Dự án khủng mọc sát thân đập thủy lợi
Một dự án "khủng" được xây dựng trên thân đập hồ Ea Kao.
Hồ Ea Kao nằm cách TP. Buôn Ma Thuột 12km về hướng Đông Nam, thuộc xã Ea Kao. Hồ được hình thành do việc chặn dòng suối Ea Kao từ cách đây hàng chục năm, được đưa vào vận hành từ năm 1983.
Năm 2005, hồ được cải tạo, nâng cao trình và bê tông hóa bờ đập. Công trình do Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình Thủy lợi Ea Kao quản lý.
Đây là hồ nước nhân tạo, có diện tích mặt nước rộng hơn 65ha, dung tích gần 18 triệu m3 nước. Công trình hồ đập này có nhiệm vụ phục vụ việc tưới cho 2.250 ha lúa và cà phê trên địa bàn.
Mặc dù công trình xây cách đỉnh đập 3,5m, nhưng vẫn được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép đầu tư. |
Gần đây, dư luận hết sức lo ngại khi một dự án hàng chục tỷ đồng mọc lên ngay cạnh thân đập hồ Ea Kao, xâm lấn, uy hiếp hành lang an toàn hồ đập.
Qua tìm hiểu được biết, đây là dự án Điểm sinh hoạt văn hóa thể thao xã Ea Kao, chủ đầu tư là Công ty TNHH xây dựng cầu đường Hoàng Nam, tại 174 Y Jút, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Điểm sinh hoạt văn hóa thể thao xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư theo Quyết định Chủ trương đầu tư số 1984/QĐ-UBND ngày 6/7/2016, do ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1966, trú tại số 149 đường Y Jút, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột là người đại diện theo pháp luật.
Bờ rào kiên cố, kè móng chắc chắn của công trình sai phạm.
Đây là dự án công viên vui chơi, dã ngoại; bể bơi, sân vận động và các dịch vụ nhà hàng, quán ăn. Dự án có tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là 11 tỷ đồng, số còn lại là vốn vay. Tiến độ thực hiện từ quý III/2016 đến quý I/2019.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày 6/7/2016. Diện tích mặt đất sử dụng khoảng 30.000m2, với các hạng mục: công trình vui chơi giải trí cộng đồng và sinh hoạt văn nghệ, khu vực rèn luyện thể thao 8.060m2; hoa viên cây xanh, đường đi bộ 21.940m2.
Dự án được xây dựng ngay sát đỉnh đập hồ Ea Kao.
Theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND tỉnh Đắk Lắk, dự án này được miễn 25 năm tiền thuê đất, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất.
Hết thời hạn được miễn tiền thuê đất thì được giảm 85% tiền thuê đất cho thời gian thuê đất còn lại, trong thời hạn được thuê đất.
Dự án uy hiếp hồ đập
Điều đáng nói là, dự án này được triển khai xây dựng ngay trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Ea Kao, thuộc TP. Buôn Ma Thuột, do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình (QLCT) thủy lợi Đắk Lắk quản lý.
Công trình cách đỉnh đập chỉ 3,5m.
Có mặt tại đây, PV không khỏi ngỡ ngàng bởi hai khuôn viên rộng hàng chục ngàn mét vuông được xây dựng với hệ thống hàng rào kiên cố cao khoảng 2m, cổng ra vào được đổ bằng bê tông cốt thép rất hoành tráng.
Trao đổi với PV, một cán bộ của Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT Đắk Lắk) cho hay, hàng rào của dự án này được xây cách mép ngoài của đỉnh đập chỉ 3,5m.
Khu vực công trình vui chơi giải trí cộng đồng và sinh hoạt văn nghệ, rèn luyện thể thao với tổng diện tích 8.060m2 cơ bản đã hoàn thành và trong trạng thái kín cổng cao tường.
Cổng vào được xây dựng hết sức kiên cố và vững chãi, cổng đặt một tấm đá lớn khắc chữ “Điểm văn hóa xã Ea Kao”.
Dự án vui chơi giải trí cách đập thủy lợi chỉ 3,5m
Phía bên trong, mấy dãy nhà được dựng lên tương đối khang trang. Sân tennis trong nhà cũng đã hoàn thiện. Đặc biệt, một ngọn núi nhân tạo to lớn, sừng sững mọc lên giữa khu vực này.
Khu vực hoa viên cây xanh, đường đi bộ với diện tích 21.940m2, đang được chủ đầu tư vận chuyển hàng ngàn mét khối đất về san lấp mặt bằng.
Một ngọn núi nhân tạo to lớn, sừng sững trong khuôn viên dự án.
Khu vực hoa viên cây xanh, đường đi bộ với diện tích 21.940m2.
Ông Nguyễn Văn H. (60 tuổi, người sống gần đó) cũng rất băn khoăn: “Hồ Ea Kao phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn ha, nên rất quan trọng.
Riêng dung tích gần 20 triệu m3, thuộc loại đập cấp II nên cần phải được bảo vệ an toàn nghiêm ngặt. Vì thế, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập, từ chân đập trở ra không được xâm phạm là 50m.
Tại sao chính quyền lại chấp thuận chủ trương cho xây dựng công trình sát đỉnh đập khi công trình có thể gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình? Hành lang bảo vệ thân đập bị xâm lấn, xây dựng trái phép sẽ khiến không có đường quản lý, không có mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình chẳng may xảy ra sự cố”.
Chủ đầu tư đang vận chuyển hàng ngàn mét khối đất về san lấp mặt bằng.
Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện Công ty Hoàng Nam cho biết: “Vừa rồi Thanh tra của Sở Xây dựng, Phòng Quản lý chất lượng của Sở Xây dựng cùng các cơ quan đồng loạt xuống thanh kiểm tra.
Tất cả đều đúng quy định, thiết kế được duyệt sao thì chúng tôi xây y như vậy”.
Ông Nam cho rằng, dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, Sở Xây dựng thẩm định, các sở ngành đồng ý nên mới làm.
Theo Khoản 3, Điều 25 Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10, ngày 4/4/2001 về Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, phạm vi vùng phụ cận của công trình thủy lợi được quy định như sau: a) Đối với đập của các hồ chứa nước, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập từ chân đập trở ra: Đập cấp I tối thiểu là 300m, phạm vi không được xâm phạm là 100m sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập. Đập cấp II tối thiểu là 200m, phạm vi không được xâm phạm là 50m sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập. Đập cấp III tối thiểu là 100m, phạm vi không được xâm phạm là 40m sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập. Đập cấp IV tối thiểu là 50m, phạm vi không được xâm phạm là 20m sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập. Đập cấp V tối thiểu là 20m, phạm vi không được xâm phạm là 5m sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập. |