Chuyện -mệ Tuyết- làng hương xứ Huế trích tiền buôn bán để giúp bệnh nhân ung thư
Mỗi ngày, cứ 7h sáng là mệ Tôn Nữ Ánh Tuyết (72 tuổi, ngụ phường Thủy Xuân, TP Huế) dọn hàng và bắt đầu công việc xòe những bó chân hương rực rỡ xếp ra hiên nhà, tạo thành một bức tranh màu sắc vô cùng sống động.
Hễ có khách đi qua, mệ Tuyết liền đon đả mời vào bằng giọng Huế ngọt ngào mà cũng rất sâu lắng: "Con ơi, vào chụp ảnh đi con", "con vào bên trong lấy nón với quạt ra mà chụp ảnh cho đẹp, mệ cho mượn hết". Sau đó, mệ nhiệt tình xòe các bó chân hương màu xanh - đỏ - vàng - tím… để du khách có hình ảnh đẹp, duyên dáng và nên thơ.
Chuyện mệ Tuyết nặng tình với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo
Câu chuyện mệ Tuyết bán hương giúp đỡ bệnh nhân ung thư đã nổi tiếng từ lâu, nhưng ít ai biết đến cơ duyên khiến người đàn bà với thân hình nhỏ bé, quyết tâm làm việc cao cả như vậy xuất phát từ một lần tình cờ vào viện thăm bạn thân bị ung thư. Hồi ấy, mệ Tuyết vô tình nhìn thấy một đứa bé chỉ khoảng 5 tuổi nhưng đã bị hỏng một mắt, hỏi thăm thì mới biết bé bị ung thư võng mạc.
Khi ấy, trong người mệ Tuyết chỉ có hơn 100 nghìn đồng định đưa cho bạn, nhưng người bạn của mệ lại gửi số tiền đó cho đứa trẻ tội nghiệp trên. Từ đó, mệ quyết định sẽ giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh bằng trái tim chân thành và cố gắng hết sức lực của mình.
Mệ Tuyết vẫn luôn yêu đời và tất bật với công việc bán hương, nón, quà lưu niệm
Đến nay, mệ Tuyết đã duy trì việc thiện này được 8 năm và dành phần lớn lợi nhuận từ bán hương để tặng trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ở Bệnh viện Trung ương Huế.
"Hầu như mệ trích đến 99% tiền lãi từ việc buôn bán để hỗ trợ bệnh nhân ung thư, may mắn mấy năm gần đây nhiều người biết đến việc mệ làm từ thiện, nên người ta vừa đến mua hàng và cũng gửi thêm số tiền nhỏ để mệ thay mặt gửi đến cho trẻ em trong viện". Mệ Tuyết cho biết.
Nhớ lại lần đầu tiên đến tặng quà cho các bệnh nhân nhí ở Bệnh viện, vì chưa có kinh nghiệm nên mệ mang thiếu 7 phần của phòng bệnh 508. Lúc nghe các bạn nhí bảo: "Mệ ơi con chưa có", mệ Tuyết lòng buồn rười rượi rồi ôm lũ trẻ vào lòng và hứa ngày mai sẽ quay lại, mặc dù thời điểm đó ở nhà không còn tiền. May mắn hôm sau, mệ bán được bốn bức tranh cùng một lúc. Người họa sĩ đó nhờ mệ bán tranh rồi tặng cả vốn lẫn lãi để mệ vào viện tặng quà cho các cháu bé.
Tiếng lành ngày càng vang xa, tiệm hương của mệ luôn tấp nập người vào ra. Khách tìm đến đây một phần vì tính cách dịu dàng hiếu khách của mệ, một phần nữa là vì muốn san sẻ khó khăn với các bệnh nhân thông qua việc mua hàng. Nhờ đó, mệ có thêm thu nhập và có thêm các món quà cho các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Ung bướu, Trung tâm Nhi của Bệnh viện Trung ương Huế.
"Một hộp trầm hương bên ngoài họ bán giá rất cao nhưng mệ chỉ bán khoảng 125 ngàn đồng, toàn bộ tiền lãi dù rất nhỏ nhưng góp gió thành bão, sẽ giúp được nhiều người". Mệ cười hiền từ rồi nói.
8 năm qua, đều đặn gần như tháng nào mệ Tuyết cũng có 1-2 lần vào thăm và tặng quà cho các bệnh nhi. Mệ không có lịch cố định mà chỉ đi khi cảm thấy đã đủ. "Nhờ ơn trên phù hộ, khi nào được thì mệ đi chứ mệ không nói trước được".
Quà của mệ với mỗi bì thư trị giá 100.000 đồng, kèm theo bánh kẹo để thăm các cháu. Đối với với nhiều người có điều kiện thì đó là số tiền nhỏ, nhưng với mệ thì đó là công sức, tấm lòng của nhiều người góp lại để giúp cho những hoàn cảnh khó khăn đang điều trị lâu dài có thêm động lực và kiên trì chiến đấu với bệnh tật.
Mệ Tuyết cho hay: "Mỗi tháng mệ cũng cố gắng tiết kiệm, dành dụm khoảng 70 suất quà cho các cháu".
Dáng người mệ Tuyết gầy gò, lưng còng, chân đi khập khiễng. Thế nhưng đôi mắt luôn ánh lên sự dịu dàng lại rất kiên định với công việc thiện nguyện mà bản thân đang làm.
Người góp phần giúp làng hương trở thành địa điểm "check in" nổi tiếng
Nằm cách thành phố Huế khoảng 7 km về hướng Tây Nam, làng hương Thủy Xuân nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa, gần đồi Vọng Cảnh và lăng Tự Đức. Được biết, nghề làm hương đã xuất hiện tại đây từ khoảng từ 700 năm dưới thời nhà Nguyễn. Xưa kia, đây là nơi cung cấp hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân.
Hương ở Thủy Xuân có mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt, hầu hết các hộ gia đình ở đây đều làm nghề se hương.
Năm tháng trôi qua, dù đã trải qua rất nhiều biến động thời gian nhưng nét đẹp làng nghề vẫn tiếp tục được lưu giữ và phát triển. Họ yêu nghề, cần mẫn làm việc từ sáng đến tối. Họ duy trì nghề làm hương bởi cái đam mê với nghề là chính, vì hương được làm thủ công, không dùng máy đánh nên năng suất không được nhiều như làm máy, giá thành lại rất bình dân nên lợi nhuận chỉ đủ lo bữa cơm trong ngày.
Tuy là làng nghề có truyền thống lâu đời, nhưng vài năm gần đây làng hương Thuỷ Xuân mới phủ sóng rộng rãi và được nhiều bạn trẻ biết đến cũng là nhờ một phần công lao của mệ Tuyết.
Mệ Tuyết là một trong những người đầu tiên nghĩ ra cách xòe những bó chân hương rực rỡ, tạo thành một thảm màu bắt mắt để du khách khi ghé thăm bị thu hút rồi dừng chân lại ngắm nhìn và chụp ảnh.
Mệ Tuyết nhớ lại: "Hơn hai mươi năm trước mệ bắt đầu làm chơi, ai ngờ các anh chị ở Trung tâm Festival Huế khen đẹp quá, nên mệ làm luôn từ lúc đó".
Sau này, người dân trong làng đến học hỏi làm theo và biến con đường này trở nên tươi thắm, huyền ảo khiến bao người say mê. Cũng từ đó, bà con ở đây vừa làm hương vừa kết hợp bán các mặt hàng lưu niệm như tranh sơn dầu, quạt, đồ thổ cẩm, cho thuê trang phục… để có thêm thu nhập và ổn định hơn.
Nói về truyền thống làm hương của gia đình, mệ Tuyết chỉ nhớ từ năm lên 9 tuổi đã theo ông ngoại tập tành làm hương trầm rồi gắn bó cho đến hiện tại.
Câu chuyện và cuộc đời mệ Tuyết gắn với làng hương Thuỷ Xuân, đã góp phần giúp cho nhiều số phận kém may mắn có thêm niềm vui nhỏ bé và hy vọng về tương lai tươi sáng hơn, cũng như góp sức giúp làng hương khởi sắc để rồi trở thành một trong những địa điểm "check in" đẹp và nổi tiếng của cố đô Huế.