Nhẹ cân thì... đừng bay
Phi công chiến đấu, kể cả phi công lái tiêm kích F-35, F-22 tối tân do Mỹ chế tạo đều thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị các loại vũ khí của đối phương bắn hạ hoặc máy bay gặp lỗi kỹ thuật buộc phải nhảy dù thoát hiểm. Ưu tiên cao nhất là giữ được tính mạng và không bị chấn thương nặng để có thể tung cánh trở lại bầu trời.
Ấy thế nhưng, với những phi công nhẹ hơn 136 pounds (tương đương 62 kg), nếu họ cầm lái tiêm kích F-35 thì khi phát sinh sự cố, dẫu có bung dù ra được thì rất dễ chết tức tưởi vì bị gãy cổ do hệ thống ghế phóng thoát hiểm và mũ bay có lỗi kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng.
Chính vì thế, dù số lượng phi công có hạn, Không quân Mỹ cũng phải "cắn răng" cấm tất cả những người có trọng lượng nhẹ hơn 62kg không được bay trên tiêm kích F-35. Lệnh cấm trên như một "lời nguyền" và có hiệu lực ngay lập tức.
Nhưng dưới sự nỗ lực không ngừng của các nhà nghiên cứu trong thời gian qua, dường như những lỗi kỹ thuật này đang dần được khắc phục và Không quân Mỹ đã sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm trên, sớm nhất là vào tháng 4 tới đây.
Thử nghiệm ghế phóng thoát hiểm của tiêm kích F-35.
Tuy nhiên, ghế phóng dù US16E do hãng Martin-Baker chế tạo được cho là vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được các nhà chức trách.
Thậm chí, nếu hệ thống thoát hiểm mới đáp ứng được yêu cầu, chưa chắc chúng đã được đồng ý đưa vào sử dụng ngay vì còn phải tiếp tục trải qua một cuộc thử nghiệm nữa nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng trong tương lai, tướng Scott Pleus, người đứng đầu văn phòng điều phối chương trình F-35 của Không quân Mỹ tiết lộ.
Trước đó, trong năm 2015, Không quân phát hiện ra rằng những phi công có trọng lượng nhẹ hơn 62kg sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị gãy cổ rất cao khi nhảy dù thoát hiểm. Do vậy họ đã cấm những người này không được bén mảng vào buồng lái F-35 và ngay lập tức, Không quân Mỹ mất 1/3 phi công đã và đang được đào tạo để lái dòng tiêm kích tối tân này.
Một chiếc tiêm kích F-35 gặp nạn, đâm đầu xuống đất.
Hy vọng đang lớn dần
Hiện nay, các thử nghiệm đối với hệ thống thoát hiểm sau khi sửa lỗi đã gần như hoàn thành và Văn phòng điều phối chương trình F-35 (JPO) đã đệ trình các tham số, dữ liệu lên Trung tâm Quản lý vòng đời hoạt động của Không quân - đơn vị có chức năng đánh giá tình trạng hoạt động, tướng Pleus tuyên bố với trang tin Defense News hôm 10/2.
Một thử nghiệm cuối cùng vẫn còn ở phía trước, đó là màn trình diễn về môi trường điện tử, đã được lên kế hoạch vào tháng 3 nhằm đánh giá hệ thống ghế phóng thoát hiểm có hoàn hảo hay không trước khi chính thức được cho phép đưa vào sử dụng. Sau khi đánh giá dữ liệu, các chuyên gia Không quân sẽ tiến hành một báo cáo cuối cùng.
"Theo yêu cầu, hệ thống ghế phóng phải có các thông số kỹ thuật và có khả năng thoát hiểm an toàn cho các phi công trong dải trọng lượng từ 103 pound tới 245 pound (46,72 - 111,13kg), một khi Không quân xác nhận rằng ghế phóng thực sự đáp ứng được, ngay lập tức chúng tôi sẽ dỡ bỏ lệnh cấm", tướng Pleus.
Phi công Mỹ trên buồng lái tiêm kích F-35.
"Nếu ghế phóng "thoát hiểm" được, sẽ mất ít nhất vài tháng để thay thế các ghế phóng cũ trên máy bay, sau đó chúng tôi mới "mở cửa" chào đón các học viên phi công nhẹ cân".
Được biết, Martin-Baker và Rockwell Collins đã có 3 sự thay đổi lớn để hệ thống ghế thoát hiểm an toàn đối với các phi công nhẹ cân gồm có: 1 hệ thống nút bấm thoát hiểm trên ghế phóng US16E, thay đổi khả năng chịu tải của dù để phù hợp với phi công ở mọi hạng cân và thêm một tấm đỡ giúp bảo vệ đầu và phi công trước áp lực của vụ nhảy dù.
Bên cạnh đó, trọng lượng mũ bay do Rockwell Collinshelmet chế tạo cũng đã giảm từ 5,1 xuống 4,6 pound (2,31 xuống 2,09kg).
Với số lượng máy bay tiêm kích F-35 dự kiến được đặt mua cho Không quân lên tới 1.763 chiếc, tướng Pleus tin rằng, nên nghiên cứu thêm một hệ thống ghế thoát hiểm khác để dự phòng trường hợp tiếp tục phát sinh sự cố đối với loại ghế US16E.
Quả thực Chương trình tiêm kích F-35 gặp quá nhiều trắc trở, tuy nhiên gần đây các lời chỉ trích, "ném đá" đang ngày càng bớt đi. Không quân Mỹ hy vọng mọi sự rồi sẽ suôn sẻ.