Ngày 3-4, một lãnh đạo UBND huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo phương án bồi thường, hỗ trợ để thu hồi đất của hộ ông Sùng Seo Lồng (xã Cư San, huyện M'Đrắk).
Ủi đường lập trạm thu phí
Ngày 2-4, có mặt tại khu vực này, phóng viên ghi nhận tuyến đường Trường Sơn Đông từ 2 phía cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn 1 đoạn ngắn đang chuẩn bị thảm nhựa, lưu lượng xe cộ lớn.
Tuy nhiên, còn 1 đoạn khoảng 90m đi qua khu vực đất của hộ ông Sùng Seo Lồng (xã Cư San, huyện M'Đrắk) nối 2 đầu tuyến đường Trường Sơn Đông chỉ mới được san gạt, rộng hơn 3m.
Ngay trên đoạn này, gia đình ông Sùng Seo Lồng đã lập một rào chắn bằng tre chắn ngang lối đi. Mỗi khi có xe cộ đi qua, ông Sùng Seo Lồng ra thu tiền rồi mở rào chắn cho xe qua lại. Trong khoảng 15 phút có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận có hàng chục xe cộ qua lại, trong đó có nhiều xe đầu kéo chở cây keo trong khu vực.
Ông Sùng Seo Lồng cho biết đoạn đường cũ nối 2 đầu của đường Trường Sơn Đông đã bị ngập khi dự án thủy lợi Krông Pắk Thượng tích nước nên ông nảy ra "sáng kiến" kiếm tiền. Ông nhờ máy móc san ủi, mở rộng đoạn dài 90m qua rẫy, nối liền đường Trường Sơn Đông, lập trạm thu phí.
"Tôi đã lập rào chắn, thu tiền xe cộ khi đi qua rẫy khoảng 4 tuần qua. Mức thu tiền đối với xe đầu kéo là 100.000 đồng/lượt, xe ben 4 chân là 80.000 đồng/lượt, xe con là 30.000/lượt, xe máy 10.000 đồng/lượt" – ông Sùng Seo Lồng cho biết.
Theo bản cam kết của nhà thầu thi công đoạn đường này, dự án đường Trường Sơn Đông đi qua đất của hộ ông Sùng Seo Lồng chưa được bàn giao mặt bằng từ Km 542+357,99 đến Km 542+451,48 (93,49m). Nhà thầu này đã mượn đất của ông Sùng Seo Lồng chở vật liệu đi qua thi công đoạn đường phía trong.
Chưa thống nhất hướng giải quyết
Lý giải về chuyện lạ này, một lãnh đạo UBND huyện M'Đrắk cho biết thửa đất số 48 tờ bản đồ số 4 diện tích hơn 12.000m2 (đất rừng sản xuất) của hộ ông Sùng Seo Lồng đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban tỉnh) kiểm đếm ngày 2-4-2020 để thực hiện dự án hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng. Trong đó, có khoảng 2.000m2 thuộc quy hoạch hồ chứa nước Krông Pách Thượng, còn gần 10.000m2 không thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng lòng hồ.
Tháng 12-2020, ông Sung Seo Lồng có đơn đề nghị thu hồi hết diện tích ngoài ranh phạm vi giải phóng mặt bằng lòng hồ và được tỉnh lập phương án bồi thường, hỗ trợ toàn bộ diện tích hơn 12.000m2. Do thời điểm này, đường Trường Sơn Đông chưa đi qua, gần 10.000m2 ngoài phạm vi lòng hồ không có đường nên việc thu hồi, bồi thường hỗ trợ là đúng quy định về Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua thửa đất của gia đình ông Sùng Seo Lồng. Do đó, Kiểm toán Nhà nước cũng có văn bản kiến nghị tách phần diện tích thuộc phạm vi ảnh hưởng của 2 dự án, phần còn lại (khoảng 8.000m2) thì không thu hồi đất để cho hộ gia đình sử dụng.
Từ những phân tích trên, UBND huyện M'Đrắk đã có văn bản đề nghị Ban tỉnh điều chỉnh diện tích thu hồi đất của gia đình ông Sùng Seo Lồng nhưng không được đồng ý. Trước tình hình này, UBND huyện M'Đrắk đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk.
Theo báo cáo, để thực hiện tuyên truyền, vận động ông Sùng Seo Lồng không chặn đường thu tiền, nhận tiền, bàn giao mặt bằng, huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh diện tích thu hồi, bồi thường, hỗ trợ thửa đất của ông Sùng Seo Lồng theo đúng mục đích sử dụng và đúng quy định của pháp luật.
2 dự án trọng điểm
Dự án đường Trường Sơn Đông có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng dài gần 667 km. Dự án đi qua 7 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên từ Quảng Nam đến Lâm Đồng. Dự án hoàn thành có ý nghĩa chiến lược đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, an sinh xã hội và tạo sinh kế cho người dân các địa phương.
Tại huyện M'Đrắk đường Trường Sơn Đông đi qua đoạn dài hơn 20km và hiện đã cơ bản hoàn thành, trừ đoạn khu vực đất của gia đình ông Sùng Seo Lồng và xung quanh.
Còn dự án thủy lợi Krông Pách Thượng có tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng do Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng. Dự án được khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
CLIP: Một hộ dân ủi đất, nối 2 đầu đường ngàn tỉ lập trạm BOT