Chuyện tình 5 thập kỷ 'ngọt như đường' của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng

Minh Như |

Chung cảnh ngộ không người thân, ông Thành và bà Thuỷ tìm thấy sự đồng cảm rồi dọn về ở chung. Suốt hơn 50 năm qua, cặp vợ chồng nghèo dựa vào nhau mà sống, trôi dạt khắp các con ngõ của thủ đô rồi chọn cho mình nơi gầm cầu Long Biên là điểm dừng chân cuối cùng. Đối với ông, sự xuất hiện của bà là niềm động lực duy nhất khiến ông đi hết quãng đời còn lại.

"Ở đây có nhiều ông Thành lắm, Thành Tám, Thành sẹo rồi ông Thành điếc cháu hỏi ông Thành nào, nếu hỏi ông Thành yêu vợ thì cứ bè nào nhỏ, cũ, nát nhất góc sông nhé!"

Đi theo hướng chỉ của cô Hạnh trông đền cửa sông, tìm đến nhà ông Thành giữa một buổi chiều đúng đợt gió lạnh, tổ ấm của ông Thành và vợ là căn phao lênh đênh trên sông rộng khoảng 10m2.

Trước đây căn nhà ấy được chắp vá từ đủ thứ tre, gỗ, tôn, nhựa... mà hai ông bà góp nhặt được. Mãi sau này nhiều người xung quanh thương hai vợ chồng nghèo đã cao tuổi nên giúp đỡ dựng lên chiếc bè chắn vững hơn như bây giờ.

Không con cái, ông Nguyễn Văn Thành (88 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (86 tuổi) dựng tạm trên sông Hồng, đoạn dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội). Hơn 50 năm trước, ông và bà gặp nhau trong một lần đi nhặt rác.

Cứ thế họ thường xuyên nói chuyện và yêu lúc nào không hay. Một thời gian sau họ về chung sống một nhà tại chân cầu Long Biên.

Dù cuộc sống nghèo khổ, khó khăn là thế nhưng đôi vợ chồng già luôn vui vẻ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Giờ đây khi đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng đôi vợ chồng già vẫn dành cho nhau những cái nhìn trìu mến.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 1.

Lối đi nhỏ dẫn đến tổ ấm hạnh phúc được dựng lên từ những tấm nhựa cứng, ván gỗ hay thậm chí là miếng đệm cũ do người dân vứt xuống cầu.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 2.

Trong căn nhà, chỉ có chút ánh sáng được chiếu từ chiếc bình ắc quy cũ, ông Thành phe phẩy chiếc quạt. Nhấp ngụm trà đá, làm một hơi thuốc lào ông giãi bày tâm sự từ vài năm trước. Ông bùi ngùi cho biết, mắt vợ ông hỏng hẳn nên không còn thấy gì nữa.

Vốn quê ở Thanh Hóa nhưng khi mới hơn 10 tuổi, ông Thành đã phải chịu cảnh mồ côi. Không anh em, không họ hàng thân thích, cậu bé Thành khi ấy sống lang thang khắp các ngả đường, xó chợ, từ đi ăn xin đến rửa bát đũa, làm thuê… để nuôi sống bản thân.

"Gia đình tôi không còn ai cả. Tôi mồ côi bố mẹ từ khi còn bé nên đi lang thang xin ăn xin uống khắp mọi nơi. Đầu năm 1969, tôi ra Hà Nội. Lúc đầu ra vì không được học hành cũng không biết làm gì để kiếm tiền nên tôi chỉ ngồi ở các cửa hàng để xin ăn cho qua ngày là được", ông Thành nhớ lại.

Đến ngày 26/9/1969, khoảnh khắc có lẽ mãi ông và bà sẽ chẳng bao giờ quên, hai người gặp nhau lần đầu tiên ở ga Hàng Cỏ. "Khi đó tôi và bà ấy đều không có gì, giống nhau là cả 2 cùng có một bộ quần áo rách. Thấy bà ấy đang quét gạo rơi vãi ở đằng sau nhà ga để nấu lên ăn, nên tôi ra hỏi thăm. Bà ấy chia sẻ: 'Gia đình không còn ai, bố mẹ chết sớm nên tôi đi xin ăn. Xin mãi cũng không được nên ra đây quét mấy hạt gạo rơi để về nấu ăn'... Tôi đứng một lúc rồi liền bảo bà về ở với mình sau ốm đau cũng có người này người kia, có rau ăn rau có cháo ăn cháo".

Sau ít phút, ông Thành vui mừng khi nhận được cái gật đầu của người con gái cùng cảnh ngộ. “Lúc đầu nghe ông ấy nói vậy, tôi cũng ngần ngại, phần vì không biết ông ấy có thật lòng hay không, phần lại nghĩ thân mình còn chưa xong sao lo nổi ai nữa. Nhưng khi nhìn ánh mắt ông ấy, tôi thấy có sự chân thành nên tin tưởng đồng ý. Thế rồi 'hai đứa' dắt tay nhau về thổi lửa nấu cơm chung”, bà Thủy cười cười mà rưng rưng nước mắt chia sẻ.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 3.

"Ông nhà tôi bị lãng tai, giờ mình còn khoẻ còn nói to được cho ông nghe, không biết sau sức yếu nói sao được với ông nữa" - bà Thuỷ chia sẻ.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 4.

Tuy đôi tai đã không còn nghe rõ nhưng ông Thành được nhiều người biết đến với cái tên "kẻ cướp cơm của Hà Bá" khi vớt hàng trăm thi thể người đuối nước trên sông Hồng.

Ông Thành cũng cho biết thêm, gần 30 năm qua, ông không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu xác chết trôi trên sông, cứu bao linh hồn bơ vơ trong giá lạnh. Những cái xác vô danh, không gia đình, ông bàn giao lại cho chính quyền địa phương.

“Tôi biết bơi nên từ khi tới sống ở đây cũng chú ý hơn, nghe tin có đuối nước mình cũng lại hỗ trợ giúp gia đình người gặp nạn tìm vớt thi thể. Chủ yếu mình làm lấy phúc thôi. Được cái ơn trời, bao năm qua dầm mưa dãi nắng khổ cực nhưng tôi không ốm đau gì cả, nếu không thì cũng chẳng biết lấy đâu tiền chữa trị”, ông Thành thật thà nói.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 5.

"Ông hay khen bà xinh nên ông không bỏ bà đi theo người khác, ông cứ nói thế để an ủi tôi chứ tầm này xinh hay xấu chẳng quan trọng, quan trọng là ông luôn ở bên cạnh bất kể khi nào" - bà Thủy cứ nhắc tới chồng là cười.

Cứ dắt tay nhau lang thang như thế rồi ông bà cũng đi qua hơn 50 năm, nghèo khó, đói khát, đắng cay nếm đủ cả. Kể về quãng đời những khó khăn ấy mà đôi vợ chồng già cứ hồn nhiên cười ha hả, thi thoảng rít điếu thuốc lào. Tiếng cười giòn giã vang cả một góc sông Hồng giúp cho cuộc sống vốn quá nhiều khó khăn bỗng trở nên nhẹ bẫng.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 6.

Đưa cánh tay có hình xăm ngày 26/9/1969 cho chúng tôi xem, ông Thành khoe: “Tôi sợ già sẽ lẩm cẩm không nhớ, nên tôi đã xăm lên tay ngày quan trọng nhất của cuộc đời mình”.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 7.

"Chúng tôi sống trong thiếu thốn, đói nghèo nhưng chả bao giờ ốm đau. Hai vợ chồng sống với nhau dù không có con cái nhưng ông ấy vẫn luôn quan tâm, chăm sóc tôi đến tận bây giờ", bà Thủy xúc động khi nói về tình nghĩa với người chồng.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 8.

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nằm nép mình bên bờ sông Hồng. Gọi là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là một con thuyền bằng nứa được dựng tạm bợ. Xung quanh được che chắn bởi những tấm bạt.

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 9.

Sau khi bà Thủy bị mù, ông Thành sợ bà nhà mình đi lại vấp ngã nên giành làm toàn bộ công việc từ giặt giũ, nấu cơm đến sửa thuyền...

Chuyện tình 5 thập kỷ ngọt như đường của cụ ông cụ bà nhặt rác bên bờ sông Hồng - Ảnh 10.

"Một món quà nhỏ từ lúc bên nhau đến giờ ông cũng chưa cho được bà, may mắn bà luôn hiểu và đồng hành với ông, yêu thương ông một cách vô điều kiện nhất. Có thể đôi tai này không nghe rõ những lời bà nói, cơm ăn có thể thiếu, nhưng mỗi khi về, nụ cười của bà là động lực mỗi ngày khiến ông muốn bước tiếp" - ông Thành tâm sự.

Dù cuộc sống còn thiếu thốn, bữa đủ bữa thiếu nhưng đã 5 thập kỷ trôi qua đôi vợ chồng nghèo vẫn chưa một lần cãi nhau.

"Ông ấy có thể sống thiếu tôi nhưng tôi không thể sống không có ông ấy. Tôi chỉ mong ông trời thương cho ông nhà tôi luôn mạnh khỏe, còn bản thân tôi ra đi trước thì tôi mới an lòng", bà Thủy nghẹn ngào nói về người bạn đời đang ngồi cạnh mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại