Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Xe ôm công nghệ: Nên làm, nhưng không đáng để thành nghề?" của anh Đỗ Quốc Việt Anh, Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế, UWE Bristol. Mời độc giả đón đọc.
Trong khi chờ đợi những biến chuyển về hạ tầng giao thông cũng như các hình thức vận tải công cộng đô thị, xe máy vẫn đang là phương tiện giao thông linh hoạt để di chuyển trong các đô thị ở Việt Nam. “Xe máy ôm” nghiễm nhiên trở thành dịch vụ đáp ứng nhu cầu đi lại phù hợp của người dân từ gần hai thập kỷ qua tại các thành phố lớn.
Khung cảnh giao thông thường nhật tại các thành phố lớn.
Gần đây, sự xuất hiện của “xe ôm công nghệ” đang dần thay thế cho hình thức “đứng đường bắt khách” trước đây. Số lượng người dùng loại hình này ngày càng gia tăng, song hành cùng mức độ phổ cập của Internet và điện thoại thông minh.
Theo Asia Plus Inc., sự tin cậy, mới mẻ, chất lượng và mức giá đang làm nên sự hấp dẫn khách hàng của cánh “xe ôm công nghệ” so với “xe ôm truyền thống”.
Đằng sau biến chuyển trong hành vi tiêu dùng, bỏ qua sự cạnh tranh khốc liệt giữa “mới” và “cũ”, là cơn sóng ngầm tại thị trường lao động, cũng như tác động của lựa chọn tìm kiếm thu nhập và phát triển sự nghiệp của nhiều người trẻ.
Dịch vụ vận tải trong xu thế kinh tế chia sẻ
Uber Moto (U) hay Grab Bike (B) đang là đại diện đáng kể duy nhất trên thị trường Việt Nam cho hình thức “xe ôm công nghệ”.
Cả hai cùng có nhiều điểm chung, được thành lập bởi các ông chủ xuất thân từ các trường danh tiếng: Travis Cordell Kalanick (Uber) bỏ ngang UCLA, còn Anthony Tan (Grab) tốt nghiệp Harvard. Mô hình kinh doanh cả hai theo đuổi là xu thế kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) trong lĩnh vực vận tải.
Theo đó, các tổ chức hoặc cá nhân có dư nguồn lực (xe, lái xe, thời gian, sức lực,…) có thể mang ra kinh doanh dưới sự hỗ trợ về hạ tầng dịch vụ của U/G. Việc tham gia này mang tính tận dụng sự dư thừa, tận thu lấp khoảng trống thời gian vận hành.
Giúp chủ tài sản tối đa hóa khoản đầu tư vốn có hoặc thêm nguồn gia tăng thu nhập cá nhân. Và mang tới cho hành khách chi phí rẻ hơn cho quãng đường như cũ.
Tính chia sẻ được nêu bật với sự góp mặt của ba bên.
U/G đảm nhận phần hạ tầng kinh doanh: tìm nguồn khách, vận hành, chăm sóc khách hàng và tổ chức; giúp kết nối hai đầu khách đi và xe. U/G tự nhận mình là trung gian, không phải hãng vận tải. Họ là dịch vụ trung gian với các lái xe là đối tác, hành khách là người sử dụng dịch vụ đặt xe.
Tài xế tham gia chuyên tâm vào việc đưa đón khách. Bên có xe nhàn rỗi, nhờ ưu điểm của U/G mà thay vì cất vào Garage thì đem vào lưu thông.
Phía hành khách nhờ có U/G mà khỏi phải mua xe hoặc dùng xe cá nhân gây tốn kém chi phí cho chính cho cá nhân (xăng, bãi gửi,… ) hay xã hội (tắc đường, phát thải,... ).
Vì lẽ đó, tài xế không bị ràng buộc nhiều ngoài tuân thủ chất lượng dịch vụ cam kết, không có kỷ luật tổ chức, được tự mình quyết định thời điểm làm việc, thu nhập thấy ngay qua từng lượt khách theo bảng phân chia lợi nhuận.
Tuy vậy, với mục tiêu nguyên thủy là khơi gọi các nguồn lực nhàn rỗi có sẵn, mức lợi nhuận từ kinh doanh U/G được xác định chỉ ở mức như phần thu nhập kiếm thêm, chứ không quá cao hay đột biến.
Hiện nay cả Uber và Grab đều đang có những động thái trợ giá cho khách hàng qua khuyến mãi và tài xế bằng mức phí và thưởng để mở rộng thị phần, cũng như thu hút lái xe tham gia.
Xe ôm, nay đã “công nghệ cao”
Hình ảnh đại hội lái xe hai bánh của Grab tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2017
Theo con số không chính thức, hiện có khoảng 35.000-40.000 người đã đăng ký làm đối tác lái xe cho Grab Bike và Uber Moto tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đơn cử một đại hội đối tác vào Tháng 3/2017, chỉ chưa đến ¼ số tài xế hai bánh của Grab tham dự, hội trường 2.100 người của Nhà thi đấu Nguyễn Du đã được lấp kín toàn bộ.
Từ chỗ sinh ra để tận dụng sự dư thừa nguồn lực, “U/G xe ôm” tại Việt Nam đang trở thành lựa chọn công việc dễ dàng dành cho người trẻ.
Dưới hào quang công nghệ và sự phá hủy sáng tạo (Creative Destruction) đối với hình thức xe ôm giản đơn, được bù cước phí dưới hình thức khuyến mãi rộng rãi của hãng, cùng thiện cảm tổng hòa nơi người tiêu dùng, người trẻ làm U/B đã tự tin xuống đường nhiều hơn. Họ đã vượt qua định kiến cũng như rủi ro vốn có đối với công việc xe ôm truyền thống.
Ở mặt tích cực, sự tham gia của nguồn cung dồi dào cho thị trường đã giúp giá thành giảm, dịch vụ được phủ khắp. Các “U/G xe ôm” đã mang lại lợi ích thấy rõ từ tiết giảm thời gian di chuyển của hành khách, giảm phát thải nhà kính, đến sự văn minh, an toàn hơn trong sử dụng dịch vụ vận tải giá rẻ.
Điều quan trọng nhất, U/G đang mang lại thu nhập tốt cho lái xe. Theo báo cáo từ Grab, tài xế hợp tác với hãng này có thu nhập cao hơn 53% so với mức lương trung bình tại Việt Nam.
Tổng quan hơn, ông Mã Hoàng Hải – CEO ứng dụng kết nối dịch vụ Rada đánh giá tích cực cơ hội mang lại từ “U/G xe ôm”: “Trong khi rất nhiều sinh viên bị thất nghiệp sau khi ra trường, nhiều người vật lộn tìm kiếm thu nhập cao hơn.
Thì U/G đã khai phóng một lực lượng lao động mới, khai phóng một phương thức mới, tạo việc làm và gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.”
Thách thức từ giải pháp ngắn hạn hay lựa chọn lâu dài
Tất cả các mặt tích cực trên là rõ nét, nhưng không hề làm nhạt đi mối bận tâm khi phần lớn tài xế tham gia “U/G ôm” là người trẻ và rất đông đảo sinh viên. Hiện thực này nổi lên khi nhìn lại tiêu chí nguyên khởi của U/G đó là tận dụng nguồn lực rỗi rãi trong xã hội.
Nguồn lực rỗi rãi ấy với “xe ôm” chủ yếu là con người, thời gian cá nhân, và sức khỏe đủ cho việc di chuyển trên đường. Để rồi, câu hỏi được đặt ra: “Sinh viên và lao động trẻ đang thực sự dư thừa hay họ tự chọn cho mình con đường này như một sự rảnh rỗi?”
Các bạn trẻ có thể tận dụng “U/B xe ôm” như một giải pháp về thu nhập hay tích lũy trong ngắn hạn, nhưng liệu có nên chọn nó như một nghề chính thức trong khoảng thời gian tính theo năm. Điều này thực sự quan trọng.
Một câu hỏi được đặt ra gần đây trên mạng chuyên gia trả lời Quora: “Việc làm đầu tiên có phải là yếu tố quyết định tới sự nghiệp?”.
Không có câu trả lời tuyệt đối và đều xuất phát từ những câu chuyện cá nhân nhưng hầu hết đều thừa nhận sự ảnh hưởng mạnh mẽ về phong cách, thói quen, xây dựng hình mẫu để trưởng thành và cơ hội phát triển từ việc làm đầu tiên là rất lớn.
Trong khi đó, U/G có điều kiện gia nhập tối thiểu, công việc giản đơn, tự do trong thời gian, ít kỷ luật lao động, không phải đầu tư cho thăng tiến, áp lực giải quyết vấn đề ở mức cá nhân,… liệu có ảnh hưởng tới thói quen, tác phong và cách nhìn nhận về điều kiện làm việc của người trẻ?
Đứng trước một cơ hội thu nhập khả quan, người trẻ liệu có quên đi những lựa chọn khác. Đó có thể là học tập, làm các công việc để phát triển kỹ năng cứng và mềm khác, những thứ vốn có thách thức và cần nhẫn nại hơn.
Người viết đã trải qua nhiều chuyến xe, trò chuyện cùng nhiều tài xế.
Một thanh niên 23 tuổi làm thợ điện lạnh, hết mùa hè thì chạy “xe ôm công nghệ” nửa ngày hoặc ngày nghỉ đề chờ… “con nắng năm sau”.
Một bạn sinh viên kỹ thuật thay vì vào xưởng nhận “lương bèo” để học nghề nên nghiệp thì tan học buổi sáng, vở nhét cốp, khoác vội đồng phục, cậu đứng ở cổng trường khác.
Có anh trước làm cho cho nhà hàng, nay chuyển chạy xe để khi nào “thích thì đi, chán thì nghỉ”.
Chuyến đi khác, được chở bởi một bạn tốt nghiệp trường kinh doanh, từng thất nghiệp sau vài lần chuyển đổi chỗ làm, nay có công việc chở khách ổn định. Theo cậu, “việc này dễ, thay đổi cả cuộc đời”. Bởi cậu vừa cưới vợ, vốn yêu mãi mà không tới được vì công việc và thu nhập không ổn định, cho tới khi đi làm Grab.
Cục nam châm thu hút hàng chục ngàn lao động trẻ của “U/G ôm” không những ảnh hưởng tới nguồn cung lao động ở các ngành khác mà còn trực tiếp tạo nên “cơ hội chuyển đổi” bất thường từ những nhân viên tại nhiệm, những mẫu câu như “Bỏ việc về chạy Grab còn hơn!” khá phổ biến trên các Group nghề nghiệp.
Với các SMEs và chính các ngành dịch vụ khác, việc tuyển dụng nhân sự trẻ làm các công việc phổ thông cũng thêm phần khó khăn.
Chia sẻ từ một số đơn vị kinh doanh chuỗi bán lẻ, tỷ lệ nhân sự trẻ làm việc bán thời gian cho các vị trí đang thay đổi.
“Hiện chúng tôi tuyển Part-time là sinh viên khó hơn trước, với hồ sơ nữ chiếm tỉ lệ áp đảo hiện nay, nam ít hơn trước rất nhiều. Nhiều bạn so sánh mức thu nhập từ làm Grab khi phỏng vấn tuyển dụng, mặc dù đặc thù công việc và kinh doanh là khác nhau”, một vị quản lý tiết lộ.
Mặc dù giải pháp công nghệ đã giảm thiểu nhiều rủi ro cho tài xế, nhưng sự khắc nghiệt từ thời tiết, cảnh vật vờ chờ khách ven đường, việc hòa đồng cùng giới xe ôm truyền thống, hay đốt thời gian tại quán nước vỉa hè,… lại không hề mang tới điềm báo tốt đẹp nào cho người trẻ trong theo đuổi các giá trị sống cao hơn.
Trách nhiệm của những tinh hoa
Hình ảnh tại một ngày hội tuyển dụng tại Hà Nội
Câu chuyện nên hay không nên làm “xe ôm công nghệ” là câu chuyện dài với nhiều lát cắt, phụ thuộc người tham gia là ai, ở hoàn cảnh nào, đến với nó như một giải pháp hay một lựa chọn,…
Nhưng nội dung của nó vượt ra ngoài vấn đề việc làm cá nhân, mà là điểm phản chiếu bức tranh chung về thực trạng của cấu trúc lao động, cung – cầu trên thị trường và tư duy chọn việc hiện nay tại Việt Nam.
Theo lý thuyết kinh tế học, con người có bản năng làm những việc mang lại lợi ích cao nhất cho bản thân. Vì thế trách nhiệm thay đổi, đem lại lựa chọn việc làm tốt hơn cho những người lao động, sẽ thuộc về chính phủ, doanh nhân và các hãng khởi nghiệp công nghệ.
Nhìn ra thế giới, tại quốc gia Singapore, công việc bảo vệ đơn thuần hay lái xe Taxi hầu hết đều dành cho người có tuổi từ 50 trở lên. Họ lựa chọn công việc bởi muốn gia tăng thu nhập khi quá tuổi hưu hay bởi đã hết năng lượng cho việc học tập, thử sức để nâng cấp bản thân.
Bên cạnh đó, tỉ lệ tăng trưởng ổn định, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành quốc gia nằm trong chuỗi trung chuyển toàn cầu và phát triển đầu tư hải ngoại khiến nguồn nhân lực trẻ ở đây có nhiều cơ hội thấy rõ để phấn đấu.
Còn tại Nhật, mặc dù tỉ lệ xe nhàn rỗi rất cao, tinh thần làm việc của người già cũng tốt nhưng Uber không có đất phát triển bởi hạ tầng giao thông quá tốt. Người dân dễ dàng dùng Bus, tàu điện hay ung dung đạp xe, thay vì tìm đến các phương tiện giao thông chia sẻ.
Với các doanh nhân, ngoài việc phát triển kinh doanh tạo ra việc làm mới thì áp lực từ “nghề xe ôm” cũng là một dịp nhìn lại các chính sách đãi ngộ phù hợp giai đoạn mới, nâng cao tính tổ chức cho doanh nghiệp và tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp,… mang lại nhiều hơn các lựa chọn sự nghiệp cho người trẻ và gia tăng sự khác biệt giữa một “nghề xe ôm đơn giản” với “một vị trí chuyên môn”.
Mục tiêu cuối cùng, mỗi con người trong sâu thẳm đều tự thỏa mãn hoặc hạnh phúc khi được đáp ứng từng nấc thang trong tháp Maslow kinh điển.
Trong không khí môi trường khởi nghiệp, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ là không thể bỏ qua. Liệu có thể có những Uber hay Grab nhưng không phải chỉ với xe ôm hay Taxi, mà trong nhiều lĩnh vực khác.
Có thể có những chợ lao động điện tử giúp người trẻ dễ dàng tìm việc hoặc sử dụng sự nhàn rỗi của mình hợp chuyên môn, ngắn hạn nhưng an toàn và sòng phẳng hơn. Trong tìm kiếm việc làm để phát triển bản thân thì làm thế nào kết nối được với các đơn vị đủ tốt, phù hợp một cách nhanh chóng… Điều đó vẫn tiếp tục được chờ đợi.
Ông Nguyễn Hữu Hải – Delivery Manager nhiều năm của FPT Software tại thị trường Nhật chia sẻ góc nhìn: “Công nghệ phát triển giúp kinh tế chia sẻ phát triển, nhưng nó cũng có hai mặt.
Nếu người nước ngoài làm hệ thống thì người bản địa chỉ là bên cung cấp dịch vụ đơn thuần. Nếu người trong nước làm thì hệ thống ấy sẽ tạo ra tri thức mới và mang việc làm cũng như có nhiều hướng giúp an sinh xã hội hơn.”