1. Để sở hữu một chiếc ô tô bây giờ không khó. Cô em họ tôi vừa chập chững nhấc mông khỏi ghế đại học bố mẹ đã sắm cho con Kia Morning vì sợ đường xá bụi bặm, ô nhiễm lại khổ con gái cưng.
Học lái được dăm bữa, mới biết vần cái vô lăng, chạy lờ đờ vài chục km/h cô em tôi đã đòi lái xe ra đường. Mẹ cô mới dặn: Cơn cứ in chữ "Lái mới, xin thông cảm" ra tờ giấy A4 rồi dán phía sau. Lái mới ra đường muốn đi thế nào chả được, người ta thấy con gái, lại là lái mới thông cảm hết. Con chứ chạy chậm, đứa nào thích vượt thì tự lấn sang làn khác mà vượt".
Cô y lệnh mẹ. Ra đường, đường vắng hoe cô chạy 20-30 km/h. Xe sau nháy đèn, xi nhan, bấm còi đủ cả mà cô cứ kệ. Lái mới mà.
Dừng đèn đỏ, cô kéo gương tô lại son môi, dặm thêm chút phấn. Đèn xanh bật lên cô cũng kệ, tô nốt cái môi đã, như mẹ cô đã dặn thì ai thích vượt lấn sang làn khác mà vượt.
Nhiều nút giao thông đèn đỏ cho phép rẽ phải, cô dừng chình ình ở làn rẽ chờ đèn đi thẳng. Xe sau bấm còi cô mặc kệ. Rồi cô lại về nhà viết lên Facebook: Ở bển người ta không bấm còi đâu, sao Việt Nam bấm còi lắm thế.
Thi thoảng có người vượt lên mở kính nhăn nhó với cô, thậm chí nói vài điều khó nghe. Cô chả hiểu người ta đang khó chịu cái gì. Thôi kệ thiên hạ, tôi lái mới mà.
Mẹ cô mới dặn: Cơn cứ in chữ "Lái mới, xin thông cảm" ra tờ giấy A4 rồi dán phía sau.
Nhưng điều đáng sợ hơn cả: Vì là lái mới nên cô vẫn chưa thoát khỏi thói quen của người đi xe máy. Xe máy dừng đỗ thoải mái chả ảnh hưởng đến ai, nhưng ô tô mà cô cũng dừng đỗ vô tổ chức thì hỏng hết.
Có hôm cô phi xe lên phố cổ ăn quà vặt. Con phố Hàng Điếu bé bằng cái lỗ mũi mà cô đỗ chình ình giữa đường rồi lững thững đi vào mua túi nước mía. Người ta ý kiến cô lại chỉ vào câu thần chú: Lái mới, xin thông cảm. Cười xòa rồi ngúng ngẩy đi tiếp.
2. Bất kỳ tài xế nào, dù cầm vô lăng trên 50 năm đi chăng nữa cũng đều từng trải qua cảm giác lúng túng, sợ hãi trong những lần đầu tiên ngồi trong khối sắt nặng cả tấn. Vậy nên dân tình cũng chẳng chấp nhặt gì mấy cô, mấy chị, mấy anh lái mới.
Nhưng những lái mới có tâm, có ý thức tốt khác hoàn toàn với hình ảnh của cô em họ tôi. Đa phần lái mới đều vay mượn sự cảm thông của xã hội trong thời gian ngắn, đến khi họ kiểm soát tốt hơn chiếc xe thì gỡ cái mác "lái mới" và hòa mình vào dòng xe cô tập nập.
Còn trường hợp của cô em tôi và một bộ phận lái mới thiếu ý thức khác lại lợi dụng sự cảm thông ấy, dựa dẫm vào nó để chây ì và tự cho phép mình được vô ý thức.
Mới hôm kia tôi gặp một chiếc Kia biển 30E vượt đèn đỏ ở ngã tư Hoàng Minh Giám – Lê Văn Lương, rồi vướng phải dòng phương tiện đang lưu thông đèn xanh. Thay vì dừng lại, tài xế vẫn lừ lừ tiến, buộc các xe đi đúng phải nhường đường. Sau lưng chiếc KIA, dòng chữ: Lái mới, xin thông cảm, vẫn còn nguyên.
Không ít tài xế dựa vào tấm biển lái mới hay tập lái để mong nhận được sự cảm thông cho sự thiếu ý thức của mình. (Ảnh minh họa)
Có nhiều lái mới vì kỹ năng chưa tốt, gặp khó khăn trong việc đỗ xe sát vỉa hè. Tuy nhiên những người có ý thức thì nỗ lực đỗ gọn gàng nhất có thể, còn những người lợi dụng và vô ý thức thì mặc nhiên vứt xe giữa đường, rồi lại đọc câu thần chú: lái mới để ăn mày sự cảm thông.
Mới dăm bữa trước cổng trường tiểu học của con gái tôi có một phụ nữ đỗ xe chỉ cách tim đường vài chục cm, bật đèn báo động, rồi thản nhiên bỏ xe đó vào trường đón con.
Chiếc xe của chị gây ra một vụ ùn tắc khá nghiêm trọng kéo dài suốt 30 phút sau đó. Khi bị chỉ trích, chị quát lại: Phụ nữ lái mới mà không biết thông cảm à cái đồ… đàn bà.
Tôi cũng chỉ biết cạn lời.