“Dì sống một mình nên xem tụi nhỏ như con vậy…”
6 giờ tối, khi những tiệm quần áo cuối cùng ở chợ Thiếc (Q.11, TP. HCM) vừa sập cửa, tụi mèo mun, mèo vàng, mèo mướp,… mới dám ló đầu ra.
Chúng tập hợp ở đầu chợ, ngồi chờ. Hôm nay mưa trắng trời, dì Mai còn phải đi chăm tụi mèo con ở bệnh viện, trường học, nhà chùa… nên về muộn. Từ nhà Q.11, dì sang tận chợ Xã Tây (Q.5, TP. HCM), bao nhiêu nơi cộng cộng dì đều trộn cơm cho tụi nhỏ ăn như thế.
Dì Mai còn phải đi chăm tụi mèo con ở bệnh viện, trường học, nhà chùa…
Đèn vừa kịp tắt, dì Mai tất tả đẩy xe đạp vào chợ, vừa đi vừa đặt ở sạp quần áo một nắm cơm, rồi chỗ hàng thịt một nắm, hàng cá một nắm. Tụi nhỏ thấy dì, cái bụng đói meo, kêu lên dữ dội. Có con nhảy phắt từ trên nóc của một sạp lớn, chuyền qua đoạn sắt rồi đáp xuống đất đòi ăn. Dì Mai cho tụi nhỏ ăn cơm trộn với cá nục kho.
- Meooo… meooo… meooo… Dì gọi thêm mấy đứa chưa ăn. Con cụt đuôi, con lông xám, con lai Xiêm, con mắt chột… còn nhát cáy, thấy có người lạ nên chưa chịu ló mặt ra.
- Tiểu thơ ơi tiểu thơ, tiểu thơ ơi… Dì chạy ra mấy sạp bán đồ xây bằng trụ bê tông cao đã đóng cửa kín mít, tìm trong ngách con mèo có bộ lông trắng trộn vàng.
Nghe tiếng dì, nó lếch hai chân tật đi ra. Dì bảo đó là chứng tích của cái lần nó chạy qua đường vô tội vạ bị xe ẩu cáng. Thấy thương. Con “tiểu thơ” bỏ ăn, chỉ lăng xăng chạy quanh chỗ dì ngồi, nó quấn bên chân và dúi đầu vào cái quần bà ba màu đen tuyền.
Còn mỗi con mướp vẫn đâu đó trên giàn sắt, dì gọi hoài hổng xuống. “Nó nhát lắm” - dì bảo. Cơ mà, chỉ chút xíu sau, nó đã nhảy thóc từ trên cao xuống, lựa ngay miếng cá nục bọc trong giấy báo, nhoàm ngon lành.
Cứ vậy, 14 năm nay, dì Mai rong ruổi khắp Sài Gòn chỉ để nuôi tụi mèo hoang thành phố.
Cứ vậy, 14 năm nay, dì Mai rong ruổi khắp Sài Gòn chỉ để nuôi tụi mèo hoang thành phố. 11h giờ, lo xong cơm nước cho 30 đứa ở nhà, dì lại lẻn ra ngoài.
Trên chiếc xe đạp, dì ngồi ở yên sau, yên trước móc cái giỏ xanh đựng thêm thóc cho tụi chim sẻ, còn cái giỏ xe đậy bằng tấm cát-tông là cơm của tụi mèo hoang. Dì đi từ quận 11, qua Trần Hưng Đạo, Võ Văn Tần… vòng tận chợ Xã Tây rồi mới chịu về điểm cuối ở chợ Thiếc. Ngày nắng cũng như ngày mưa đều đặn.
“Mỗi ngày, dì trộn 2 ký gạo với 30 ngàn cá nục, 10 ngàn gan gà. Hôm ngon nghẽ, ai cho cây xúc xích dì mới để dành, lâu lâu cho tụi nhỏ ăn ngon một xíu. Vậy chớ tháng nào cũng hết trơn 3 triệu đồng” - dì bảo.
Rồi cách đây ba bữa, có ông xe ôm tính bán con chó con cho lò mổ hết thảy bảy trăm ngàn. Dì vét sạch túi còn mỗi bốn trăm, phải xin thêm người ta nữa mới đủ. Dì bế về nuôi. Nó mới vài tháng tuổi mà ú nần, dì sợ hổng được ăn ngon lành, theo dì khổ, dì lại tức tốc đi tìm chủ “giàu” cho nó.
Có cô gái trông tốt tính và yêu chó mèo lắm, dì xem như cũng an tâm. Vậy mà hôm giao, đứng trước nhà ôm con chó chặt khừ, dì khóc huhu.
Dì từng vét sạch túi còn mỗi bốn trăm, phải xin thêm người ta để mua lại chú chó ông xe ôm định bán cho lò mổ.
- Tiền ở đâu mà đi nuôi cả ngàn đứa vậy dì?
- Lụm ve chai chớ đâu. Dì đi cho tụi nó ăn là nách theo cái bao đi lụm luôn. Để dành chớ hôm nào lên giá mới bán à.
- Dì thương tụi nhỏ dễ sợ !?
- Chớ sao. Sống một mình nên xem tụi nhỏ như con vậy á.
- Trời ơi, vậy là dì nhiều con nhất quả đất luôn ấy chớ?
- Ờ. Vậy nên giàu đâu có nổi, ôm tong teo nè thấy hông? Dì chỉ vào cái cổ tay bé xíu bằng cổ gà, rồi cười hihi.
Tụi nhỏ ăn xong, nằm ra sàn liếm láp bộ lông bóng mượt, vài con trêu nhau. Dì la: “Ăn no rồi chọc nhau cho quánh lộn đi ha. Chiều giờ tui còn chưa có cái gì vào bụng đây”. Nhưng dì thương, tụi nhỏ quấn quýt bên chân xíu xiu nữa là lại cười ngay.
Xong xuôi, dì Mai dọn đống cơm thừa, “chớ để sáng người ta đi chợ thấy chửi à, hổng cho nuôi nữa tụi nó biết đi đâu”. Rồi vòng qua mấy con hẻm, dì lụm lặt thêm mớ ve chai cho tới khi ông bảo vệ đóng sập cửa chợ mới chịu tạm biệt tụi nhỏ. Dì Mai nhỏ xíu ngồi trên cái yên sau của chiếc xe đạp mini màu xanh ngọc, tà tà đạp giữa phố đi về.
"Người ta bảo cô khùng hoài luôn. Kệ, hổng nuôi tụi nhỏ đói thì sao…"
Ở chợ Thiếc, còn có một người nữa cũng bởi cái tánh thương tụi mèo hoang thành phố ấy mà bao người bảo “bà khùng”. Vậy mà, cô kệ. Cô bán sạp vải ở chợ, chớ còn thêm công việc phụ: Cưu mang những chú mèo sữa mồ côi.
Con mèo hoang được nhận nuôi.
Chúng có đôi mắt xanh màu nước biển thật xinh.
Con nào con nấy đều được chăm sóc cẩn thận.
Bữa sáng của cô Trinh bắt đầu bằng việc cho con Mo ăn. Nó đã được 13 năm tuổi, “già quá hổng tìm được chủ nên cô nhận nuôi ở nhà vậy”. Thế là mỗi sáng, chưa kịp lo cho mình, con Mo đã quấn chân đòi ăn, cô lại chăm nó. Con mèo có bộ lông vàng mượt, cô hay khoe: Mập như một con heo.
Cô bán sạp vải bé xíu ở chợ Thiếc. Sáng sáng dọn hàng, cô xách theo cái túi đen có viền những đường chỉ xanh, một ống xi lanh bơm sữa, với vài miếng thịt luộc đựng trong chén inox… Đó là tất cả đồ nghề cô chuẩn bị để cứu đói cho những con mèo hoang. Hôm tôi ghé, đến trưa cái giỏ vẫn còn trống trơn, cô Trinh mừng lắm, vì bữa đó hổng có đứa nào bị chủ bỏ.
“Hồi mới ra bán ở ngay cái chợ này nè, cô thấy mèo hoang dữ lắm. Tụi nhỏ bị bỏ rơi mưa ướt lạnh chết, rồi chó cắn, xe cán, có khi còn bị người ta đạp nữa… Cô xót quá cũng phải đem về nuôi thôi.”
Chỉ vì lý do đơn giản vậy, mà bấy lâu nay cô Trinh vẫn miệt mài làm cái việc bao đồng ấy. Bắt đầu từ năm 2000, đến nay ngót nghét cũng 17 năm, cô Trinh cưu mang hơn 10.000 con mèo sữa. Bạn tin không? Là 10.000 con đấy. Tôi tin rằng ở Sài Gòn này, không ai chăm tụi nhỏ nhiều như cô Trinh.
Tôi tin rằng ở Sài Gòn này, không ai chăm tụi nhỏ nhiều như cô Trinh.
“Dì hổng có phân biệt mèo đẹp, mèo xấu đâu. Cứ bị bỏ rơi dì lại nhận. Nhỏ nhỏ thì dì cho uống thêm sữa, ăn thêm thịt… Kệ tốn kém xíu mà nuôi chúng mập mạp, xinh xinh xíu là có nhiều người nhận nuôi liền à. Tính ra mỗi tháng cô Trinh nhận hơn 60 con là ít đấy.”- dì cười.
Đàn mèo cứ thế tăng dần theo cấp số nhân, cô đành phải triệt sản hết. Ngày trước vì gia đình không đồng tình, cô để chúng ở chợ. Vậy mà, sáng ra đếm đi đếm lại mất vài con, cô buồn dữ thần. “Sau này cũng đem về nhà chăm, ông chồng cũng giận vì hổng thích cô lo chuyện bao đồng, nhưng ở riết rồi ổng quen cũng phải đồng ý thôi.”
Tính ra mỗi tháng cô Trinh nhận hơn 60 con là ít.
“Thời chưa có facebook ấy, tìm chủ khó khăn lắm. Ai đi chợ cô đều ghé bảo: Nhận nuôi mèo thì chỉ Trinh mèo nghen. Vậy chớ cũng nhiều người quý bọn nhỏ nên nhận về nuôi. Mắt chột, tật chân tay,… gì họ cũng nhận hết.”
Xem vậy, cô Trinh bận dữ à nghen. Buổi sáng lo cho con Mo già, cả ngày ở chợ lại ráng lụm mèo sữa mồ côi, rồi sốt sắng tìm cho chúng một người chủ tốt. 7h tối, cô xách xe máy lên đường đi tiêm thuốc bổ cho những đàn mèo hoang.
“Riết rồi cả xem tivi, uống ly café với bạn còn khó khăn nữa huống chi nghĩ đi du lịch với gia đình. Bão mưa gì cũng làm đều đặn vậy á. Biết sao được, tụi nó kêu tối ngủ hổng an lòng được cũng vậy à.”
365 ngày đi chợ là 365 ngày cô chăm bẵm cho tụi mèo sữa. Rồi thành quen. Bà già U50 chỉ có mỗi một niềm vui cỏn con: Tụi mèo sữa tìm được chủ tốt, mỗi ngày vuốt ve cho một cái là cô hạnh phúc rồi.
- Làm vậy người ta có nói năng gì hông? Tôi hỏi.
- Có chớ, nhiều lắm. Người ở chở bảo: Bà khùng, rảnh qua đi chăm mèo hoang thành phố. Kệ, mình hổng chăm tụi nó chết thì sao.
Dì Mai, cô Trinh… những bà lão không giàu có gì, đã có gần 20 năm cho những chú mèo hoang như thế.
Dì Mai, cô Trinh… những bà lão không giàu có gì, đã có gần 20 năm cho những chú mèo hoang như thế. Họ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, tiền bạc thậm chí gia đình chỉ để cưu mang những con thú hoang thành phố mà chẳng mong muốn sẽ sở hữu, kiếm lời, đôi khi còn bị người đời chửi “bà khùng” cũng chỉ tặc lưỡi: Kệ.
Sài Gòn tánh kỳ quá hen. Đâu đâu cũng có những bà “khùng” mà đáng yêu như vậy.