Chuyện một cửu vạn thời Cô-vít

Thu Hiền |

Lao động mệt nhọc, đôi vai họ gồng gánh những lo toan với hy vọng kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thời đại dịch Covid-19, nghề cửu vạn lại chất chồng khó khăn.

Vui buồn chuyện nghề

Nơi góc chợ, một người đàn ông trung niên, thân hình vạm vỡ, thoạt nhìn khó ai nghĩ anh làm cái nghề “bán sức lao động” này ròng rã 12 năm qua. Phan Hùng Sơn (SN 1971, trú tại khối 5, phường Cửa Nam, TP Vinh), người đàn ông tráng kiện ấy đã có vợ, hai con. Vợ lao động tự do, thường nhận chở hàng cho một số tiểu thương trong chợ. Từ nhỏ Sơn gắn bó với môi trường ồn ào ở chợ Vinh nên nắm rõ từng ngóc ngách, từng con người nơi đây. Nay, anh ngỡ ngàng khi thấy khu chợ vắng hoe. Dịch bệnh đang khiến những sinh hoạt bình thường trở nên “bất thường”.

Phút trải lòng, nhìn mắt anh buồn thăm thẳm. “Nghề cửu vạn vất vả lắm em à. Từ bốc vác, khuân hàng, xây dựng,… đến dọn dẹp, lau chùi nhà cửa đều làm tất. Ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền chính đáng”. Công việc bốc vác của anh Sơn ở chợ Vinh bắt đầu từ 3 giờ sáng, hôm nhiều việc anh làm đến chiều tối mới nghỉ. “Đợt này đang dịch nên không có việc, chứ độ này năm ngoái, tôi làm không xuể”, anh Sơn kể. Có bữa, anh được người ta thuê bốc vác hàng cho một cửa hàng bán hoa quả trong chợ. Tầm 3 giờ sáng, khi mọi người đang yên giấc anh đã tất tả, vội vã vận chuyển những thùng hoa quả hàng chục cân đè nặng lên vai. Thế nhưng giá cho những kiện hàng oằn lưng ấy cũng không đáng là bao. Trung bình thùng hàng vận chuyển vài trăm mét được trả với giá 5 nghìn đồng...

Vất vả là vậy, nhưng ngày nào anh cũng cố gắng tìm thật nhiều nguồn hàng khác nhau để tăng thêm thu nhập. Trung bình một ngày khi đủ việc, một cửu vạn như anh ở chợ Vinh có thể kiếm từ 200 - 250 nghìn đồng. “Đấy là ngày trước khi có dịch. Giờ hai ba ngày may mắn người ta mới gọi 1 chuyến, có khi cả tuần. Có những khách hàng quen họ vẫn gọi, nhưng ít lắm ”, anh Sơn thở dài.

Chuyện một cửu vạn thời Cô-vít - Ảnh 2.

Anh Sơn luôn tìm thấy niềm vui qua những lần làm thiện nguyện, lan tỏa yêu thương đến những số phận kém may mắn trong cuộc sống

Vừa dứt lời, máy điện thoại anh Sơn đổ chuông, ánh mắt hiện rõ sự vui mừng. Anh nói, có người gọi anh bốc mấy thùng hàng phía cổng sau chợ Vinh. Người đàn ông vội vã quay xe chạy. Đến nơi, có khoảng 5 - 6 cửu vạn đã có mặt. Sau khoảng 30 phút di chuyển từ tầng 1 lên tầng 3 và ngược lại với đủ tư thế bê, vác, đẩy,… anh ngồi bệt xuống chân cầu thang, thở dốc. Anh được tiểu thương trả 20 nghìn đồng tiền công. Lấy tay gạt những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên mặt, anh cười: “Đấy, nghề này vất vả, bạc bẽo như thế đấy!”.

Ðâu chỉ là bốc vác

Tổ cửu vạn của anh Sơn có khoảng 15 người, trạc tuổi anh. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ cùng chung kiếp làm nghề cửu vạn, cái nghề luôn đằm mình trong nhọc nhằn vất vả. Anh Sơn bảo: “Nghề này không làm một mình được, vì bê, vác nhiều, phải có người hỗ trợ làm cùng, được bao nhiêu thì anh em chia đều”.

Với những người làm nghề cửu vạn như anh Sơn, hễ ai thuê là làm, hễ có việc là mừng, chẳng bao giờ đòi hỏi. Nhưng làm cửu vạn cũng không phải dễ. Nghề bốc vác không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ, ngoài sức khỏe còn đòi hỏi sự dẻo dai và bền bỉ để không nản lòng. Gắn bó với nghề 12 năm, anh Sơn bảo chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui. Nhớ nhất là một lần anh đi khuân hàng cho người ta, do không ăn sáng, nên khuân được vài thùng hàng thấy người mệt lả, chân tay loạng quạng rồi vấp vào bậu cầu thang, bổ nhào, bị trật khớp chân, phải nghỉ cả tháng. “Nghề cửu vạn chủ yếu là hợp đồng miệng với các tiểu thương, chủ hàng nên khi xảy ra những rủi ro như ngã chấn thương, nếu gặp chủ có tâm họ bồi dưỡng cho ít tiền để chữa trị, còn không, cửu vạn phải tự chịu”, anh Sơn ngậm ngùi tâm sự.

Ngoài tìm kế sinh nhai nuôi gia đình, anh luôn tìm thấy niềm vui qua những lần làm thiện nguyện. Hầu hết những người ủng hộ anh đều là bạn bè thân thiết hoặc những tiểu thương ở chợ Vinh. Sau những lần nhận sự giúp đỡ, anh luôn trả lại bằng câu nói quen thuộc: “Cảm ơn cuộc đời”! Hành trình từ thiện của Sơn dài lắm. Từ một lần chăm vợ sinh ở bệnh viện, anh chứng kiến có nhiều cảnh đời khó khăn, nằm viện nhưng không người thân chăm sóc vô cùng đáng thương, anh nghĩ mình cần phải làm điều gì đó. Anh dùng số tiền ít ỏi hàng ngày bốc vác thuê dành dụm được, mua những suất cơm, hộp sữa cho họ. Những điều tưởng chừng như nhỏ bé như thế nhưng đã phần nào tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người bệnh tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, đồng thời lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.

Anh Sơn nói: “Không ai sinh ra mà muốn mình nghèo khổ cả, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Mình nghèo nhưng cũng có những người còn nghèo hơn mình”. Chính vì vậy, anh quyết định thành lập nhóm thiện nguyện “Chuyến xe 0 đồng”, đêm đêm mua thức ăn, các vật dụng thiết yếu tặng những người vô gia cư ở thành phố Vinh. Ban đầu, nhóm chỉ có một mình anh. Mỗi lần trao quà cho những mảnh đời kém may mắn, anh đều chụp ảnh lại và đăng lên mạng xã hội để lan tỏa. Cũng chính nhờ facebook, anh Sơn đã tìm thêm được những bạn đồng hành. Đến nay, nhóm thiện nguyện đã có hơn 10 người. Anh nói, nhóm không lập tài khoản, chỉ nhận ủng hộ trực tiếp và đích thân đưa đến tận gia đình người cần giúp đỡ.

Những ngày này, đi dọc các tuyến đường TP Vinh (Nghệ An), không gian im ắng đến lạ. Nhiều căn nhà “cửa đóng then cài”, những con phố vốn dĩ ồn ào náo nhiệt nay cũng lặng như tờ. Chiều muộn, quán xá, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí… đều “đóng băng”. Tôi ghé qua chợ Vinh, ngôi chợ lớn nhất và sầm uất nhất ở Nghệ An nay cũng chỉ thưa thớt dăm ba hàng quán bán rau, thịt dọc đường. Đâu đó, thấp thoáng những người làm nghề cửu vạn vẫn ngồi kiên nhẫn, ánh mắt xa xăm như chờ đợi một tiếng gọi thân quen: “Bốc dùm thùng hàng”!

Nhưng chợ Vinh, chợ đầu mối lớn nhất Nghệ An, cổng đã khép lại mấy ngày nay. Hơn 3.000 hộ kinh doanh nghỉ chống dịch. Khi những gánh hàng rau, hàng cá đã vắng, tiếng gọi ngày thường quen thuộc cũng vắng dần.

Không chỉ tặng quà cho những mảnh đời bất hạnh vô gia cư, 3 năm nay, anh Sơn còn đứng ra kêu gọi và cùng nhóm thiện nguyện tổ chức những nồi cháo phát miễn phí cho những bệnh nhân ở Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Dù nắng hay mưa, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, những suất cháo nóng hổi, thơm ngon được trao tận tay những bệnh nhân tại đây. Đêm thành Vinh, những “Chuyến xe 0 đồng” vẫn bon bon trên đường, len lỏi vào những góc phố, nơi những mảnh đời kém may mắn trú ngụ, với ước mong một ngày nào đó những phận đời lang thang, cơ nhỡ đó sẽ được đổi thay.

Chuyện một cửu vạn thời Cô-vít - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại