Ngày 27/12 sắp tới, Bamboo Airways dự kiến sẽ cất cánh. Đây là chuyến bay kỹ thuật đầu tiên của hãng, thực hiện để nhận chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (Aircraft Operator Certificate – AOC).
Bamboo Airways đã nhận chiếc máy bay đầu tiên, Airbus A319 số hiệu 2568, thuê từ công ty WWTAI AIROPCO II DAC, thời hạn 48 tháng.
Nếu chuyến bay này thành công, Bamboo Airways sẽ là cái tên nội địa thứ 5 bay trên bầu trời Việt Nam, sau Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific Airlines và Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO.
Trước đó, khi trả lời Trí Thức Trẻ, ông chủ hãng hàng không giá rẻ AirAsia Tony Fernandes tỏ ra nghi ngờ việc Bamboo Airways có thể bay thương mại chính thức trong năm 2018, theo kế hoạch đề ra của hãng.
Thậm chí, CEO Air Asia còn "thách" Bamboo bay thương mại được trong năm 2018. Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí tại Việt Nam, Tony Fernandes nói: "Nếu Bamboo Airways trong một tháng nữa mà chạy được thì tôi sẵn lòng tặng các bạn vé free bay khắp nơi".
CEO AirAsia cũng nói rằng hi vọng tháng 7 hoặc tháng 8 năm 2019, AirAsia Vietnam (hợp tác cùng Tập đoàn Thiên Minh) có thể cất cánh, trở thành hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam.
Dù nhận định về Bamboo Airways như vậy, nhưng thực tế chính AirAsia Vietnam cũng không thực hiện được "lời hứa bay" của mình trước đó.
Trong năm 2017, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group đã cho biết hãng hàng không liên doanh Việt Nam AirAsia sẽ cất cánh vào đầu năm 2018 nhưng sau đó, kế hoạch bị "rơi tõm" và chỉ được nhắc lại việc hợp tác vào thời điểm cuối năm 2018.
Hay với lịch sử bay của Vietjet Air, việc hoãn chuyến bay đầu tiên thậm chí kéo dài trong vài năm.
Cụ thể, Vietjet Air được phê duyệt giấy phép bay vào tháng 11/2007. Đến tháng 12/2007 công ty này được trao giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Theo kế hoạch ban đầu, Vietjet sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng do biến động giá xăng dầu, hãng đã hoãn lại và dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 11/2009.
Đến tháng 6/2010, hãng lại thông báo hoãn thời gian cất cánh đến tận tháng 10 cùng năm vì lý do cần có thời gian giải quyết một số vấn đề phát sinh liên quan đến mua bán cổ phần, xây dựng thương hiệu, nhân sự và đội bay.
Tính đến thời điểm đó, Vietjet đã xin lùi lần thứ 5 thời gian cất cánh. Nhiều nhà phân tích đã cho rằng bên cạnh nguyên nhân chính về biến động giá nhiên liệu, còn có sự tranh chấp, nhận diện về thương hiệu trong khai thác vận tải hàng không nội địa và hãng chưa có đủ thời gian để xử lý.
Đầu tháng 12/2010, hãng tiếp tục gửi văn bản xin hoãn bay. Sau nhiều lần bị trì hoãn dưới nhiều lý do, phải đến ngày 25/12/2011, Vietjet với thực hiện được chuyến bay đầu tiên từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Nội Bài.
Với những thông tin hiện tại do phía Bamboo Airways cung cấp, hãng không xảy ra các tình huống phát sinh tranh chấp như Vietjet Air thời điểm chuẩn bị cất cánh. Tuy nhiên, nguyên liệu cũng có thể trở thành vấn đề.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh từng nhận định thị trường hàng không tăng trưởng tốt trong 10 năm qua nhưng năm 2018 đang gặp khó khăn hơn vì biến động giá dầu.
Bài viết của CNBC đăng tải ngày hôm nay (17/12) cho rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay của Việt Nam sẽ tăng lên kỷ lục trong năm nay và đang phụ thuộc hầu hết vào nguồn cung nước ngoài.
Cụ thể, CNBC cho biết trong năm 2018 nhu cầu nhiên liệu máy bay tại Việt Nam ước tính sẽ tăng khoảng 20 – 25% so với năm 2017. Theo dữ liệu xăng dầu hàng không, Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 18 triệu thùng nhiên liệu máy bay mỗi năm.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất ở Quảng Ngãi và Nghi Sơn ở Thanh Hoá, mới bắt đầu hoạt động trong năm 2018, chỉ đáp ứng được số ít, còn lại, nguồn cung phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đến tháng 11, theo dữ liệu của cơ quan Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 1,87 triệu tấn nhiên liệu, tương đương 14,8 triệu thùng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, biến động giá dầu trên thế giới có thể sẽ tác động rất mạnh mẽ đến các kế hoạch của các hãng hàng không trong nước, trong đó có Bamboo Airways, người mới nhập cuộc.