Chuyện thật như đùa: “Nằm liệt giường vẫn đứng tên khám chữa bệnh”

An Nhiên |

Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ một lần và có giá trị vĩnh viễn đã làm nảy sinh khá nhiều bất cập, trong đó có cả việc cho thuê mướn, lợi dụng chứng chỉ để trục lợi.

Luật Khám chữa bệnh 2009 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ không có thời hạn xác định nên đã xảy ra tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện để hành nghề đã cho thuê, mướn lại chứng chỉ hành nghề của mình.

Chỉ cần gõ “cho thuê chứng chỉ hành nghề bác sĩ’, ngay lập tức sẽ có hàng loạt trang web cung cấp chi tiết thông tin người cho thuê với đủ loại chứng chỉ hành nghề, từ nội khoa, sản phụ khoa, ngoại khoa, cho thuê bằng cử nhân xét nghiệm để mở phòng khám…

Thậm chí có người còn nói rõ đã nghỉ hưu, có chứng chỉ hành nghề sản phụ khoa cho thuê.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu thực tế: “Qua kiểm tra của Sở Y tế TPHCM, có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam.

Hay có những trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám chữa bệnh”.

Vì thế Sở Y tế TPHCM kiến nghị nên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn cho từng chức danh tương ứng như với bác sĩ có thể thời hạn của chứng chỉ hành nghề là 5 năm, điều dưỡng, hộ sinh có thể là 3 năm và được xem xét gia hạn khi vượt qua các kỳ sát hạch sau đó.

Theo ông Tăng Chí Thượng, để được cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ phải thi nhiều vòng, thậm bác sĩ nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam cũng phải thi và chứng chỉ đó chỉ có thời hạn nhất định.

Giám đốc Sở Y tế Bình Định đề xuất, thời hạn cho chứng chỉ hành nghề nên quy định trong khoảng 5 năm và cũng cần phải có độ tuổi giới bạn nhất định với người được cấp chứng chỉ hành nghề.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề theo hình thức xét hồ sơ dựa vào các bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn nên không xác định được phạm vi hành nghề cụ thể của người hành nghề (không xác định được người hành nghề được cung cấp dịch vụ kỹ thuật nào hay không được phép cung cấp dịch vụ kỹ thuật nào).

Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề theo hình thức xét hồ sơ không đánh giá được thực chất năng lực chuyên môn của người hành nghề cũng như chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo

Theo ông Quang, cần có một kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc.

Ngoài ra, Luật cũng cần có quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những người không hành nghề trong 2 năm liên tiếp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế cho biết, hiện nay nhân viên y tế được cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên hồ sơ, chưa có cơ quan đánh giá năng lực thực tế, trong khi các bác sĩ tốt nghiệp dựa trên kỳ thi của trường, mà trường lại chưa được thẩm định do chưa có cơ quan độc lập kiểm định chất lượng.

Chính vì vậy, kỳ thi chứng chỉ hành nghề quốc gia sẽ là thước đo và là cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo y khoa của cả các trường công lập và dân lập.

Dự kiến khi Chính phủ cho phép thì sau năm 2021 sẽ bắt đầu tiến hành thí điểm kỳ thi quốc gia, tiến tới mở rộng. Lộ trình này cũng phù hợp với tiến trình sửa đổi Luật Khám chữa bệnh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại