Điều 9, Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 nêu, "bất cứ lúc nào và không cần nêu lý do, nước sở tại có thể thông báo với nước đối tác rằng người đứng đầu hoặc bất cứ thành viên nào trong ngoại giao đoàn của nước đối tác đã trở thành nhân vật không được chào đón (persona non grata), hoặc không thể cho phép tiếp tục công tác tại nước sở tại.
Persona non grata (tiếng Latin: người không được chào đón) là một biện pháp ngoại giao được các quốc gia sử dụng để chỉ định một người nước ngoài nào đó không được phép đặt chân đến nước họ, hoặc nếu đang ở nước họ thì phải rời đi ngay lập tức.
Trong trường hợp này, nước đối tác, theo đúng phép tắc, phải triệu hồi (những) người liên quan, hoặc dừng công tác của họ trong ngoại giao đoàn".
Xét trên bình diện ngoại giao song phương, thì việc trục xuất Đại sứ là hành động gây tổn hại nghiêm trọng thứ hai tới quan hệ hai nước, chỉ sau việc cắt đứt quan hệ ngoại giao. Chính vì vậy mà biện pháp này thường không được áp dụng một cách phổ biến.
Cụ thể, Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao đã tồn tại được hơn 50 năm. Nhưng Đại sứ Triều Tiên Kang Chol, người hôm 4/3 đã bị chính phủ Malaysia trục xuất, mới chỉ là trường hợp thứ 16 trong lịch sử một Đại sứ đương nhiệm bị nước sở tại buộc phải "khăn gói về quê".
Dưới đây là một vài trường hợp đáng chú ý khác.
1952: Một phút lỡ lời, Đại sứ Mỹ bị Liên Xô trục xuất
Trường hợp này xảy ra trước khi Công ước Vienna có hiệu lực, song vẫn hết sức đáng nói bởi tính chất phức tạp của quan hệ Mỹ-Liên Xô bấy giờ cũng như lý lịch nhân vật Đại sứ bị trục xuất.
Tháng 9/1952, trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Mỹ tại Liên Xô George Kennan đã so sánh cuộc sống hàng ngày của ông tại Moscow (bị "bám đuôi" 24/7, mọi liên lạc với người dân địa phương đều bị theo dõi nghiêm ngặt) với những ngày tháng bị bắt giam tại Berlin thời Thế chiến II, sau khi Mỹ tuyên bố tham chiến cùng phe Đồng minh.
Ngay lập tức, phía Liên Xô gán mác persona non grata cho ông Kennan, với lý do phát biểu của ông đồng nghĩa với việc so sánh Liên Xô với phát xít Đức. Kể từ đó, ông Kennan không bao giờ được phép xuất hiện trở lại trên lãnh thổ Liên Xô.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô George Kennan. Ảnh: Getty
Điều đáng nói ở đây là ông Kennan không phải một Đại sứ theo kiểu "gương mặt đại diện" thông thường. Trước khi được bổ nhiệm vào cương vị này, ông chính là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tới các quyết sách của Mỹ đối với Liên Xô sau khi Thế chiến II khép lại.
Năm 1946, khi còn là phó Đại sứ Mỹ tại Liên Xô, Kennan đã gửi về Washington một bức điện dài tới 5.500 chữ (có tài liệu ghi hơn 8000 chữ), được biết đến với cái tên "The Long Telegram" (Bức điện Dài), với nội dung là bản kế hoạch chiến lược đối phó với Liên Xô dưới góc nhìn của một người theo trường phái hiện thực.
Bức điện này đã khiến giới hoạch địch chính sách quan hệ với Liên Xô ở Mỹ không ai không biết đến cái tên George Kennan. Sau khi hết nhiệm kì phó Đại sứ, ông Kennan trở về Washington và một năm sau đó đã cho ra đời bài viết mang tên Nguồn gốc ẩn sau những Hành động của Liên Xô, đăng trên tạp chí Foreign Affairs. Ông Kennan sử dụng bút danh "X", do đó bài viết của ông thường được nhắc đến với tên gọi "X Article" (Bài viết X).
Với những phân tích về "tham vọng bành trướng của Liên Xô", Bài viết X đã đặt nền móng cho học thuyết ngăn chặn (containment doctrine) mà Washington đã áp dụng với Moscow trong suốt chiều dài Chiến tranh Lạnh. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá ông Kennan không chỉ là "cha đẻ" của học thuyết này, mà còn là nhà ngoại giao Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỉ XX.
Tháng 12/1951, ông Kennan được chỉ định trở thành Đại sứ Mỹ tại Liên Xô, với sự ủng hộ tuyệt đối của Thượng viện. Tuy nhiên, nhiệm kì của ông kéo dài vỏn vẹn 5 tháng, chỉ vì một phát biểu mà sau này chính Kennan đã phải thừa nhận rằng "tôi nói vậy thật quá ngu ngốc".
2008: Vấn đề Kosovo và những Đại sứ trở thành nạn nhân "bất đắc dĩ"
Ngày 17/2/2008, chính quyền tỉnh Kosovo chính thức tuyên bố ly khai Serbia, lập ra nước Cộng hòa Kosovo. Động thái này của Kosovo đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới, Mỹ, Nhật Bản, nhiều nước EU đều công nhận nền độc lập của quốc gia này.
Đương nhiên Serbia không để yên trước việc mất đi một phần lãnh thổ của mình. Họ đã tạm thời triệu hồi Đại sứ tại nhiều nước công nhận Kosovo độc lập để bày tỏ phản đối.
Không dừng lại ở đó, chính phủ Belgrade còn thẳng tay trục xuất Đại sứ một số nước sau khi họ tuyên bố công nhận nền độc lập của Kosovo. Cụ thể là chỉ trong chưa đầy một tháng, từ 10/10 đến 1/11 năm 2008, Đại sứ Montenegro Anka Vojvodic, Đại sứ Macedonia Aleksandar Vasilevski, và Đại sứ Malaysia Saw Ching Hong đều nhận được thông báo họ đã trở thành persona non grata, và có 24 giờ để dọn dẹp hành lý rời khỏi Serbia.
Tranh cãi xung quanh vấn đề Kosovo đã vô tình khiến 3 Đại sứ trở thành nạn nhân "bất đắc dĩ". Ảnh: AP
Có thể thấy, động thái cứng rắn của Serbia mang nặng tính thông điệp hơn là một nước đi thể hiện quan điểm của họ đối với chính phủ Montenegro, Macedonia, hay Malaysia. Bằng chứng là chỉ vài tháng sau, họ đã mời ba nước nói trên bổ nhiệm Đại sứ mới tại Belgrade, và các cặp quan hệ song phương nhìn chung đều sớm trở lại bình thường.
Song dù lý do là gì, thì về mặt số liệu, Serbia vẫn là nước trục xuất nhiều Đại sứ nhất kể từ khi Công ước Vienna chính thức có hiệu lực.
Donald Trump cũng từng bị gán mác "persona non grata"
Tháng 3/2011, hội đồng thành phố Panama City đã ra tuyên bố cấm Trump đặt chân tới thủ đô nước Cộng hòa Panama. Lý do là bởi vài ngày trước đó, trong một buổi trả lời phỏng vấn, Tổng thống Mỹ tương lai đã phát biểu rằng Mỹ quá "ngu ngốc" khi "cho không kênh đào Panama mà chẳng đổi lại được gì".