Nhà báo Tiệp Khắc nhận xét: “Quân đội của các đồng chí thật lạ! Tôi không thấy có sự cách biệt nào giữa vị tướng với người lính”. Đại tướng Tổng tư lệnh đáp lời: “Quân đội chúng tôi là như vậy. Quan hệ giữa chúng tôi trước hết là quan hệ giữa những người đồng chí, những người bạn chiến đấu”…
Đó là câu chuyện về người tham mưu trưởng tài năng của chiến dịch nhường ngựa cho chiến sỹ trong đêm trăng Điên Biên.
Hội nghị Bộ Chính trị ở Tỉn keo - nơi “Chùa rách, bụt vàng”…
Đầu tháng 10-1953, đồng chí Hoàng Văn Thái được triệu tập đi dự cuộc họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953- 1954 do Bộ Chính trị triệu tập. Mùa thu đến với những lo âu và hy vọng.
Không khí có phần căng thẳng. Không năm nào vào thời gian này, những đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường lại chưa lên đường. Ta vẫn chưa xác định trận đánh lớn trong mùa khô sẽ nổ ra ở đâu.
Đại tướng Hoàng Văn Thái
Từ Điểm Mặc tới Lục Giã, đồng chí phải đi ngựa khoảng vài giờ. Trời mưa. Con đường mòn lầy lội chạy dưới chân núi Hồng, qua những rừng vầu, những thửa ruộng bậc thang, những bản nhỏ thưa thớt.
Nửa buổi sáng, tới Tín Keo, một bản của thôn Lục Giã, nằm ở chân núi. Từ đây có đường sang Tân Trào qua Đèo Gie. Lên một đoạn dốc không xa, đã nhìn thấy ngôi nhà tre nhỏ lấp ló bên sườn núi, giữa rừng vầu.
Tỉn Keo là một bản của thôn Lục Giã nằm ở chân núi. Từ đây có đường sang Tân Trào qua Đèo Gie. Lên một đoạn dốc không xa, là ngôi nhà tre nhỏ lấp ló bên sườn núi giữa rừng vầu nơi Bác ở. Đó là bản Khuổi Tát, một bản người Dao, tận trên đỉnh núi. Ngôi nhà này là nơi Bác thường đến họp với Bộ Chính trị.
Máy bay địch săm soi, đánh phá nhiều trong những năm chiến tranh nhưng vẫn không trúng. Chắc chúng không ngờ “chùa rách bụt vàng", những bản làng nghèo nàn, vắng vẻ này lại chứa đựng bộ phận đầu não của kháng chiến.
Đồng chí Hoàng Văn Thái đã xây dựng một kế hoạch đánh địch ở nhiều hướng buộc địch phải phân tán đối phó, nhằm trước hết là phá thế tập trung binh lực của địch ở đồng bằng. Cuối tháng 8 năm 1953, đồng chí đã báo cáo với Tổng quân ủy một phác thảo đầu tiên kế hoạch tác chiến chiến cục Đông Xuân 1953-1954.
Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa
Những cánh cửa sổ bằng nứa đã được chống cao. Trong nhà có một bàn tre rộng và mấy chiếc ghế ghép bằng ống bương. Ngồi đây nhìn thấy cánh đồng bậc thang dưới chân núi. Giữa cánh đồng nổi lên một cây cổ thụ. Đối với những cán bộ, chỉ huy về đây họp, cây cổ thụ đó như một người quen thân thiết đã nhiều năm.
Đại tướng Hoàng Văn Thái và người con gái Hoàng Minh Châu
Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự họp. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trần Đăng Ninh không đến họp vì người bị mệt. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng được giao nhiệm vụ báo cáo tình hình với Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị.
Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay duỗi thẳng. Thuốc lá là thứ "xa xỉ" duy nhất của Người trong sinh hoạt hằng ngày. Có lúc Người đã nói vui với cán bộ: "Mình có hai khuyết điểm: một là không lập gia đình, hai là... hút thuốc lá".
Đôi mắt Người thật lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn".
Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng.
Theo báo cáo của đồng chí Tổng tham mưu trưởng, Tổng Quân ủy đề nghị: Để giữ vững và phát huy quyền chủ động, dùng một bộ phận quân chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương, mở cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán quân cơ động để đối phó.
Tiếp tục khoét sâu vào mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo nên thế trận mới, thời cơ mới.
Theo dõi sát tình hình, khi thời cơ xuất hiện, sẽ nhanh chóng tập trung lực lượng, tập trung chủ lực tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.
Trên chiến trường Bắc bộ, sẽ mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, uy hiếp quân địch ở Thượng Lào. Hướng thứ hai là Trung Lào. Hướng thứ ba là Hạ Lào. Hướng thứ tư là bắc Tây Nguyên. Chỉ cần phá vỡ thế tập trung binh lực của địch là ta đã làm thất bại về cơ bản kế hoạch Nava.
Bác hỏi:
- Dự kiến đưa quân lên Tây Bắc thì địch sẽ phản ứng ra sao ?
- Chúng có thể tăng cường lực lượng giữ Tây Bắc, hoặc đánh ra vùng tự do kéo quân ta về. Chúng cũng có thể rút quân khỏi Lai Châu, như vậy toàn bộ Tây Bắc sẽ được giải phóng.
- Các hướng khác có khả năng thu hút quân cơ động của địch không?
- Ngoài Tây Bắc và thượng Lào, còn Tây Nguyên và trung Lào, hạ Lào là những hướng xung yếu mà địch không thể bỏ. Địch cũng sẽ đánh ra vùng tự do, có thể là Phú Thọ hoặc Thanh Hóa. Lúc này ta còn phải nghiên cứu để nắm được những điểm cụ thể trong âm mưu mới của địch, nên phương châm chỉ đạo tác chiến là: cơ động, linh hoạt.
Hội nghị Bộ Chính trị góp nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh phương châm: "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" trước khi thông qua bản đề án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân ủy do Tổng tham mưu trưởng báo cáo.
Bác nói khi kết thúc hội nghị:
- Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc bộ. Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng mong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải "thiên biến vạn hóa".
Tổng tham mưu trưởng lập kế hoạch tác chiến trên toàn bán đảo Đông Dương
Đề án Đông Xuân đã được Bộ Chính trị cho ý kiến và thông qua. Bộ Chính trị xác định Tây Bắc là hướng chính. Nhưng lực lượng địch ở Lai Châu ít, nếu chúng không tăng viện ta sẽ không có điều kiện đánh lớn. Binh lực sử dụng tại đây chỉ cần một đại đoàn.
Chúng ta đã trao đổi với các bạn Lào, lực lượng ta sẽ phối hợp với lực lượng bạn và quân tình nguyện giải phóng ngay tỉnh Phông Xa Lỳ ở thượng Lào. Như vậy, sẽ hình thành ba hướng tiến công lớn: hướng Tây Bắc, hướng trung, hạ Lào, hướng Tây Nguyên, và hướng phối hợp là trung du và đồng bằng Bắc bộ.
Đồng chí Tổng tham mưu trưởng đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Lần đầu tiên, ta có một kế hoạch tác chiến phối hợp trên quy mô hầu hết bán đảo Đông Dương.
Tuy nhiên Nava đã nhanh chóng ra tay trước.
Ngày 15-10-1953, địch huy động 22 tiểu đoàn thuộc 6 binh đoàn cơ động mở cuộc hành binh Hải Âu (Mouette) đánh ra tây - nam Ninh Bình. Các tiểu đoàn được tổ chức thành hai đại đoàn nhẹ, một xuất phát từ Chợ Ghềnh theo đường 59 đánh chiếm Rịa cách đó 25 km, một rải quân lập những cứ điểm dọc đường 59.
Cũng trong ngày, một cuộc hành binh thứ hai mang tên "Con Bồ nông" (Pélican) được hải quân tiến hành tại vùng biển Thanh Hóa. Hàng không mẫu hạm Arômăngsơ (Aromanches) và nhiều tàu chiến máy bay xuất hiện ngoài khơi.
Ngày 16-10, địch đổ bộ xuống bờ biển Thanh Hóa 500 quân, và tung một bộ phận biệt kích vào đốt phá ở Khoa Trường. Những triệu chứng giống như cuộc tiến công mùa khô của địch đã khởi đầu với mục tiêu là vùng tự do Liên khu IV.
Trên địa bàn Liên khu IV lúc này chúng ta có các Đại đoàn 320, 304, và một trung đoàn của Đại đoàn 316. Được tin địch đánh ra tây-nam Ninh Bình, các đại đoàn đều náo nức chờ lệnh xuất quân. Trong khi chờ đợi những diễn biến mới ở tây-nam Ninh Bình.
Bộ Tổng tư lệnh quyết định chỉ sử dụng Đại đoàn 320 đang có mặt tại chỗ, đối phó với quân địch, các đại đoàn khác vẫn tiếp tục chỉnh huấn theo kế hoạch.
Lúc này đồng chí Tổng tham mưu trưởng đã hết sức cân nhắc cho việc điều động binh lực. Kế hoạch Đông Xuân của ta vẫn chưa triển khai. Ta đã nắm được trong mùa khô 1953-1954, Nava chủ trương duy trì thế phòng ngự chiến lược từ Bắc bộ. Rất ít khả năng địch mở rộng phạm vi chiếm đóng ra Liên khu IV.
Đại tướng Hoàng Văn Thái và phu nhân
Vì sao địch đột nhiên đưa hầu hết quân cơ động từ đồng bằng Bắc bộ ra tây-nam Ninh Bình? Khu vực địch vừa triển khai lực lượng rất gần với phòng tuyến Đờ Lát. Muốn mở một trận đánh lớn ở vùng này, cần phải huy động toàn bộ những đại đoàn chủ lực của ta và cũng khó giành thắng lợi trên địa hình đồng bằng giao thông thuận lợi liền kề với những căn cứ lớn của địch.
Và nếu sau nhiều ngày, các đại đoàn ta vận động tới nơi, địch không tiếp nhận chiến đấu, nhanh chóng rút toàn bộ quân cơ động về những vị trí cũ tại đồng bằng? Chỉ cần một vài cuộc điều quân vô ích như vậy, lực lượng ta sẽ bị tiêu hao và mùa khô sẽ qua đi!
Đài phát thanh của quân viễn chinh rầm rộ tuyên truyền đây là cuộc hành binh "lớn nhất, chưa từng thấy từ thời tướng Lơ Cléc đến nay" nhằm mục đích "thọc sâu vào vùng căn cứ đối phương, nơi có Đại đoàn 320 đóng, cố gắng tiêu diệt phần lớn đại đoàn chủ lực này, đồng thời chặn đứng không cho Đại đoàn 304 thâm nhập sâu vào đồng bằng".
Quân địch đổ bộ xuống bờ biển Thanh Hóa và thọc sâu vào Khoa Trường đã nhanh chóng rút lui. Quân báo của Đại đoàn 320 báo cáo ở tây-nam Ninh Bình, các đơn vị của địch không tiến quá 10 km ngoài tầm kiểm soát của pháo binh.
Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Đại đoàn 320 tranh thủ cơ hội địch đánh ra mà tiêu diệt chúng bằng cách tập kích, phục kích. Các đại đoàn khác vẫn ở nguyên vị trí sẵn sàng lên đường khi có lệnh. Ta tiếp tục chuẩn bị kế hoạch Đông Xuân 1953-1954.
Ngày 21-10-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông báo gửi các cấp ủy nêu rõ mục đích và thủ đoạn tiến công của địch ra vùng tự do Liên khu III và Thanh Hóa, chỉ ra cách đối phó của ta là:
Ở mặt trận chính diện, tạo cơ hội phục kích tiêu diệt địch trong vận động, lợi dụng lúc địch mới đóng quân chưa kịp củng cố mà tập kích tiêu diệt, kết hợp vừa đánh địch vừa bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân;
Ở mặt trận sau lưng địch thuộc đồng bằng Bắc bộ phải hết sức lợi dụng khi địch sơ hở để mở rộng chiến tranh du kích, kết hợp vừa tác chiến vừa vận động binh lính ngụy.
Đại đoàn 320 sử dụng một số đơn vị nhỏ phối hợp với dân quân du kích liên tục chặn đánh tiêu hao nặng quân địch, khiến chúng phải tiến quân rất dè dặt.
Các đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương, dân quân du kích của hai quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn lập tức đẩy mạnh hoạt động ở sau lưng địch, tập kích vào hậu cứ các binh đoàn cơ động, và đánh địch khắp nơi.
Ngày 4-11-1953, Phó tổng thống Mỹ Níchxơn tới thăm mặt trận, Tư lệnh Bắc bộ Cônhi (René Cogny) phải ra quân suốt dọc đường số 1, từ thị xã Ninh Bình tới Ghềnh, để bảo đảm an ninh.
Sau hơn 20 ngày, hàng ngàn quân bị loại khỏi vòng chiến đấu mà không gặt hái được gì, Nava buộc phải ra lệnh rút lui…
http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-nguoi-tham-muu-truong-nhuong-ngua-cho-chien-sy-trong-dem-trang-dien-bien/765683.antd