Chuyện một tử tù khóc khi giám thị về hưu

Tạ Kim Hùng |

Một ngày sau Tết Dương lịch 2019, ở một quán ăn ngay trước cổng trại tạm giam, một số người đi thăm thân bàn tán sôi nổi về chuyện một tử tù vừa cười vừa khóc.

Họ kể rằng bà mẹ tử tù hỏi con: “Sao hôm nay có gì mà con lại vừa khóc vừa cười?” Tử tù lặng một lát rồi đáp: “Con vừa được giám thị tặng quà!”. Bà mẹ tử tù rất ngạc nhiên hỏi: “Sao ông giám thị lại tặng quà cho con?” Tử tù nói ngắt quãng: “Vì ông giám thị sắp… về hưu!”.

Tôi đã từng vào gặp các tử tù nhiều lần. Chuyện những tử tù trước khi đi thi hành án thường cố gắng xin gặp giám thị để chia tay và cảm ơn vì những ngày sống ở đây họ được đối xử tử tế, nhân đạo, không phải là chuyện lạ. 

Nhưng chuyện tử tù khóc khi giám thị về hưu là chuyện chưa từng có. Vì vậy, vào những ngày sau tết dương lịch, tôi lại xin vào trại tạm giam gặp ông giám thị phụ trách trại để tìm hiểu thực hư.

Giám thị trại giam - người tặng quà cho Hoàng Trường Giang chính là đại tá Nông Văn Đắc (giờ đã nghỉ hưu). Ông và các giám thị trước đây rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của các tù nhân kể cả các tử tù bằng cách tổ chức đào ao, thả cá, chăn nuôi lợn, trồng rau xanh tạo thêm nguồn vật chất để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày cho các tù nhân. 

Mùa hè nóng lực, mùa đông rét buốt các phạm nhân đều được quan tâm ăn no, mặc ấm.

Thượng tá Lê Duy Sơn Phó Giám thị trại giam kể: “Các tử tù nói chung khi mới vào trại tạm giam, tâm lý thường bị sốc rất nặng. Có người cả ngày chỉ khóc. Có người từ sáng đến tối la hét, quậy phá. 

Có kẻ đánh cả mấy người tù tự giác phục vụ việc ăn uống vệ sinh cho mình. Thậm chí có kẻ còn chửi cả quản giáo phụ trách buồng giam nên thường bị biệt giam có tháng vài lần… Nhưng Hoàng Trường Giang thì khác. Sau những tháng đầu bị tạm giam, sốc tâm lý chỉ khóc, Giang quen dần với nếp sống tử tù. Cậu ta lấy lại bình tĩnh, chấp hành mọi quy định của buồng giam nên chưa lần nào bị biệt giam. 

Hằng ngày, Giang sống bình thản. Mỗi khi các quản giáo vào kiểm tra buồng giam, cậu ta chào hỏi rất lễ phép và thái độ đôi lúc còn bẽn lẽn như con gái vì thế hầu hết các quản giáo đều dễ chịu với tử tù này.

Với tử tù Hoàng Trường Giang thì tôi đâu có lạ. Cậu này đã ngoài 30 tuổi, quê ở thành phố Bắc Giang. Có bằng lái xe nhưng không có việc làm, một lần Giang được ả tên là Đào Thị Loan cũng cùng ở thành phố đến bảo: “Em có xe riêng, lại thường đi lễ đình lễ chùa nhưng không biết lái. Khi nào em cần đi đâu, không mượn được người lái, anh đi giúp em, em sẽ trả công thật hậu hỹ”.

Đang lúc không có việc làm lại được một cô gái khá tươi tắn đến nhờ vả, do không biết ả là trùm ma túy đang bị công an theo dõi nên Hoàng Trường Giang nhận lời ngay. Chở Loan đi chơi đến chuyến thứ tư thì Giang phát hiện ra cậu ta bị Loan lừa chở thuê ma túy. 

Giang bảo với Loan xin thôi việc. Loan bóng gió đe: “Anh Giang biết đấy, anh bỏ việc sẽ không yên với bọn “anh chị” trong đường dây này đâu… Toàn những đứa coi mạng người như ngóe. Sợ anh ra đầu thú, chúng sẽ bị bắt. Vì vậy chúng sẽ sát hại anh. Gia đình anh cũng bị đe dọa nữa!”.

Giang sợ mình bị thủ tiêu, gia đình bị hại nên nhắm mắt chở thuê cho Đào Thị Loan 8 chuyến nữa, rồi bỏ trốn từ cuối tháng 4/2012. Đào Thị Loan cho người thăm dò, nhưng không tìm ra nơi Giang trốn. Bố mẹ Giang cũng nháo nhác đi tìm, không thấy con, nên chỉ còn mong công an bắt được Giang, để cậu ta không bị bọn tội phạm ma túy thủ tiêu… 

Trong khi Giang bỏ trốn, Đào Thị Loan vẫn tiếp tục mua bán ma túy, cho đến tháng 7/2012 thị mới bị bắt. Tám tháng sau, bằng biện pháp nghiệp vụ, công an tỉnh Quảng Ninh bắt được Giang đang trốn ở Hà Nội.

Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử vụ án lớn này với 29 tên lĩnh án tử hình, 19 tên lĩnh án chung thân…, tôi đều đến dự và nhận thấy mức án dành cho hầu hết các bị cáo là chính xác, duy chỉ có trường hợp của Giang khiến tôi băn khoăn day dứt. Vì Giang có đến sáu tình tiết giảm nhẹ mà không được áp dụng:

Thứ nhất, vì sợ bọn buôn ma túy thủ tiêu nếu tự bỏ việc, nên sau chuyến thứ 12, Giang đã bỏ trốn không chở Đào Thị Loan đi giao hàng nữa. Trong khi Loan vẫn hành nghề, đến chuyến thứ 49 mới bị bắt.

Thứ hai, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh - đơn vị phá vụ án, có văn bản xác nhận rằng Giang “… thành khẩn khai báo, tố cáo kẻ phạm tội, tích cực giúp đỡ CSĐT khám phá vụ án…” (trang 65, án phúc thẩm).

Thứ ba, gia đình Giang đã vay mượn, nộp 50% trách nhiệm dân sự cho Giang để khắc phục hậu quả (30 triệu đồng). Cuối trang 64, bản án phúc thẩm cũng khẳng định: “… Giang tham gia với vai trò đồng phạm, giúp sức cho các bị cáo mua bán ma túy, nên tính chất nguy hiểm thấp…”.

Thứ tư, Viện kiểm sát Tối cao (tại phiên Tòa phúc thẩm) cũng đề nghị Tòa giảm án cho Hoàng Trường Giang.

Thứ năm, Đào Thị Loan, kẻ đã mua bán 1.234 bánh Heroin và gần 20kg ma túy tổng hợp (viên và đá), lĩnh án tù chung thân - vì có con chưa đủ 36 tháng tuổi, khi được nói lời cuối cùng, cũng xin Tòa tha tội chết cho Giang.

thứ sáu, Huyện ủy Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang và chính quyền địa phương của Giang, xác nhận: “Gia tộc Hoàng Trường Giang có công với nước”. 

Cụ thể: ông nội của Giang, cụ Hoàng Văn Nình là một trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đơn vị được coi là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập ngày 22/12/1944, do Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Ông Nình được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt bí danh là Thái Sơn. 

Riêng ông Nình và vợ là bà Tống Thị Dần (bà nội của Giang), được nhà nước và Chính phủ tặng 14 huân chương, huy chương, bằng khen các loại, từ hạng nhất đến hạng ba, do các Chủ tịch nước, từ Bác Hồ đến các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, … ký. Hai ông bà Nình và Dần còn được nhà nước Lào tặng 2 Huân chương Hữu nghị hạng nhất, vì đã có công giúp đỡ cách mạng Lào từ năm 1945 đến năm 1975.

Chuyện một tử tù khóc khi giám thị về hưu - Ảnh 2.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với ông Hoàng Văn Nình - ông nội tử tù Giang

Bố của Hoàng Trường Giang - trung úy Hoàng Thái Bình, từng chiến đấu ở mặt trận miền Nam ra bị nhiễm chất độc da cam, từng được tặng Huy chương chống Mỹ cứu nước và bằng khen của Bộ Quốc phòng. 

Mẹ của Giang là Đoàn Thị Loan giáo viên (đã nghỉ hưu), được Bộ Giáo dục tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Bố mẹ Giang đều là đảng viên. Ông bà nội và bố mẹ của Giang được tặng tổng cộng 21 huân, huy chương, bằng khen các loại…

Tôi và gia đình Hoàng Trường Giang đã viết gần 200 lá đơn gửi cấp có thẩm quyền xem xét ân xá trước đây nhưng hơn 4 năm qua vẫn chưa có hồi âm. Lần này được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước tôi vội viết đơn gửi Chủ tịch nước xin tha tội chết cho Hoàng Trường Giang. 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh cũng có thư gửi Chủ tịch nước xin ân xá cho Giang. 

Vô cùng xúc động và vui mừng, chỉ hai tuần sau, nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi và gia đình phạm nhân Hoàng Trường Giang nhận được thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước cho biết đã nhận được các đơn thư trên. Sau khi đọc và nghiên cứu, Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển các đơn thư trên đến Tòa án Tối cao, Viện kiểm sát Tối cao để xem xét…

Tin Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đơn xin tha tội chết cho Hoàng Trường Giang đến Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát tối cao xem xét được báo cho gia đình Hoàng Trường Giang biết.

Chưa biết kết quả sẽ thế nào nhưng những người quan tâm đến vụ án này đều coi đây là món quà đầu xuân ân tình quý báu đối với tử tù Hoàng Trường Giang, gia đình cậu ta và những người quan tâm đến vụ án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại