Nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc
Sau nhiều lần "khất" vì lý do công việc bận, bác sĩ Trần Thị Phương Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, kiêm Trưởng khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cũng sắp xếp để tôi đến gặp, trao đổi về những đóng góp của chị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
"Thành tích là của tập thể, tôi chỉ làm những việc thuộc nhiệm vụ của mình. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, công việc của cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Khoa Xét nghiệm… bận như con mọn. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi có lệnh là anh, chị em lên đường làm nhiệm vụ. Vất vả, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực hết mình nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan" - bác sĩ Phương Anh bộc bạch.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bác sĩ Phương Anh chia sẻ: "22 năm từ ngày về công tác tại Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, chưa khi nào công việc lại phức tạp như năm nay. Vừa liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, các hướng dẫn chuyên môn, vừa phải triển khai nhanh các chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Kể từ ngày 30 Tết Canh Tý, sau khi tiếp nhận thông tin về ca nghi nhiễm đầu tiên thì anh, chị em trong khoa đã coi cơ quan như ngôi nhà thứ hai của mình. Hai đội đáp ứng nhanh chia ca trực 24/24 giờ. Bản thân tôi thường xuyên đến tận đêm khuya mới về đến nhà. Chưa kể, những ngày trên địa bàn quận phát hiện ca nhiễm Covid-19 (F0) thì phải làm việc trắng đêm. Cũng may hai con tôi đã lớn; nhà ở phường Phố Huế ngay trên địa bàn quận nên đi, về cũng nhanh; đồng thời được gia đình hỗ trợ, chia sẻ nhiều, giúp tôi yên tâm công tác".
Được sự ủy quyền của Ban Giám đốc Trung tâm, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, bác sĩ Phương Anh trực tiếp phân công, điều động cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, tham gia phòng, chống dịch: Sắp xếp lịch làm việc, rà soát nhân lực, trang thiết bị để kịp thời để đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn đột xuất. Khi xuất hiện những ca nhiễm, nghi nhiễm, chị nhanh chóng điều động Đội đáp ứng nhanh xuống địa bàn điều tra, xác minh yếu tố dịch tễ, lịch trình đi lại của ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn...
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn quận, tập thể 2 khoa bác sĩ Phương Anh phụ trách còn sẵn sàng tăng cường khi có sự điều động của thành phố như tham gia lấy mẫu tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho khách nhập cảnh, các khu cách ly tập trung và tại một số ổ dịch.
Luôn đi trước, về sau
Trên cương vị trưởng khoa, cùng "đồng cam cộng khổ", bác sĩ Phương Anh luôn động viên, chăm lo sức khỏe của từng cán bộ. "Thật sự mình rất thương các y, bác sĩ trẻ trong khoa. Có bạn con nhỏ mà cả tháng trời chỉ nói chuyện với con qua điện thoại. Có bạn thì vợ mang bầu gần đến ngày sinh nhưng vì công việc cũng không thể về chăm sóc được" - bác sĩ Phương Anh chia sẻ.
Luôn sẻ chia, gần gũi, nên bác sĩ sinh năm 1975 này được đồng nghiệp tại trung tâm và cán bộ y tế cơ sở quý mến. Điều dưỡng Trần Kim Dung, Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh cho biết: "Không chỉ quan tâm, lo lắng cho sức khỏe cán bộ khi đi vào vùng dịch, chị Phương Anh còn dành nhiều thời gian quan tâm tới đời sống gia đình của từng cán bộ, nhân viên trong khoa. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chị Phương Anh luôn là người đi trước về sau; thực sự là tấm gương sáng để chúng tôi học tập".
Còn bà Lê Minh Hằng, Trưởng trạm Y tế phường Bạch Đằng bộc bạch: "Mặc dù bận nhiều việc, nhưng chị Phương Anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các trạm y tế cơ sở. Khi chúng tôi lúng túng trong triển khai một số công việc phòng dịch, chị Phương Anh luôn cử cán bộ hoặc trực tiếp xuống hướng dẫn...".
Chia sẻ về công việc những ngày cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ Phương Anh tâm sự: "Kỷ niệm nhớ nhất với tôi, đó là vào 19h30 ngày 18-3, khi nhận thông tin trên địa bàn quận có hai ca mắc Covid-19 là bệnh nhân 76 và 87. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo trung tâm, tôi cử 2 đội đáp ứng nhanh xuống 2 phường Nguyễn Du và Quỳnh Lôi - nơi 2 ca bệnh lưu trú để phối hợp với chính quyền, trạm y tế phường điều tra, lấy mẫu xét nghiệm ngay, đồng thời xác minh yếu tố dịch tễ, lịch trình đi lại của ca bệnh, khử khuẩn khu vực liên quan. Do ca bệnh 87 sinh sống cùng 12 thành viên khác trong gia đình, việc lấy mẫu xét nghiệm, đưa các trường hợp F1 đi cách ly tại bệnh viện, khoanh vùng cách ly… phải thực hiện ngay trong đêm, nên vô cùng vất vả. Đến 5h sáng 19-3, khi mọi việc cơ bản hoàn thành, chúng tôi mới tạm thở phào".
Nhận xét về bác sĩ Trần Thị Phương Anh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, bác sĩ Phương Anh là cán bộ vững chuyên môn, chắc nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, nên luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong điều động, tăng cường cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận và hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ đạo của thành phố, bác sĩ Phương Anh chỉ đạo rất nhịp nhàng, ai vào việc nấy, không bị rối. Đặc biệt, khi xuất hiện ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng là địa phương có nhiều trường hợp liên quan, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Y tế, bác sĩ Phương Anh đã chỉ đạo cán bộ y tế phối hợp UBND các phường khẩn trương điều tra, rà soát.
"Từ ngày 31-3 đến nay, chúng tôi đã xét nghiệm nhanh Covid-19 cho gần 1.000 người có nguy cơ cao đang sinh sống trên địa bàn quận. Điều đáng quý ở chị Phương Anh là không bao giờ ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh nói.
Với đóng góp tích cực của bác sĩ Trần Thị Phương Anh và các đồng nghiệp thời gian qua, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng đã được đánh giá là đơn vị hoàn thành mục tiêu khống chế không để dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên địa bàn. Cá nhân bác sĩ Phương Anh vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.