Các nhà nghiên cứu mất rất nhiều công sức để tìm hiểu về các loài rắn. Một câu chuyện thú vị luôn được đặt ra, là loài rắn nào và ở vùng đất nào lớn nhất thế giới?
Nếu không tính trăn, thì loài rắn lớn nhất thế giới là rắn hổ mang chúa, hoặc gọi đơn giản là rắn chúa.
Mặc dù tên gọi là rắn hổ mang chúa, nhưng nó lại không thuộc chi Naja tức rắn hổ mang. Đây là loài thuộc chi Ophiophagus. Điều đặc biệt nữa, là món ăn sở trường của nó là các loài rắn khác, thậm chí cả đồng loại.
Theo các tài liệu nghiên cứu quốc tế, thì chiều dài trung bình của hổ chúa là 3-4m, nặng 6kg. Các mẫu vật từng đạt kỷ lục lưu giữ trên thế giới ghi nhận như sau:
Con rắn chúa được ghi nhận kỷ lục thế giới được nuôi nhốt ở sở thú London, có chiều dài 5,7m, và nó bị “giết nhân đạo” vào năm 1939, thời điểm Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra. Xác nó vẫn được lưu giữ đến nay.
Tuy nhiên, mẫu vật rắn hổ chúa nặng nhất lại là con rắn có chiều dài 4,8m, được người Singapore bắt vào năm 1951.
Kỷ lục tiếp theo được phá vỡ, vào năm 1972, khi một con rắn nặng 12,7kg được phát hiện ở Công viên động vật học New York. Điều thú vị là con rắn này ngắn hơn hai con trước, khi chỉ dài 4,4m.
Mấy năm trước, cả thế giới bàng hoàng khi một con rắn hổ chúa nặng 30kg, dài tới 5,18 được phát hiện tại Ấn Độ. Các nhà khoa học khắp thế giới đã tìm đến vùng đất Kerala và phát hiện ra rằng, vùng đất này có cả khu bảo tồn loài rắn hổ chúa với tên gọi Ghats Tây.
Liên tiếp các cuộc chạm chán giữa người dân và hổ chúa nặng cả chục kg diễn ra. Tuy nhiên, chưa từng có con hổ chúa nào lớn hơn con rắn nặng 30kg phát hiện trước đó.
Ở Việt Nam, xuất hiện một loài rắn lớn nhất hành tinh có tên là hổ mây. Có tới hàng ngàn nhân chứng khẳng định từng chạm chán loài rắn này.
Thậm chí, các kiểm lâm, rồi tới giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cũng kể chi tiết lần chạm trán rắn hổ mây to như cây dừa bò ngang đường.
Có nhân chứng còn kể nó ngóc đầu cao hơn cả cây tràm 20m. Thậm chí, có cụ già uy tín còn kể nó ngóc đầu lên tận mây xanh (?!).
Rốt cuộc, con rắn lớn nhất miền tây Việt Nam được ghi nhận bằng hình ảnh, lại chỉ là con hổ chúa nặng 20kg, dài 4,3m, nuôi suốt 18 năm ở Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), được bảo tồn trong bình dung dịch từ chục năm qua.
Chính vì thế, những câu chuyện kể về rắn hổ mây chỉ là chuyện phóng đại, của những người mang tính cách vui vẻ của Bác Ba Phi.
Con rắn khổng lồ xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2011, ở Lào Cai, được coi là kỷ lục khi đó, với chiều dài 7m, nặng 21kg. Như vậy, ở thời điểm đó, con rắn này có chiều dài kỷ lục thế giới và cân nặng kỷ lục Việt Nam.
Con rắn này thuộc sở hữu của chị D., là một doanh nhân ngành xây dựng. Chị đã mua nó từ những người dân tộc Mông, khi họ bắt được nó trong rừng. Con rắn hổ chúa hoang dã này tuyệt đẹp, phần da màu đen với những vằn trắng. Thân nó to gần bằng cái phích, nằm cuộn nhiều vòng trong bình rượu khổng lồ.
Một số người hiểu biết về con rắn đã đếm vòng thân, tính trọng lượng, độ dài và ước chừng nó phải trên 100 tuổi. Theo quan niệm dân gian, rắn hổ chúa thường sống 20-30 năm, nên con rắn có tuổi cả trăm năm này là loài đã thành tinh. Việc nó sống quá lâu, nên mới có chiều dài và cân nặng đột biến như vậy.
Thế nhưng, kỷ lục tiếp tục bị xô đổ, khi 3 năm trước xuất hiện hổ chúa khổng lồ, dài 8m và nặng hơn 30kg trong bể rượu nhà một đại gia ở Tuyên Quang.
Con hổ chúa này có màu da vàng, với những sọc đen lốm đốm, nhìn đẹp mắt chứ không dữ dằn như hổ chúa hoang dã của nữ đại gia ở Lào Cai.
Như vậy, với trọng lượng và chiều dài, đại hổ chúa này đã xô đổ kỷ lục về chiều dài của hổ chúa 7m trước đó, vượt xa kỷ lục hơn 5m của hổ chúa ở Ấn Độ và có cân nặng tương đương với hổ chúa Ấn Độ - hiện vẫn đang được ghi nhận lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, mới đây, đại hổ chúa được ghi nhận lớn nhất thế giới, hiện đang được lưu giữ ở nhà anh N., thuộc quận Hoàng Mai.
Anh N. vốn là dân buôn cá từ Tây Nguyên và Campuchia ra Hà Nội. Anh đã mua được con hổ chúa khổng lồ từ người dân ở biên giới Việt Nam và Campuchia phía Tây Nguyên. Con rắn này có màu sắc, hình dạng giống hệt con rắn khổng lồ của đại gia miền núi phía Bắc. Có thể, nó xuất hiện ở cùng vùng đất, có môi trường sống giống nhau.
Mặc dù, anh N. chưa đo chiều dài của nó, nhưng theo lời anh kể, thì lúc còn sống, nó nặng tới 45kg. Sau khi bỏ lòng, bóc mất vài kg mỡ, cả rổ trứng, thì phần xác còn lại được đưa vào bể rượu.
Nếu những thông tin anh N. cung cấp về trọng lượng rắn là chính xác, thì có thể khẳng định, đây là con rắn (không tính trăn), lớn nhất thế giới cho đến thời điểm này, và khó có thể xuất hiện một con rắn lớn hơn, trừ khi rắn hổ mây trong thần thoại ở miền Tây được tìm thấy.