1. Bó chân để có bàn chân nhỏ như gót sen
Phong tục này có nguồn gốc từ thế kỉ 10 tại Trung Quốc. Trong suốt hàng nghìn năm, người Trung Quốc cho rằng bàn chân nhỏ mang một vẻ đẹp quyến rũ. Họ gọi những bàn chân này bằng cái tên mỹ miều là “gót sen”. Vì thế, 90% phụ nữ Trung Quốc ngày xưa đều phải đau khổ vì tục bó chân này.
Người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái hoặc cháu gái họ khi đứa trẻ từ 4 đến 8 tuổi. Họ sẽ dùng vải buộc chặt 4 ngón chân của các cô bé trừ ngón cái để ngăn không cho xương phát triển thêm và cố định khuôn bàn chân sao cho càng nhỏ càng tốt. Kích thước của bàn chân nhỏ chỉ 7,5cm được xem là kích thước lý tưởng của một đôi "gót sen vàng".
Theo quan niệm thời bấy giờ, phụ nữ phải có một đôi chân thật nhỏ mới là chuẩn mực nếu không họ sẽ không thể lấy được chồng. Bên cạnh đó, bó chân còn được coi là biểu hiện của sự cao quý. Con gái quý tộc không bó chân chỉ có cơ hội lấy chồng ở đẳng cấp kém hơn, còn con gái những nhà nghèo thì dễ bị bán làm nô lệ.
Bàn chân bị biến dạng hoàn toàn, gây trở ngại rất lớn trong việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày kèm theo những cơn đau nhức thế nhưng để làm đẹp, những phụ nữ Trung Quốc ngày xưa vẫn “cắn răng chịu đựng”.
2. Dùng thủy ngân để có làn da trắng bệch
Vào thế kỷ 16, người ta cho rằng chỉ có những người phụ nữ sống trong giàu sang mới có được làn da trắng bệch còn phụ nữ tầng lớp thấp, lao động chân tay thì luôn có làn da đen, thiếu sức sống. Chính vì vậy, làn da nhợt nhạt được coi là biểu hiện của sức khỏe tốt và sự quý phái. Nữ hoàng nước Anh - Elizabeth I nổi tiếng với nước da trắng bệch được coi là tiêu chuẩn cho vẻ đẹp thời bây giờ.
Để có được làn da trắng như ý muốn, những phụ nữ thời đó đã sử dụng một loại bột làm trắng là bột chì cacbonat (thường sử dụng trong hội họa) hoặc thủy ngân để bôi lên mặt. Cách làm đẹp rùng rợn này được phụ nữ quý tộc đặc biệt ưa chuộng, thậm chí nhiều người còn pha thủy ngân vào sữa để tắm trắng.
Chì và thủy ngân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chúng sẽ phá hoại hệ thần kinh, gây đau đầu, chán ăn, thiếu máu, mất ngủ... thậm chí có thể gây chết người nhưng lại được sử dụng một cách phổ biến để làm đẹp.
Năm 1760, Marie Gunning, một phụ nữ quý tộc người Ireland, xinh đẹp nổi tiếng với làn da trắng bệch đã chết ở tuổi 27 vì thường xuyên làm đẹp bằng chì và thủy ngân. Marie không phải là nạn nhân duy nhất vì thời đó rất nhiều phụ nữ bị nhiễm độc bởi cách làm đẹp nguy hại này.
3. Cổ áo tháo rời
Nếu khung đầm phồng là xu hướng thời trang phổ biến của phụ nữ thì cổ áo tháo rời lại là vật dụng không thể thiếu dành cho nam giới ở Châu Âu vào thế kỷ 19. Cổ áo tháo rời thường có màu trắng và người ta dùng đinh tán để gắn chiếc cổ áo này vào áo sơ mi.
Thời đó, người ta cho rằng cổ áo tháo rời thể hiện sự nam tính. Những người đàn ông không dùng cổ áo này bị cho là đồng tính. Một người nổi tiếng thường xuyên mặc áo có cổ tháo rời chính là Oscar Wilde, nhà văn Ireland.
Chiếc cổ áo tháo rời này thật sự là phụ kiện thời trang nguy hiểm vì nó khiến cổ người mặc bị thít chặt dẫn đến máu khó lưu thông lên não. Thậm chí, có người đã chết trong khi đang ngủ vì ngạt thở.
4. Áo corset "thắt đáy lưng ong"
Vào thế kỷ 16, phụ nữ được coi là quý phái khi có chiếc eo “thắt đáy lưng ong”. Chính vì vậy, chiếc áo corset đã ra đời và trở thành trào lưu rộng rãi cho đến tận thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Áo corset là loại áo chẽn bó sát cơ thể, giúp định hình vóc dáng của phái đẹp. Do thiết kế đặc trưng, chiếc áo kỳ diệu này giúp phái đẹp nhấn mạnh những đường cong và siết chặt vòng eo, khoe vẻ tròn đầy của núi đôi.
Có một vòng eo thon"thắt đáy lưng ong"luôn là niềm mơ ước của mọi phụ nữ. Tuy nhiên, làm đẹp bằng cách mặc áocorset không hề thoải mái một chút nào, nó khiến cử động khó khăn và gây khó thở.
Không chỉ vậy, mặc áo corset trong thời gian dài còn gây tổn thương cho khung xương và buồng phổi, thậm chí gây xáo trộn sự sắp xếp tự nhiên của nội tạng. Và điều này có thể gây chảy máu bên trong. Năm 1903, một người phụ nữ đã chết đột ngột do miếng thép được chèn bên trong áo corset đâm xuyên vào tim.
5. Khung đầm phồng
Khung đầm phồng là một vật dụng phổ biến dành cho phụ nữ mặc váy ở thế kỷ 19. Thời đó, người ta cho rằng phụ nữ mặc váy rộng là cao sang, quyền quý. Chính vì vậy, những chiếc váy xòe rộng đã trở thành mốt thời thượng ở Châu Âu.
Ban đầu khung đầm phồng được làm bằng vải lanh dệt với lông đuôi ngựa để tạo thành lớp lót cứng giúp giữ váy xòe ra. Tuy nhiên để tăng độ rộng của váy, đến năm 1860, khung đầm phồng được làm bằng kim loại như sắt, thép. Chiếc khung đầm phồng lớn nhất thời đó có đường kính lớn nhất lên tới 1,8m.
Mặc dù giúp váy trông đẹp hơn nhưng khung đầm phồng thật sự là một vật dụng cồng kềnh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì kích thước lớn nên những phụ nữ mặc khung đầm phồng rất dễ vấp ngã, họ cũng gặp nhiều khó khăn khi đi lại, lên xuống tàu xe. Có phụ nữ mặc khung đầm phồng đã kẹt váy vào nan xe và bị kéo lê trên đường, có người đã bị gió cuốn bay khi đứng trên thuyền.
Theo báo cáo ở thế kỷ 19, đã có một số người chết vì mặc khung đầm phồng. Người vợ thứ hai của nhà thơ Henry Wadsworth Longfellow đã chết vì chiếc váy rộng của cô bị bắt lửa. Năm 1863 ở Santiago (Chile), ước tính khoảng 3.000 người đã thiệt mạng trong một vụ cháy lớn ở nhà thờ. Khi vụ hỏa hoạn xảy ra, mọi người đều cố gắng chạy ra ngoài. Tuy nhiên, vì mặc những chiếc váy cồng kềnh nên nhiều phụ nữ bị mắc kẹt ở cửa ra vào, bịt kín lối đi khiến không ai có thể thoát thân khi ngọn lửa bùng lên quá nhanh.
Bài viết tham khảo tư liệu từ Craked, Wikipedia