Nhìn nhận một cách thực tế và khách quan, chỉ năng lực chuyên môn thôi vẫn là chưa đủ để giúp dân công sở gặt hái được thành công trong sự nghiệp.
Bên cạnh khả năng làm việc; kỹ năng, thái độ và đặc biệt là đức độ mới là những yếu tố quan trọng, giúp chúng ta thu phục nhân tâm, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người.
Đó chính là lý do tại sao, nhiều người dù rất giỏi chuyên môn nhưng hễ nhắc đến tên là đồng nghiệp ái ngại, tránh né và hạn chế làm việc cùng.
Trái lại, có những cá nhân, mặc dù chưa vững nghiệp vụ nhưng không ít người sẵn sàng hỗ trợ, nâng đỡ. Nghịch lý này âu cũng đa phần bắt nguồn từ khả năng đối nhân xử thế.
Nói tóm lại, mọi sự trên đời có nhân ắt có quả, có sự việc phát sinh ắt có nguyên nhân khởi đầu, người gieo nhân nào gặt quả đó. Do đó, nếu mỗi người đều có thể giới cấm được ba điều này, ắt họa sẽ rời xa, phúc tự đến.
1. Kiêu
Kiêu là một trong những đức tính mà người làm việc trong môi trường công sở không nên mắc phải nhất.
Bởi lẽ, người kiêu ngạo thường không chú ý đến sự tồn tại của người khác, và cũng chẳng còn đủ thời gian cũng như tâm sức để nhìn rõ vạn sự vạn vật xung quanh.
Nhất cử nhất động của người kiêu ngạo đều lấy bản thân làm trung tâm.
Để rồi từ đó, sự kiêu ngạo khiến chúng ta bị tách biệt khỏi đội ngũ - điều này vô cùng tai hại đối với môi trường đòi hỏi khả năng kết nối và phối hợp đội nhóm cao như công sở.
Chỉ khi nào bỏ đi được sự kiêu ngạo, con người ta mới trở về đúng bản thể nguyên sơ ban đầu, để được yêu thương, trân quý và chấp nhận một cách vô điều kiện.
Trong đối nhân xử thế nếu có thể ngay từ đầu đã thận trọng, khiêm nhường thìsẽ nhận được sự quý trọng của đồng nghiệp và những người xung quanh.
Người có thể tiếp thụ sự khuyên giải góp ý của người khác mới là người học hỏi được nhiều điều nhất, từ đó giúp bản thân có thêm nhiều góc nhìn mới, mọi quyết định trong công việc cũng vì thế mà khôn ngoan, sáng suốt hơn.
Người tự cho mình là đúng, kiêu ngạo độc tôn, thì có thể nói người này chưa đánh đã bại, đã tự gieo mầm tai họa cho mình ngay thuở ban đầu.
2. Đấu
Cạnh tranh và đấu đá là một trong những yếu tố không thể thiếu trong môi trường công sở.
Tuy nhiên, cạnh tranh cũng có dăm ba bảy loại, có loại tích cực giúp đôi bên cùng phát triển, nhưng cũng có loại mang lại tổn thất cho hai phía và đôi khi là cả tốt chức.
Cho nên, giữa những người đồng nghiệp với nhau, nếu như lấy đấu tranh làm trọng thì bất kể bản thân thắng hay bại cũng đều bị tổn thương, suy cho cùng cũng đều thiệt hại.
Khi không thể bao dung cho người khác ắt tâm thái hẹp hòi, trong việc đối nhân xử thế cũng dễ đắc tội với người khác, tự mình chuốc lấy kẻ thù đối đầu.
Thay vì cứ mãi đấu đó, là những người đồng nghiệp, chúng ta có thể hỗ trợ nhau để công việc hiệu quả hơn. Khi công việc của một người thuận lợi, cả tổ chức cũng từ đó mà dễ dàng đi lên hơn.
Chỉ có người buông bỏ tâm đấu đá, tranh giành, mặc kệ hơn thua được mất mới có thể sống hòa nhã với mọi người. Từ đó con đường sự nghiệp tương lai mới ngày càng rộng mở và tươi sáng, chuyển họa thành phúc.
3. Tham
Bất kể là ai, chỉ cần vướng vào chữ tham là cũng xem như hủy cả một đời.
Lòng tham thì không ‘thuốc’ nào chữa được, dù người có thông minh tài giỏi bao nhiêu nhưng hễ phạm phải chữ tham thì cũng coi như tiền đồ vô vọng, đèn sách uổng công.
Đời người bất luận bạn có gặp vận mệnh tốt ra sao, có được cuộc sống giàu sang cỡ nào cũng cần phải loại bỏ tâm tham, biết đủ là vui mới có thể bảo toàn được vận khí.
Biết đủ vốn không phải là cách nghĩ tiêu cực mà là tấm lòng khoáng đãng ung dung khi đối diện với được mất thế gian.
Cổ nhân có câu: “Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức”, ấy cũng là từ lẽ đó mà ra.