết hơn. Anh chỉ mong vợ chồng mình luôn sống khỏe, sống vui để lo cho con cháu. Nếu có thời gian, anh muốn cùng em làm một chuyến đi Hà Nội và đưa em ra nước ngoài vì anh đã đi được còn em thì chưa. Anh thương em nhiều lắm".
Nguồn: Tình trăm năm