"Chuyện thường ngày ở huyện" với người Hà Nội và vị tiến sĩ Mỹ chỉ hít thở cũng mắc bệnh

Tiến sĩ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy |

Hơn 12 năm sống ở đây (Hà Nội), trải nghiệm về ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí của tôi thực sự là khá nhiều.

Tiến sĩ Terry F. Buss hiện là Giáo sư, Cố vấn Đào tạo Trường Quản Trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từng giảng dạy và quản lý tại nhiều đại học lớn ở Mỹ, Australia…, ông chọn Hà Nội là nơi định cư và làm việc nhiều năm nay. Những vấn đề của Hà Nội được ông nhìn nhận với con mắt của một người nước ngoài gắn bó với Hà Nội, và hơn thế còn là góc nhìn của một chuyên gia về Chính sách công.

Nhiều người quen biết ở Việt Nam thường hay hỏi tôi nghĩ gì về ô nhiễm ở đây và điều đó ảnh hưởng đến cá nhân tôi, một người phương Tây, như thế nào. Tôi nhận thấy mọi người rất quan tâm đến việc người nước ngoài nghĩ gì về Hà Nội. Hơn 12 năm sống ở đây, trải nghiệm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí của tôi thực sự là khá nhiều.

Tôi để ý thấy rằng người Việt Nam hay chia sẻ chuyện ốm đau của bản thân họ hoặc gia đình họ, đặc biệt khi trong nhà có trẻ sơ sinh, trẻ em và người già ốm. Đây gần như là cách mở đầu cho mọi câu chuyện. Thường khi có hai người gặp nhau chì câu chuyện luôn là: "- Đã lâu không gặp chị. - Tôi vừa mới bị ốm xong. – Ôi, cháu nhà tôi cũng vừa ốm gần một tuần trước. - Thật sự mệt mỏi lắm. - Tôi biết mà, thời tiết này nhiều người ốm lắm. - Biết đến bao giờ mới qua cái đận thời tiết này."

Vào mùa đông, những đợt lạnh kéo dài khiến nhiều người bị ốm do các bệnh đường hô hấp. Đặc biệt là vào các tháng trời nồm, ẩm ướt. Mùa hè, trong các gia đình và công sở, điều hòa được hạ xuống mức nhiệt độ thấp nhất khiến số người ốm cũng không kém cạnh. Mùa mưa đến thì ai nấy lại rơi vào tâm trạng chán nản khi phải di chuyển trên những con phố ùn tắc, ngập lụt và chỉ mong ước được vài ngày nắng.

"Chuyện thường ngày ở huyện" với người Hà Nội và vị tiến sĩ Mỹ chỉ hít thở cũng mắc bệnh- Ảnh 1.

Ảnh: Huy Phan

Khi ngày nắng đến, bầu không khí ngột ngạt lại khiến người ta mơ về những ngày trời đầy mây che phủ hay một chút mưa nhẹ để nhiệt độ dịu xuống. Và những câu chuyện về thời tiết, sức khỏe cuối cùng đều quay về vấn đề ô nhiễm. Nhiều người tin rằng đây chính là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra bệnh tật.

Giống như nhiều người dân Hà Nội, thời tiết, bệnh tật và ô nhiễm cũng đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" đối với tôi.

Ngay từ năm đầu tiên chuyển đến Hà Nội sinh sống tôi đã trở thành nạn nhân của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến ô nhiễm – tiêu chảy, đau mắt, viêm tai, viêm phổi. Sau vài năm, có vẻ như cơ thể tôi đã dần thích nghi và miễn dịch ngoại trừ bệnh phổi. Cuộc sống của tôi cũng theo đó mà thay đổi rất nhiều, chỉ có điều không theo chiều hướng tốt.

Những cuộc tấn công đầu tiên của ô nhiễm: tiêu chảy, đau mắt, viêm tai

Vừa sang đến Việt Nam vài ngày tôi đã đã phải nhập viện truyền nước do bị tiêu chảy. Sau vài ngày hồi phục, tôi quay trở lại lịch công tác, nhưng ngay sau đó lại nhập viện vì tái phát. Bác sĩ điều trị giải thích rằng mặc dù tôi đã tuân thủ rất khắt khe các quy tắc thực hành vệ sinh tốt nhưng vấn đề của tôi là chỉ cần hít thở không khí thành phố cũng khiến tôi mắc bệnh.

"Chuyện thường ngày ở huyện" với người Hà Nội và vị tiến sĩ Mỹ chỉ hít thở cũng mắc bệnh- Ảnh 2.

Cho đến nay, tôi vẫn chỉ uống nước đóng chai từ những nguồn đảm bảo hoặc nước đã qua máy lọc. Quả thực là tôi không biết mình đã đạt được miễn dịch sau từng ấy năm ở đây hay chưa, nhưng không dám mạo hiểm vì rủi ro quá lớn. Nhưng cũng nhờ vậy mà gia đình chúng tôi cũng có thêm một người bạn tốt là anh vận chuyển nước đóng chai.

Tiếp đó là chứng đau mắt đỏ - khoảng ba hay bốn lần liền nhau. Lần đầu là khi tôi đi taxi vào một ngày đẹp trời, không khí khá mát mẻ. Tôi chợt muốn được nhìn ngắm thành phố nên nói anh lái xe mở cửa kính. Lập tức một đám bụi xộc vào mắt tôi. Và chỉ một tiếng sau thì hai con mắt đỏ lên như đèn pin.

May mắn là chúng tôi sống gần một bệnh viện mắt tư nhân và tôi chỉ coi đó là một sự cố không may nên không nghĩ ngợi nhiều. Một lần khác không lâu sau đó, cũng đi taxi, tôi lại mạnh dạn kéo cửa kính xuống, và bạn có thể đoán được hậu quả - lại một tuần đau mắt.

Và dường như vậy vẫn chưa đủ, một lần tôi đang đi bộ trên vỉa hè thì một chiếc xe tải phóng vụt qua kéo theo một làn cát bụi mịt mù phủ kín từ đầu đến chân tôi và hậu quả là một tuần nữa hai con mắt sưng vù. Thế nên đã bao năm nay tôi không thể ngắm Hà Nội xinh đẹp vì đủ thứ bụi bặm. Cặp kính râm có vẻ không đủ sức ngăn hết bụi. Mà đeo kính bơi đi lại trên phố thì có lẽ không hợp thời trang cũng không hợp cảnh.

Vẫn chưa hết, tiếp theo đó là viêm tai. Tôi chưa dám khẳng định lý do vì sao nên tự tìm hiểu trên Google và đúng vậy, ô nhiễm có thể gây viêm tai. Mà viêm tai ư - chắc sẽ không ai cảm thấy dễ chịu khi rơi vào tình cảnh cơ thể mất thăng bằng khiến việc đi lại loạng choạng. Tôi chắc chắn rằng người khác nhìn thấy dáng vẻ tôi lúc đó sẽ nghĩ rằng: anh chàng này cần uống bia ít đi. Và nhờ đó mà tôi phát hiện ra: đi lại với với hai ngón tay bịt kín hai lỗ tai thực sự là điều không thú vị chút nào. Đeo tai nghe là một giải pháp, tiếc là chỉ phù hợp với các bạn trẻ.

Viêm phổi

Thật may mắn là sau một thời gian thì thì tôi đã thoát nạn đau mắt, viêm tai và tiêu chảy – cơ thể đã dần thích ứng với điều kiện sống mới. Nhưng bệnh viêm phổi không tha cho tôi. Tôi đoán là ai cũng sẽ cần có một nét độc đáo nào đó. Hay trong trường hợp này là phải có một câu chuyện để góp với đồng nghiệp khi nói về thời tiết, bệnh tật và tất nhiên không thể thiếu những lời phàn nàn chính đáng về ô nhiễm.

Bệnh phổi bắt đầu xuất hiện sau khi tôi chuyển đến sống ở Việt Nam được ba năm. Tại thời điểm đó, các triệu chứng giống như chứng cảm lạnh thông thường kèm theo viêm họng, tiếp tới là xoang. Sau đó những lần cảm lạnh nặng lên và chuyển thành viêm phổi. Mức độ mỗi lần khác nhau, có lần phải nhập viện một tuần, những lần khác đều phải đến gặp bác sĩ.

Kể từ đó, việc nhiễm bệnh kiểu như "đến hẹn lại lên", mỗi năm khoảng 2 lần, và đã quen với tình trạng này nên tôi tự mua thuốc điều trị và đều qua khỏi. Tôi cứ tiếc nuối thầm ước giá mình có tầm nhìn chiến lược sớm hơn để mua cổ phần của một hãng dược sản xuất thuốc kháng sinh nào đó thì tốt biết bao!

Ngoại lệ là đợt ốm gần đây nhất: tôi đã dành toàn bộ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong phòng ngủ với chai thuốc truyền được lắp đặt ngay trên bức tường đầu giường như một bệnh viện dã chiến thực thụ. Bệnh viêm phế quản cấp đã giữ chân tôi ở nhà gần 3 tuần cho đến khi bình phục hoàn toàn. Và trong cái rủi có cái may, tôi đã được một bác sĩ đến tận nhà chăm sóc. Thật thú vị là anh ấy lại có cùng sở thích với tôi. Mỗi ngày tôi lại ngóng đến giờ bác sĩ thăm bệnh. Tiếc là, chứng sổ mũi khiến tôi tiêu tốn cả núi khăn giấy. Kèm theo đó là những trận ho ở cường độ mạnh đến mức khiến hàng xóm nghĩ trong nhà tôi có xung đột bạo lực.

Khi dịch Covid-19 tấn công, bản thân tôi rút ra một trải nghiệm là: người có bệnh phổi mãn tính như tôi mà đeo khẩu trang N-95 thì sẽ không có cơ hội thở. Vì vậy, khi viêm phổi, ngoài việc ngồi im trong nhà thì chỉ có một giải pháp duy nhất: tập cách nín thở hàng giờ nếu vẫn muốn mạo hiểm tung tăng ngoài trời.

Hậu quả của ô nhiễm

Mỗi lần đi viện là mỗi lần vừa tốn thời gian vừa tốn tiền, dù vẫn phải đi. Nhưng việc đó cũng có ý nghĩa tích cực: mỗi năm, tôi đều đóng góp một khoản tài chính lớn cho lĩnh vực y tế/dược phẩm của Việt Nam. Tôi còn đang nghĩ đến việc chuyến nhà đến gần bệnh viên cho thuận tiện.

Có những lần bị ốm, tôi phải uống cả chục loại thuốc kết hợp. Tiếc là không có loại nào ngon như kẹo dẻo. Chưa kể, việc uống thuốc cũng rắc rối: có loại uống trước bữa sáng, vài loại uống ngay sau bữa ăn, có loại uống cùng lúc ăn tối, và loại nữa trước khi đi ngủ. Được bao nhiêu người đủ thời gian tuân thủ đúng như vậy!

Cập nhật: Tôi đã bắt đầu ăn súp tổ yến hàng ngày và điều đó có vẻ hữu ích. Tuy nhiên, tôi vẫn vô cùng thương cảm cho những chú chim yến vẫn đang miệt mài xây tổ ngoài kia!

Mỗi khi đi du lịch, đặc biệt là đi nước ngoài, tôi mang theo một vali đầy thuốc kê toa để đề phòng trường hợp bị ốm. Điều này thật bất tiện.

"Chuyện thường ngày ở huyện" với người Hà Nội và vị tiến sĩ Mỹ chỉ hít thở cũng mắc bệnh- Ảnh 4.

Hầu hết thời gian tôi ở im trong nhà như một ẩn sĩ giấu mình trong hang. Tôi tránh mọi tiếp xúc với mọi người khi có thể để đề phòng khả năng lây lan các bệnh nhiễm trùng, phòng ngừa mắc bệnh hoặc tránh bệnh tật trở nên tồi tệ hơn do ô nhiễm. Vì vậy có thể nói, về mặt dịch tễ học, nguyên nhân bệnh của tôi hẳn chỉ là do ô nhiễm, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.

Lưu ý: Ngoại trừ việc phải kẹt lại ở Mỹ 2 năm cách xa gia đình thì Covid không khiến lối sống của tôi thay đổi. Lúc không có Covid tôi cũng ít khi rời khỏi nhà hay tiếp xúc với người khác. Và điều ngạc nhiên là khi mắc Covid, triệu chứng duy nhất tôi gặp phải là hắt hơi. Có lẽ vi-rút gây viêm phổi thường trú trong cơ thể tôi đã tiêu diệt hoặc làm suy yếu đáng kể con vi-rút Covid.

Một điều khó chịu nữa là ô nhiễm cũng khiến muỗi, dĩn nhiều hơn và mỗi khi ra ngoài hoặc ở gần nguồn nước tôi phải cảnh giác cao độ bởi không hiểu vì lý do gì tôi luôn là chiếc máy hút muỗi. Điều này thực sự khó chịu: giống như một người đi trong rừng với tâm thế kiểu gì mình cũng bị lũ muỗi xơi tái, rồi sau đó là sốt xuất huyết.

Hay đơn giản là thể tạng tôi ốm yếu?

Đọc đến đây, tôi đoán ngay bạn đang nghĩ gì. Ông này hơi tý là ốm thế này hẳn là vì ăn uống kém, lười vận động, béo phì, uống rượu và hút thuốc quá đà đây, hoặc do cơ địa không khỏe mạnh mà thôi. Sai hoàn toàn, tôi không rơi vào bất kỳ phạm trù nào nêu trên.

Thực tế, từ tuổi thiếu niên tôi đã luôn ý thức không nhiễm bất kỳ thói quen xấu nào, thực hiện lối sống lành mạnh, không rượu, bia, thuốc lá, coi phòng tập gym là ngôi nhà thứ hai và chơi thể thao là thú vui duy nhất. Tất nhiên khi ở Mỹ tôi cũng kha khá lần phải đến bệnh viện nhưng đều là do chấn thương khi chơi thể thao và nâng tạ. Bản thân tôi cũng là một Huấn luyện viên phòng tập có chứng nhận.

Cuộc sống có thể vô cùng bất công như vậy đấy!

Và nếu bạn có băn khoăn, thì tôi vẫn đang sống ở Hà Nội bất chấp ô nhiễm!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại