Chuyện lạ với Hải quân Nga sau 30 năm "độc lập"

Bảo Lam |

Hạm đội Hải quân Nga ít khi nhận được sự đánh giá tốt từ phía các chuyên gia độc lập và những tổ chức phân tích phương Tây.

Hải quân Nga thụt lùi nghiêm trọng?

Lý do - đó là những vấn đề khách quan liên quan tới chiến lược sử dụng hạm đội, thiếu nguồn lực đầu tư và sự suy yếu của thành phần tàu chiến hạng 1 (choán nước trên 5.000 tấn) - lực lượng đảm bảo sự hiện diện vững chãi của Nga trên đại dương.

Vào thập niên 90, hạm đội Nga bị thu hẹp vài lần so với hạm đội thời Liên Xô, mặc dù kế thừa di sản đồ sộ. Liên bang Nga đã phải chia tay với hàng chục tuần dương hạm, bao gồm cả các tàu sân bay.

Xương sống của lực lượng chiến đấu hiện đại Hải quân Nga chủ yếu là các tàu đổ bộ cỡ lớn, những tàu chống hạm hạng nhỏ, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu phá lôi do Liên Xô sản xuất, các tàu tên lửa hạng nhỏ và xuồng đổ bộ đã lỗi thời.

Những tàu chiến mới có khả năng hoạt động trên biển xa hoàn toàn không nhiều, chủ yếu là các tàu hộ vệ đề án 2230 và đề án 11356R/M. Đặc biệt, trong gần 30 năm "độc lập", Nga không đóng nổi lấy một chiếc tuần dương hạm và khu trục hạm nào.

Chuyện lạ với Hải quân Nga sau 30 năm độc lập - Ảnh 1.

Khinh hạm tên lửa Admiral Grigorovich dự án 11356 của Hải quân Nga.

Đề án "Lider" vẫn chỉ tồn tại trên giấy và dưới dạng các mô hình bằng nhựa đẹp đẽ tại các triển lãm.

Nhưng chính các khu trục hạm và tuần dương hạm mới có thể thực hiện nhiệm vụ phô trương sức mạnh trên đại dương. Mỗi một chiếc tàu loại này – sẽ là một vũ khí chiến đấu đúng nghĩa nhờ có khả năng độc lập tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu (trên bộ, trên biển, dưới biển, trên không).

Hiện nay, trong thành phần Hạm đội hải quân Nga có 7 tuần dương hạm (bao gồm "Đô đốc Kuznetzov") và 4 khu trục hạm. Tất cả chúng đều được chế tạo vào thời kỳ Liên Xô, và hiện nay cần phải được nâng cấp hoặc thay thế.

Các đối thủ ngày càng mạnh

Mỗi năm tình hình đối với Hạm đội hải quân Nga càng xấu đi, bởi vì những láng giềng của Nga trên đại dương tiếp tục gia tăng tiềm lực chiến đấu của họ. Lấy ví dụ, Hạm đội hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay, 12 tuần dương hạm loại Ticonderoga, 66 khu trục hạm loại Arleigh Burke, 2 khu trục hạm Zumwalt.

Một đồng minh mạnh hơn cả của Washington trên biển – Nhật Bản – sở hữu 4 tàu sân bay trực thăng và 40 khu trục hạm.

Hải quân Trung Quốc không thể tự vỗ ngực với những tàu chiến công nghệ cao hạng 1. Tuy nhiên, họ đã rút ngắn được khoảng cách trước các cường quốc biển hàng đầu thế giới mà trước đây tưởng chừng không thể khoả lấp.

Hiện nay, Hạm đội hải quân Trung Quốc mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng từ năm 2014, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc bắt đầu sản xuất các khu trục hạm Type 055 có những tính năng vượt trội hơn hẳn so với bậc tiền bối của mình.

Chuyện lạ với Hải quân Nga sau 30 năm độc lập - Ảnh 2.

Hải quân Mỹ có tới 11 nhóm tác chiến tàu sân bay.

Về số lượng khu trục hạm, thậm chí Hải quân Pháp và Hải quân Hoàng gia Anh cũng vượt xa Hạm đội hải quân Nga. Tuy nhiên, tương quan lực lượng này không ngăn cản được một vài trung tâm nghiên cứu phương Tây đưa ra những kết luận không giống nhau.

Hồi cuối tháng 1, Chuyên gia quốc phòng NATO, ông Richard Connolly, đã đưa ra báo cáo về "Những nền tảng của chính sách quốc gia trong lĩnh vực hải quân giai đoạn đến năm 2030".

Trong đó ông có nhắc tới Sắc lệnh được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành ngày 20/7/2017 về kế hoạch đóng các tàu chiến đa năng khu vực nước sâu (có nghĩa là các khu trục hạm và hàng không mẫu hạm), thuỷ phi cơ, cũng như nâng cấp tên lửa.

Hơn nữa, trong văn bản luật này ghi rõ rằng Nga phải sở hữu "hạm đội mạnh mẽ" để thực hiện các nhiệm vụ tại khu vực cận, xa bờ và trên đại dương.

Tuy nhiên, tác giả của báo cáo khẳng định rằng, trên thực tế Nga đã từ bỏ việc đóng "các tàu chiến mặt nước cỡ lớn" giúp bảo đảm sự hiện diện trên đại dương. Theo ý kiến của ông, Moscow đã đặt trọng tâm vào phòng vệ và vì thế phát triển các tổ hợp tên lửa tầm xa phóng từ tàu chiến và bờ biển.

Cần phải thừa nhận rằng, quan điểm của tác giả không có phải không có cơ sở, mặc dù nó đi ngược với "Những nền tảng hoạt động hải quân". Trong chương trình vũ trang quốc gia được thông qua năm 2018, Nga vẫn ưu tiên hoàn thiện các đơn vị Lục quân và lính dù đến năm 2027.

Chuyện lạ với Hải quân Nga sau 30 năm độc lập - Ảnh 3.

Khinh hạm Adimral Gorshkov thuộc dự án 22350 của Hải quân Nga.

Điều đó có nghĩa rằng, trong những năm tới, hạm đội sẽ được cấp ngân sách ít hơn trước đây. Những kế hoạch tham vọng nêu trong "Những nền tảng hoạt động hải quân" nhiều khả năng sẽ đổ bể vì thiếu tiền.

Trong khi đó, ông Richard Connolly lại hoàn toàn thích thú với chiến lược phát triển mang tính "phòng vệ" của Hạm đội hải quân Nga.

Cụ thể, ông khẳng định rằng, để kiềm toả hải quân các cường quốc lớn, Moscow chỉ cần sở hữu các tàu chiến trung bình trang bị tên lửa tầm xa chính xác cao. Trước tiên đó là các tàu hộ vệ và tàu mang tên lửa hạng nhẹ trang bị các tên lửa "Kalibr".

Định hướng này được các chuyên gia độc lập Nga đặt tên là "hạm đội muỗi". Sự thiếu hụt ngân sách sẽ không tránh khỏi việc Nga sẽ mất một phần các tàu chiến hạng 1 khi còn chưa kịp thay thế chúng bằng các tàu chiến mới.

Nền tảng của Hạm đội hải quân Nga hiện nay bao gồm các tàu chiến hạng 2 và 3, mà có thể hoạt động hiệu quả ở khu vực cận bờ.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là Nga, đương nhiên, có khả năng bảo vệ được lãnh hải của mình. Tuy nhiên để phô trương sức mạnh trên các chiến trường xa xôi (lấy vị dụ ở gần lãnh hải của Syria) trong thời gian tới sẽ vẫn là giấc mơ không thành hiện thực của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại