"Thần cẩu" trấn giữ thần khí cho dân
Chó từ lâu đã không chỉ là vật nuôi mà còn là người bạn thân thiết của con người. Ở Thừa Thiên Huế, vùng đất còn lưu giữ lại những nét văn hóa độc đáo, nhiều ngôi làng nơi đây chọn chó làm vị thần để thờ tự, bảo vệ người dân. Họ gọi đó là "thần cẩu".
Phổ Trung (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) là một trong những ngôi làng như thế. Bà Hồ Thị Mai Hồng (80 tuổi), người trông coi miếu thần cẩu nói rằng, tục thờ đã có hàng trăm năm trước.
Việc thờ tự do một người phụ trách nhưng mỗi năm người làng đều có đóng góp. Vào ngày rằm, mồng một hay lễ, tết, bà Hồng cùng một vài bô lão khác đều làm mâm cúng thần cẩu.
Thần cẩu ở làng Thanh Thủy Chánh được tạc đơn sơ
Bà kể, theo tích xưa còn lưu giữ, người Phổ Trung trước đây không có chí tiến thủ, con em ham học nhưng thi khoa cử chưa bao giờ đỗ đạt. Các bô lão mời thầy địa lý về xem thế đất và được chỉ rằng phải lập am thờ thần cẩu ngay đầu làng để trấn giữ thần khí cho dân. Từ đó, người làng Phổ Trung bắt đầu lập am, miếu thờ và duy trì cho đến bây giờ.
Cách làng Phổ Trung không xa, làng Phổ Đông thuộc xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) cũng thờ thần cẩu để giữ làng. Cụ Lê Thị Mai (80 tuổi), người phụ trách thờ cúng, cho hay đây là tục lệ cha ông truyền lại và con cháu noi theo để làm.
Thần cẩu làng Phổ Đông
"Sổ ghi chép của làng qua hàng trăm năm đã không còn lưu giữ. Chúng tôi chỉ biết rằng thần cẩu sẽ giữ làng, phát hiện tà ma, tai ương nhằm ngăn cản không làm hại con dân", cụ Mai nói.
Tục thờ thần cẩu không chỉ có ở những ngôi làng thuộc huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) mà còn được lưu giữ ở nhiều nơi khác. Ở xứ Huế, có thể dễ dàng kể ra như thần cẩu làng Bao La, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền); làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy).
Oai nghiêm thần cẩu
Miếu thờ thần cẩu ở làng Phổ Trung, Phổ Đông, Bao La, Thanh Thủy Chánh… không to lớn như thờ các vị thần khác mà chỉ là chiếc am nhỏ luôn được quét dọn sạch sẽ. Tuy vậy, thần cẩu ở mỗi ngôi làng đều có nét riêng, chỉ giống nhau ở điểm uy nghiêm, hung dữ để đe dọa cái xấu.
Vị thần cẩu ở làng Phổ Trung được tạc trong thế đứng, sơn màu đen, mắt hướng ra quốc lộ. Đôi mắt vị thần cẩu này trông rất hung dữ. Người làng Phổ Trung nói rằng đây là "chó trời" nên phải hung dữ, uy nghiêm như vậy.
Ngược lại, vị thần cẩu của làng Phổ Đông được tạc trong tư thế ngồi, sơn màu vàng. Mắt cũng hướng ra đường để canh chừng tà ma, tai ương vào làng. Đặc biệt, đôi mắt "vị thần" này cũng hung dữ chứ không thân thiện như chó nhà.
Miều thờ và vị thần cẩu làng Phổ Trung
Khác với hai ngôi làng trên, thần cẩu ở làng Thanh Thủy Chánh được đặt trang trọng ở một bức bình phong nằm ven con kênh. Bức tường dài chừng 5 m, xây khá dày bằng những viên đá nguyên khối và được kết dình bằng vôi, nay đã úa màu thời gian.
Các cao niên làng Thanh Thủy Chánh nói rằng bức bình phong được người xưa của làng đặt ở đây có ý nghĩa phong thủy. Làng có nhiều sông nước, gần với biển nên người xưa muốn ngăn ngừa tà khí bốc lên từ dòng sông, ngăn cản tai ương để ngăn cản không làm hại con dân.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Đại Vinh, việc thờ thần cẩu cùng những câu chuyện truyền tụng ở những ngôi làng trên là một nét văn hóa, tín ngưỡng đẹp. Việc thờ thần cẩu là nét khác biệt của dấu ấn tâm linh ở Huế.
Theo ông Vinh, tục thờ thần cẩu trước đây không phải là hiếm có ở Việt Nam, nhưng đến nay nhiều địa phương không còn giữ được. Nhiều làng quê ở Huế vẫn còn lưu giữ nét đẹp tâm linh này như cách để tri ân và cầu mong sự bình yên cho dân làng.