Không ăn gì trong suốt 1 năm nghe có vẻ như một điều bịa đặt.
Tuy nhiên, theo như các báo cáo y khoa ghi lại được, trong quá khứ (hay cụ thể là vào năm 1966), đã từng có một người đàn ông nhịn ăn tổng cộng 382 ngày liên tục mà vẫn sống sót để kể lại toàn bộ quá trình kì diệu ấy - anh Angus Barbieri.
Chân dung anh Angus Barbieri.
Người đàn ông không cần ăn mà vẫn khỏe
Angus, 27 tuổi, là một người đàn ông Scotland bị béo phì, nặng 207 kg vào thời điểm năm 1965.
Cũng vào năm đó, Angus đã tới Bệnh viện Hoàng gia Dundee Scotland để tìm kiếm sự giúp đỡ cho tình trạng của mình.
Các bác sĩ chuyên khoa khi đó đã gợi ý anh thử phương pháp nhịn ăn ngắn ngày, song cũng không hi vọng anh sẽ cải thiện được cân nặng.
Trái ngược với phỏng đoán của các y bác sĩ, Angus đã tuân thủ rất nghiêm ngặt chế độ nhịn ăn, thậm chí còn hào hứng khi nhìn vào cân nặng trong mơ ở phía trước.
Tuy đã được cảnh báo về những biến chứng có thể gặp phải nếu nhịn quá 40 ngày, Angus vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục nhịn, để rồi vài ngày chuyển thành hàng tuần, đến tháng trời. Sau 1 năm ròng rã, Angus vẫn không ăn dù chỉ một chút thức ăn thể rắn nào.
Trong khoảng thời gian này, Angus chỉ tồn tại bằng lượng chất béo có trong mỡ, đồng thời uống bổ sung vitamin (bao gồm kali và natri), trà, cà phê và nước lọc có ga với tất cả đều chứa thành phần tự nhiên, không calo, để nhằm mục đích duy trì các chức năng sinh học cần thiết trong cơ thể.
Vì lẽ đó, quá trình đào thải chất bã (đi nặng) của anh cũng diễn ra không thường xuyên, nếu không muốn nói là rất ít: 37-48 ngày/lần.
Hình ảnh trước -sau khi nhịn ăn của Angus.
Ngoài việc ở nhà hầu hết thời gian, Angus chỉ ra ngoài vài lần để khám sức khỏe định kì.
Việc kiểm tra đường huyết vẫn được anh thực hiện thường xuyên; từ đó, các bác sĩ có cơ sở khẳng định Angus đã nhịn ăn thực sự, khi thấy mức đường huyết trong máu anh giảm xuống còn rất thấp so với ban đầu.
Nhưng bất ngờ thay, sức khỏe của Angus vẫn được duy trì ở tình trạng ổn định suốt cả quá trình. Anh không có triệu chứng gì đáng lo ngại, vẫn cảm thấy khỏe mạnh và đi lại bình thường, theo báo cáo ghi lại.
Bữa ăn đầu tiên sau 382 ngày
382 ngày trôi qua, vào ngày 11 tháng 7 năm 1966, Angus mới chính thức chấm dứt quá trình nhịn ăn của mình.
Anh giảm tổng cộng 125 kg, xuống chỉ còn 82 kg từ cân nặng 207 kg ban đầu.
Hàng loạt các tờ báo đã đưa tin về trường hợp này của Angus, một trong số đó là tờ Chicago Tribune với tiêu đề gây sốc: "Người đàn ông Scotland ăn bữa ăn ở thể rắn lần đầu tiên sau 392 ngày".
Bài báo của Chicago Tribune về trường hợp của Angus.
Tuy tiêu đề bài báo ghi số ngày nhịn ăn là 392, một báo cáo đáng tin cậy hơn đăng tải bởi tạp chí khoa học Postgraduate Medical vào năm 1973 đã khẳng định thời gian nhịn ăn là 382 ngày, theo như chính các bác sĩ đã từng chăm sóc Angus Barbieri.
Bữa ăn đầu tiên sau hơn 1 năm trời nhịn ăn của Angus là một quả trứng luộc, một lát bánh mỳ phết bơ và một tách cà phê đen.
Trước đó, anh còn cho biết mình đã "quên cả mùi vị thức ăn". Trao đổi với phóng viên sau bữa ăn, Angus chỉ đáp vỏn vẹn: "Tôi rất thích món trứng của mình và hiện đang thấy rất no."
Bữa ăn đầu tiên của Angus sau 382 ngày nhịn ăn.
Theo các bác sĩ khoa y thuộc Đại học Dundee, sau 5 năm, Angus vẫn giữ được cân nặng mình ổn định ở mức 89 kg (chỉ tăng 7 kg sau khi kết thúc quá trình nhịn ăn).
Những câu hỏi xoay quanh giới hạn của con người
Tại sao một người vẫn có thể sống khỏe mạnh sau khi nhịn ăn suốt 382 ngày?
Câu hỏi trên đã tiếp nhận vô vàn những lời giải đáp khác nhau, một trong số đó là của tiến sĩ khoa học người Úc - ông Karl Kruszelnick - đăng tải trên trang web khoa học của đài phát thanh Úc năm 2012.
“Sau khoảng từ 2-3 ngày nhịn ăn, nguồn năng lượng nuôi sống bạn sẽ chủ yếu đến từ mỡ.
Các phân tử chất béo trong mỡ sẽ phân hủy thành hai chất riêng biệt: glycerol (có thể chuyển hóa thành glucose) và các axit béo tự do (có thể chuyển hóa thành các chất có tên là ketone).
Cơ thể và não bộ của bạn hoàn toàn có thể hoạt động bằng glucose và ketone cho đến khi lượng chất béo dự trữ cạn kiệt.” - tiến sĩ Karl cho biết.
Nói theo cách khác, một người trưởng thành có thể nhịn ăn dài ngày nếu dự trữ một lượng chất béo đủ để nuôi sống cơ thể.
Đó là lí do tại sao vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhịn ăn là một phương pháp rất được ưa chuộng bởi nhiều bác sĩ điều trị béo phì.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh lại rằng cách làm này sẽ đem lại những biến chứng, hậu quả khó lường, đôi khi đòi hỏi người nhịn ăn phải trả giá bằng cả mạng sống.
Angus vẫn sống khỏe mạnh sau quá trình nhịn ăn dài ngày, nhưng trường hợp của anh chỉ là thiểu số...
Khác với Angus, tài liệu năm 1973 cũng ghi lại nhiều trường hợp nhịn ăn dài ngày, điển hình nhất là 5 người đã nhịn ăn quá 200 ngày.
Điều đáng nói ở đây là một phụ nữ trong số 5 người đó đã tử vong ở ngày 210, chỉ một thời gian ngắn sau khi cô ăn trở lại.
Vì thế, trường hợp của Angus phần nhiều vẫn chỉ mang tính tham khảo, và bằng mọi cách không nên được áp dụng vào đời sống thực, đơn giản bởi vì cơ thể người vốn không được thiết kế để chịu đựng quá trình nhịn ăn, siết cân quá cực đoan như vậy.