Cả hai cặp mẹ con này thuộc loài chuột túi nhỏ có tên wallaby của Úc. Tuy chú chuột túi Monica không mắc chứng bệnh bạch tạng, nhưng lại sinh ra một chú chuột túi con mang màu lông trắng muốt của bệnh bạch tạng. Còn chú chuột Emily mắc chứng bệnh bạch tạng lại sinh ra một chú chuột con lông màu nâu. Thật trùng hợp, cả hai ca sinh "ngược đời" này đều xảy ra tại vườn thú Tropical Wings ở South Woodham Ferrers, hạt Essex, Anh.
Chính vì sự "ngược đời" này mà khách tham quan thường bị nhầm lẫn rằng hai chú chuột túi Monica và Emily đang nuôi nhầm "con nhà hàng xóm".
Được biết, trường hợp của Monica chỉ xảy ra với tỷ lệ xác suất rất ít, trong 100.000 ca mới có 1 trường hợp như vậy.
Ông John Ray - nhân viên sở thú nơi đây cho biết: "Đây quả là một trường hợp hiếm có khi chúng phải sống trong môi trường bị nhốt như vậy. Hơn thế, tôi cho rằng trường hợp này chưa từng được ghi nhận trong tự nhiên."
Thông thường, chuột túi wallaby mẹ sẽ nuôi con trong túi khoảng 8 tháng cho tới khi chúng có thể sống tự lập một mình. Lúc mới chỉ là phôi thai, chúng chỉ bé bằng hạt đậu. Sau quá trình thai nghén khoảng 30 ngày, chúng mới được đưa vào túi của chuột túi mẹ và nuôi dưỡng tiếp 5 tháng sau đó.
Vườn thú Tropical Wings cũng đang dự định tổ chức một cuộc thi nhỏ để đặt tên cho hai bé chuột túi đặc biệt này.