Chuyện một ngôi làng từ thuần nông trở thành làng... trông giữ xe ô tô ở Hà Nội

Minh Nhân |

Từ thuần nông, khi bị thu hồi đất ruộng để mở sân bay, một ngôi làng ở Hà Nội đã chuyển đổi thành làng trông giữ xe ô tô để mưu sinh.

Ít ai biết, ở cửa ngõ Hà Nội, có một làng chuyên trông xe ô tô. Đó là làng Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, nằm gần sân bay Nội Bài. Trước đây, người dân sinh sống bằng nghề nông. Sau khi đất ruộng bị thu hồi để xây dựng nhà ga sân bay, người dân đổi sang các loại hình kinh doanh khác để mưu sinh, như cho thuê nhà trọ, trông xe ngày đêm.

Theo ước tính, làng Tân Trại hiện có gần 70 hộ trông xe ô tô, với mức giá niêm yết 60.000 đồng/ngày đêm. Hầu hết các bãi trong làng đều có hệ thống mái che, phòng cháy chữa cháy, camera giám sát, giấy phép kinh doanh đúng quy định.

Từ làng thuần nông thành làng trông xe ô tô

Anh Nguyễn Văn Thành, 47 tuổi, cho biết sau khi được đền bù tiền thu hồi đất ruộng, nhiều người dân làng Tân Trại không có công việc. Họ làm tự do như phụ hồ, ai thuê gì làm nấy để mưu sinh qua ngày. Nhà anh Thành chỉ còn sào ruộng 200m2 không thể trồng trọt hay cày bừa.

Những năm 2014-2015, trong làng Tân Trại nhen nhóm 2-3 bãi gửi xe ô tô đầu tiên. Thời điểm này, anh Thành bàn với người em trai tên Hùng tận dụng mảnh đất bố mẹ để lại, mở bãi gửi xe Thành Hùng. Anh Hùng xuất phát điểm là tài xế xe taxi, sau chạy xe tải khắp các cửa khẩu, nhưng không hiệu quả, nên khi anh trai ngỏ ý mở bãi gửi xe, đã quyết định quay về cùng "khởi nghiệp".

Từ mảnh đất ban đầu, hai anh em đầu tư đổ cát nền cao gần 1m, láng bê tông, dựng mái, thêm chi phí sửa chữa khác. Bãi xe ban đầu chỉ chứa tối đa 10 xe. Kinh doanh có lãi, họ mở rộng khuôn viên, nay chứa tối đa lên tới 60 xe.

Chuyện một ngôi làng từ thuần nông trở thành làng... trông giữ xe ô tô ở Hà Nội - Ảnh 1.

Theo ước tính, làng Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn có gần 70 hộ trông xe ô tô

Khách gửi xe sẽ được trung chuyển miễn phí ra sân bay chỉ từ 3-5 phút. Những khách quen sẽ gọi điện cho chủ bãi ra tận sân bay nhận xe đưa về bãi.

Sau khi nhận xe, anh Thành sẽ kiểm tra phương tiện xem có xước xát hay hỏng hóc gì không, rồi chụp lại công tơ mét. Theo kinh nghiệm, với những chiếc xe đẹp và đắt tiền, anh quan sát kĩ càng, quay lại bằng điện thoại để làm "bằng chứng".

"Hiện nay khách hàng chủ yếu tự lái xe riêng lên sân bay rồi gọi chúng tôi ‘đánh’ xe về bãi gửi. Sau khi kết thúc hành trình, họ xuống máy bay, chỉ cần gọi điện, chúng tôi đưa xe đến tận sân bay để trả và thanh toán chi phí", anh Thành cho biết.

Khách hàng hoặc nhận vé xe hoặc để lại số điện thoại, phần lớn đều chọn phương án thứ hai. Để ghi nhớ, anh Thành không lưu danh bạ bằng tên khách hàng, mà thay bằng số điện thoại kèm biển kiểm soát xe.

Thời gian đầu, anh Hùng chịu trách nhiệm ra sân bay "đánh" xe của khách về bãi, còn anh trai vì không có bằng lái xe nên ở nhà trông xe, đăng bài quảng cáo trong các hội nhóm.

Tạo được sự tin tưởng, người này giới thiệu người kia, số xe gửi trong bãi dần tăng lên, đợt đỉnh điểm "full" 60 xe. Những hôm đông khách, anh Thành san sẻ cho các bãi khác trên tinh thần người làng cùng hỗ trợ nhau.

Năm 2018, lượng khách hàng tăng cao, để phụ giúp em trai, anh Thành đăng ký học bằng lái xe. Công việc vất vả, hai anh em thay nhau lên sân bay "đánh" xe cho khách, nhất là những đợt cao điểm mùa du lịch, ngày lễ Tết,…

Trung bình mỗi tháng, bãi xe thu lãi hơn 20 triệu đồng, gấp ba so với làm ruộng ngày trước, nhưng vất vả và cực nhọc hơn. Tuy nhiên, 7 tháng dịch bệnh Covid-19 căng thẳng tại Hà Nội, họ gần như không có thu nhập.

"Khách gọi khi nào, bất kể ngày đêm, rạng sáng hay giờ nghỉ trưa, chúng tôi đều lên đường, kể cả phải bỏ dở bữa cơm", anh Thành kể, càng gần ngày lễ Tết, công việc càng vất vả, kín lịch không có giấc ngủ trưa. Trước dịch Covid-19, khách bay quốc tế chủ yếu ban đêm, hai anh em Thành Hùng không dám ngủ, hoặc chỉ chợp mắt 10-15 phút lại nhận điện thoại của khách hàng.

Chuyện một ngôi làng từ thuần nông trở thành làng... trông giữ xe ô tô ở Hà Nội - Ảnh 2.

Anh Thành cùng em trai mở bãi trông xe Thành Hùng 7-8 năm nay

Người đàn ông phân tích, nếu so sánh giữa mức giá người dân đi taxi khứ hồi từ nội thành lên sân bay Nội Bài, sẽ mất khoảng 400.000 đồng, thì chi phí gửi xe tại bãi rẻ hơn nhiều. Hay nhiều gia đình đi ô tô cá nhân gửi tại bãi xe của sân bay, sau những chuyến du lịch, đều kêu trời vì chi phí đắt đỏ.

"Chúng tôi cũng đón tiếp những gia đình từ các tỉnh lân cận Hà Nội, gửi xe từ 4-5 ngày, vừa rẻ vừa chủ động", anh Thành cho hay.

Tết năm nay, khi Việt Nam mở lại các đường bay nội địa, những bãi gửi xe tại thôn Tân Trại cũng "hồi sinh". Từ mùng 2 Tết, người dân di chuyển nhiều, bãi gửi xe Thành Hùng đón những vị khách đầu tiên của năm, có những đoàn tấp nập tới 4-5 xe ô tô.

"Sau này nếu không còn sức làm việc, tôi sẽ thuê người làm hoặc để lại cho con cháu", anh Thành nói.

Phá dãy trọ, thuê mặt bằng mở bãi trông xe ô tô

Gia đình ông Lê Bảy, 71 tuổi, trước năm 2015 gom tiền dựng khu nhà trọ cấp 4 gồm 8 phòng khép kín cho khách và nhân viên sân bay thuê. Trước dịch Covid-19, thu nhập từ kinh doanh nhà trọ ổn định, các phòng luôn được lấp đầy. Kể cả những tháng dịch, ông vẫn thu được một khoản dù khách thuê ít hơn.

Tuy nhiên, cầm cự mãi với dãy trọ cũng không ổn, năm 2020, ông tính với gia đình dỡ bỏ hai dãy trọ, chuyển đổi thành bãi gửi xe ô tô. Chi phí cải tạo ít hơn nhiều so với ngày trước xây dựng nhà trọ.

Bãi gửi nhà ông Bảy do hai người con quản lý, chứa tối đa 28 chiếc, mỗi tháng thu lãi vài chục triệu đồng. Nhưng hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạo, cũng giống gia đình anh Thành, hộ nhà ông Bảy "điêu đứng", phải trông chờ vào khoản tiền tiết kiệm.

Chuyện một ngôi làng từ thuần nông trở thành làng... trông giữ xe ô tô ở Hà Nội - Ảnh 3.

Bãi gửi chứa được 28 xe ô tô của ông Bảy

Sát nhà ông Bảy là bãi gửi xe của gia đình chị Nguyễn Thị Bình, 51 tuổi. Trước đây, chị Bình làm nông, còn chồng lái taxi trong sân bay. Từ khi bị thu hồi đất xây dựng sân bay, chị Bình mất việc. "Chúng tôi cũng có tuổi, ruộng không còn, không trông xe thì làm được gì nữa". Nghĩ là làm, hai vợ chồng bàn nhau chuyển đổi mô hình sang làm bãi giữ xe, đến nay đã được 5 năm.

Để kinh doanh, họ tìm thuê một mảnh đất cạnh nhà với giá 10 triệu đồng mỗi tháng. Bãi gửi xe có diện tích hẹp, chứa tối đa 20-30 xe. Vào mua du lịch, ngoài hai vợ chồng, còn có anh em trong nhà phụ giúp.

"Mỗi nghề mỗi vất vả khác nhau. Chúng tôi cũng dần quen với việc không có giờ giấc ăn ngủ cụ thể, cứ khách gọi là đi", chị Bình kể. Thu nhập từ khi làm bãi xe, mỗi tháng trừ tiền thuê mặt bằng và dịch vụ, hai vợ chồng lãi được 20 triệu đồng.

Chuyện một ngôi làng từ thuần nông trở thành làng... trông giữ xe ô tô ở Hà Nội - Ảnh 4.

Mỗi tháng, hai vợ chồng chị Bình thu lãi 20 triệu từ công việc trông giữ xe ô tô

Ông Phan Trường Thành, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, năm 2019 thành phố đã ban hành Nghị quyết 07 về việc khuyến khích người dân lấy đất nhà, đầu tư làm bãi đỗ xe tại bốn quận nội thành.

Theo ông Thành, vẫn chưa có quy định khuyến khích người dân ngoại thành lấy đất nhà để xây dựng thành bãi trông xe, nên mô hình này tại thôn Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn vẫn chỉ là tạm thời.

"Trong thời gian tới, nếu các địa phương có ý kiến, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và phát huy phù hợp với nhu cầu thị trường và quy định pháp luật", ông Thành nói.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo cũng cho rằng, nếu loại hình kinh doanh này đã đăng ký đầy đủ và được cấp phép hoạt động, sẽ đem lại một nguồn kinh tế phát triển lớn cho địa phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại