Chuyện thật như bịa về người 26 năm làm lãnh đạo cấp trưởng, không biết chữ

Thái Sinh |

Chuyện như bịa ở huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), nhưng lại thật 100%. Đó là ông Hảng A Páo, năm nay 78 tuổi từng đảm nhiệm chức Trưởng Ban định canh định (ĐCĐC) cư 26 năm cho đến ngày nghỉ hưu. Dù không biết chữ, song trí nhớ siêu việt...

Chuyện như bịa ở huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), nhưng lại thật 100%. Đó là ông Hảng A Páo, năm nay 78 tuổi từng đảm nhiệm chức Trưởng Ban định canh định (ĐCĐC) cư 26 năm cho đến ngày nghỉ hưu....

Mặc dù không biết chữ, ngoại trừ một chữ ký “Páo”, với một trí nhớ siêu việt, không điều gì có thể qua được mắt ông. Bởi thế, gần 30 năm làm Trưởng Ban ĐCĐC ông không để thất thoát một đồng…

1. Tôi biết ông Hảng A Páo năm 1989, hồi ấy tôi đang là phóng viên kiêm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Hoàng Liên Sơn.

Ban ĐCĐC tỉnh muốn ra một số chuyên đề viết về công tác ĐCĐC, nhằm tuyên truyền tới đồng bào vùng cao, nên tôi được cử đi viết bài.

Nhà ông Páo ở xã Bản Công, nằm trên sườn núi cao quanh năm mây mù bao phủ, chúng tôi phải mất hơn hai giờ leo núi mới tới nơi.

Thật khó hình dung nổi con đường lên núi dựng đứng như mặt ngựa, có chỗ người đi sau chạm gót chân người đi trước, phải vất vả lắm tôi mới “bò” đến được nhà ông.

Một ngôi nhà thấp lè tè bằng gỗ, ẩn mình dưới rặng đào cổ thụ rêu phong cổ kính.

Trong nhà dường như lúc nào cũng tối, ngay cả giữa trưa cũng chỉ lờ mờ, ông Páo phải dùng gậy chống mấy tấm gỗ thông lợp nhà để lấy ánh sáng. Hồi ấy đang cuối tháng mười hai, trời lạnh lắm, rặng đào trước nhà ông hoa nở rực.

Ông bảo: Đào trên núi có hai lần nở hoa, lần đầu vào cuối tháng mười hai dương lịch, lần thứ hai vào dịp Tết nguyên đán. Hoa nở lần đầu là để chào đón Tết của người Mông, hoa nở lần hai chào đón Tết chung của mọi nhà…

Chuyện thật như bịa về người 26 năm làm lãnh đạo cấp trưởng, không biết chữ - Ảnh 1.

Ông Hảng A Páo và tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì

Khi đã ngà ngà tôi mới dám hỏi ông về chuyện ông không biết chữ nhưng dám nhận chức Trưởng Ban ĐCĐC? Ông cười bảo: Mình không biết chữ thật mà, chỉ biết ký thôi, nhưng huyện phân công thì mình phải làm.

Mình giao từng việc cho anh em, còn mình chỉ lo việc chung.

Tôi hỏi: Các số liệu kế toán ông không biết chữ thì làm sao kiểm tra được, nhỡ anh em cấp dưới làm sai thì sao? Ông cười bảo: Phải tin anh em chứ, không có chuyện làm sai đâu.

Anh em cấp dưới làm thế nào mình biết hết, không bịt được mắt mình đâu… Nói rồi ông đọc vanh vách những con số mà ông ký cách đó nửa năm, khiến mọi người đều trợn tròn mắt.

2. Ông Páo quê tận Sơn La, năm 1951 khi đó ông mới 13 tuổi theo bố mẹ chạy giặc khắp vùng Tây Bắc rồi trôi dạt về xã Bản Công nằm chênh vênh trên ngọn nguồn dòng suối Thia, nơi quanh năm mây mù bao phủ.

Tuổi thơ của ông là chuỗi những ngày chạy giặc, sống chui lủi trong rừng như con hươu con nai, mở mắt ra là thấy núi và rừng rậm bao quanh.

Lớn lên nhờ rau rừng và sắn khoai, tháng 5/1954 giải phóng Điện Biên Phủ cả vùng Tây Bắc khi đó mới được yên hàn, không còn nghe tiếng bom, tiếng súng.

Nhưng nạn phỉ nổi lên, ông xung phong vào đội quân tiễu phỉ, mãi tới đầu những năm sáu mươi mới dẹp xong.

Chuyện thật như bịa về người 26 năm làm lãnh đạo cấp trưởng, không biết chữ - Ảnh 2.

Thôn định canh định cư Cu Vai, trên một mỏm núi cao

Ông cười bảo: Lúc bé thì suốt ngày chui lủi trong rừng, lớn lên hết tiễu phỉ rồi làm xã đội trưởng từ năm 1963 tới năm 1968 lo giữ yên bản làng nên chẳng lúc nào được học hành.

Đến khi được đi học thì không học được nữa, cái chữ không vào đầu, cái tay cứng quá không viết được đành chịu mù chữ thôi…

Tuy không biết chữ, nhưng ông có trí nhớ kỳ tài, các văn bản chỉ đạo của cấp trên người ta chỉ đọc qua một lượt là ông nhớ ngay.

Ngày ấy, người nói thạo tiếng Kinh, am hiểu pháp luật lại là người dân tộc Mông như ông ở trên Trạm Tấu quả là hiếm.

Bởi thế, năm 1971 ông được bầu làm Bí thư xã Bản Công, tới tháng 4/1974 thì ông được điều động về huyện làm Trưởng Ban ĐCĐC tới tháng 6/2000 thì ông nghỉ hưu.

Cuộc vận động đồng bào sống ĐCĐC trên vùng cao Tây Bắc là cuộc vận động lớn nhất và lâu dài nhất suốt từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho tới tận ngày nay vẫn chưa dừng lại.

Tình trạng du canh du cư vẫn tiếp diễn ở vùng cao, kéo theo là những cuộc di dân ồ ạt từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên dai dẳng chưa biết bao giờ mới dừng lại, có đợt cả trăm người ra đi.

Ông Hảng A Páo được cử làm Trưởng Ban ĐCĐC huyện Trạm Tấu để bằng tiếng nói của chính người Mông nói với người Mông về các chính sách của Đảng, Nhà nước về lợi ích của cuộc sống ĐCĐC.

Ông đã nhiều lần vào tận Tây Nguyên vận động bà con trở lại quê hương làm ăn sinh sống.

Suốt 26 năm trời làm Trưởng Ban ĐCĐC bàn chân ông không bỏ sót một thôn bản nào. Ông vận động bà con bỏ nương rẫy làm ruộng bậc thang, sống ổn định một chỗ để con cái được học hành, người già được chữa bệnh.

Nhiều người đều hỏi ông từ chuyện làm mương dẫn nước về làm ruộng, đến chuyện làm nhà…

Chuyện thật như bịa về người 26 năm làm lãnh đạo cấp trưởng, không biết chữ - Ảnh 3.

Thôn định canh định cư Suối Giao

Ông không ngại núi cao dốc dựng đến tận nơi chỉ bảo cho họ. Nguồn kinh phí cho công tác ĐCĐC được ông phân bổ đúng địa chỉ mà người dân mong đợi và thật sự có nhu cầu.

Chính vì thế, ai cũng tôn kính ông, những người trẻ tuổi đều gọi ông là bố.

Những năm đầu về làm Trưởng ban ĐCĐC ông vẫn đi về ngôi nhà trên núi, nếu chúng tôi phải mất gần hai giờ mới leo được tới nhà ông thì ông chỉ đi độ một tiếng.

Sau này để tiện công việc ông đưa cả nhà xuống núi, cạnh dòng suối Thia.

3. Mỗi lần lên Trạm Tấu tôi đều tìm đến nhà ông, hiếm khi gặp ông ở nhà, hỏi thì nghe nói ông đang đi thăm ruộng. Lần này cũng vậy, mấy đứa cháu bảo: Ông cháu đi thăm ruộng rồi.

Chúng nhìn quanh quẩn thấy chiếc xe máy của ông vẫn dựng ở sân thì bảo: Chắc ông cháu đi ra huyện chơi, để cháu đi tìm cho.

Tôi đợi chúng đi tìm ông về, mới hay mảnh đất của ông cho hai đứa con gái lấy chồng và một thằng con trai dựng nhà. Còn ông sống trong ngôi nhà gỗ lợp bằng fibro xi măng phía bên ngoài.

Ngôi nhà bây giờ ông đang ở cũng chẳng lớn hơn ngôi nhà cũ trên Bản Công mà tôi đến cách nay ngót 30 năm là bao, thấp lè tè và cũng tối lờ mờ như trong động.

Vợ ông hơn ông hai tuổi đang ngồi thêu váy áo, còn đứa con gái thì đang phơi cây lanh mới cắt trên nương về, đám trẻ con thau tháu thì cào thóc vào các bao, trời xầm xì sắp mưa.

Chuyện thật như bịa về người 26 năm làm lãnh đạo cấp trưởng, không biết chữ - Ảnh 4.

Con gái ông Páo đang phơi cây lanh

Đi một lúc thì thằng cháu ngoại của ông Páo trở về, nó bảo: Ông cháu không xuống huyện mà sang nhà bác Khua, đang về kia rồi.

Gặp tôi, ông bắt tay rất chặt: Nhà báo khỏe chứ? Tôi hỏi: Ông còn nhớ tên tôi không? Ông cười: Sao không nhớ!

Đúng là người có trí nhớ siêu việt.

Có lẽ đã lâu rồi tôi không gặp mà ông vẫn nhớ tên tôi, lần cuối cùng tôi đến thăm khi đó ông đã về hưu sống trên mảnh đất này, đó là một mảnh đất trũng khá rộng, có rất nhiều đá, xung quanh nhà trồng đào và mận ông mang giống từ trên núi xuống, mùa xuân hoa nở rực rỡ.

Bây giờ nhà đã mọc kín, hỏi ra mới hay ông đã bán mấy lô đất ngoài mặt đường chỉ để một lối đi chừng ba mét lấy tiền làm nhà và giúp con cháu.

Nhìn ngôi nhà gỗ của ông lọt thỏm giữa những nhà cao tầng, tôi hơi chạnh lòng.

Suốt 26 năm làm Trưởng Ban ĐCĐC mà ông vẫn chẳng có gì, ngoại trừ những tấm bằng khen ông treo la liệt khắp nhà, đủ thấy ông là người liêm khiết tới mức nào.

Có hai tấm bằng khen được ông treo trang trọng trên nóc tủ, đó là tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký tặng ngày 24/10/1996 và bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ ký tặng ngày 23/4/1998.

Tôi hỏi ông trong suốt 26 năm làm Trưởng Ban ĐCĐC có ai gợi ý cho tiền để ông giao cho họ làm các công trình không? Ông bảo: Có chứ! Nhiều người đến tặng phong bì để xin công trình làm đường a, làm hệ thống nước sạch a, làm nền nhà a… nhiều lắm. Họ còn bày cách cho mình làm thế này thế kia để rút tiền công trình, nhưng mình không nhận, không làm theo họ đâu. Tiền Nhà nước giúp đồng bào của mình, sao làm thế được?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại