Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam

Bài: Tuấn Anh - Trình bày: Linh Chi |

Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ Cao Nhất Linh (85 tuổi, trú tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn miệt mài theo đuổi việc học hành với tinh thần say mê. Hiện tại, cụ Linh đang là sinh viên năm thứ 2 của Khoa Luật Kinh tế.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 1.
Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ Cao Nhất Linh (85 tuổi, trú tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn miệt mài theo đuổi việc học hành với tinh thần say mê. Hiện tại, cụ Linh đang là sinh viên năm thứ 2 của Khoa Luật Kinh tế.

Cứ đều đặn mỗi tuần 4 buổi, cụ lại dậy từ rất sớm để làm vệ sinh cá nhân và rời nhà vào lúc 6h30 sáng để đến giảng đường đại học.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Cụ Linh từng trải qua nhiều nghề như thợ nề, thợ mộc, công nhân... bươn chải suốt đời, ngày nào cũng đầu tắt mặt tối nhưng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày. Tích cóp số tiền kiếm được, cụ Linh mua sách vở về tự học.

Ngày thì đi làm, tối lại tranh thủ luyện chữ, đọc sách để nâng cao trình độ.Nói về việc học của mình, cụ Linh cho biết: “Từ nhỏ tôi đã thích đọc sách và học đại học luôn là một ước mơ cháy bỏng trong tôi.

Nhưng ngày còn trẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm nên vừa xong tiểu học tôi đã phải nghỉ để bươn chải đủ nghề kiếm sống”.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Đến năm 1947, khi đang là công nhân xây dựng tại Sơn La, cụ đã tự học xong hệ Tú Tài. Đến năm 1968, cụ Linh thi đỗ tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc văn hóa tại Hà Nội.

"Hồi nhỏ khi còn đi học, tôi nổi tiếng cả làng về việc học hành. Ai cũng khen là học giỏi nhưng cuộc sống khiến mình không thể học lên cao. Mình đành phải tự đọc, tự học. Tôi học mọi lúc mọi nơi, cứ rảnh lại lôi sách ra đọc.

Có đêm khó ngủ, lại ngồi dậy đọc sách, khi nào mỏi thì lại đi nằm. Chính nhờ những kiến thức tích lũy trong thời gian tự học đó mà tôi có đủ vốn để hoàn thành chương trình học phổ thông”, cụ Linh kể.

Nuôi ước mơ học đại học nên đến năm 2017, cụ Linh nộp hồ sơ thi vào Khoa Luật Kinh tế – Đại học Đông Đô và vừa đủ điểm đỗ.

Nhớ lại ngày nhận được thông tin đỗ đại học, cụ Linh cười nói: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu thích các môn như Triết học, Văn, Sử, Địa và đặc biệt yêu thích ngành luật.

Khi biết được thông tin qua báo chí rằng trường Đông Đô có ngành luật nên tôi đã nộp hồ sơ thi vào đó, lần thứ hai mới đỗ. Lúc nhận điểm, biết mình đỗ đại học, tôi vui sướng lắm vì ước mơ cả đời của mình đã thành sự thật”.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 5.
Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Cụ Linh kể, trước đó do sợ mọi người phản đối mình đi học nên cụ giấu gia đình chuyện này, chỉ kể cho vợ nghe. Mặc dù chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ gặp sự phản đối nhưng không ngờ cụ Linh lại được sự ủng hộ hết mình của cụ bà. Không chỉ vậy, vợ cụ Linh còn đưa tiền tiết kiệm để cụ đóng học phí.

Cụ Linh cho biết, tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học qua báo chí, rồi tự mình chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu. Ban đầu cụ dự định thi Đại học Luật Hà Nội, nhưng sau đó lại chuyển hướng sang Trường Đại học Đông Đô cho gần nhà.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Cụ Linh kể: “Ngày đầu tiên đến trường đại học nộp hồ sơ, các cô giáo còn tưởng tôi đi nộp hồ sơ cho cháu. Lúc tôi bảo đến đăng kí theo học thì ai cũng bất ngờ. Sau đó, chính thầy hiệu trưởng tìm gặp tôi để nói chuyện, động viên tôi đi học”.

Quá ngưỡng mộ tinh thần học tập của cụ Linh, vị hiệu trưởng đã quyết định giảm 50% học phí cho cụ. Đến đầu năm 2018, cụ Linh được đặc cách xét duyệt vào Khoa Luật kinh tế. Cụ cũng là thí sinh duy nhất của trường được miễn thi tuyển đầu vào. Vào thời điểm đó, lớp Luật kinh tế đã học xong 1 học kỳ và vừa kết thúc thời gian thực tập. Mặc dù học muộn, là một người đến sau nhưng cụ Linh lại bắt nhịp khá nhanh với các thành viên trong lớp này.

Nói về việc học, cụ Linh cho biết: “Tôi thích học tất cả các môn nhưng học tốt nhất là các môn luật kinh tế vĩ mô, luật đất đai, luật hôn nhân và gia đình. Tôi từng đạt nhiều điểm cao các môn này. Riêng môn tin học là làm tôi vất vả nhất vì chưa bao giờ đụng đến”.

Ngày đầu đến lớp, cả lớp có 50 sinh viên thì ai cũng phải ngạc nhiên khi nhìn thấy cụ Linh đi vào lớp. Một số người còn không tin cụ là sinh viên của lớp, khi được giáo viên giải thích thì cả lớp vỗ tay.

Cho đến tận bây giờ, cụ Linh vẫn giữ được thói quen đọc sách nên việc học các tài liệu của môn luật với cụ không có mấy khó khăn.

Mỗi ngày cụ dành 5-6 tiếng cho việc đọc sách và làm bài tập trên lớp. Từ ngày đi học đại học, cụ chuyển sang ở một mình một phòng để tiện việc thức đêm học bài, tránh làm phiền đến giấc ngủ của vợ.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Trong căn phòng nhỏ của cụ, sách vở được bày biện la liệt khắp nơi. Vài cuốn sách chuyên ngành luật vẫn mở để trên bàn học.

Cụ ông 85 tuổi cho biết, cụ đọc đi đọc lại những cuốn sách yêu thích, sau đó tự mình tổng kết ghi chép lại vào vở. Nhờ cách học này mà các môn chuyên ngành Luật cụ nắm rất vững và nhớ rất lâu.

Suốt gần 2 năm đi học, với thời gian học 4 buổi/tuần, từ 8h sáng đến 11h trưa nhưng cụ Linh chỉ hai lần nghỉ học. Đó là hai ngày mưa quá lớn nên cụ không thể đạp xe đến trường. Bù lại, cụ Linh lại dành thời gian ở nhà đọc sách, nghiên cứu tài liệu và làm thơ.

“Đi học ở cái tuổi này đã đem lại cho tôi nhiều thứ, giúp tôi thấy vui vẻ hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, tâm trí minh mẫn hơn. Và quan trọng tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Tôi chả sợ khó khăn gì khi đi học ở thời điểm hiện tại.

Trái lại bản thân tôi còn thấy khi đi học cùng các cháu trong lớp giúp tôi trẻ ra nhiều hơn", cụ Linh cười nói.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 9.

Được biết, hiện tại cụ Linh hiện đang là Chủ tịch Hội thơ Đường luật quận Bắc Từ Liêm, bản thân cụ đã sáng tác được 3.000 bài thơ với hơn 35 tập thơ theo các chủ đề khác nhau.

Cụ nói, bản thân thường làm thơ theo cảm hứng, cụ thích vịnh lại thơ Hồ Xuân Hương, thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có những bài thơ cụ sáng tác chỉ vài phút là xong, nhưng cũng có những bài phải mất thời gian đào sâu suy nghĩ.

Nói về mơ ước của mình, cụ móm mém cười cho biết: “Tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để có thể lấy bằng đại học như tâm nguyện và kịp cho ra đời thêm vài tập thơ mà mình đang ấp ủ”.

Chia sẻ về niềm đam mê học tập của chồng, cụ bà Đỗ Thị Đông (88 tuổi) cho biết, từ ngày cụ ông đi học, cụ bà chuyển lên phòng khác ngủ để cụ ông yên tĩnh đọc sách. Buổi sáng, cụ dậy sớm tiễn chồng đến trường.

“Từ ngày ông ấy đi học, tôi thấy ông minh mẫn hơn, vui vẻ hơn. Hôm nào đi học về, ông ấy cũng hào hứng kể chuyện trên lớp cho tôi nghe. Hồi đầu, vì không muốn các con phải lo lắng nên chúng tôi giấu kín việc ông ấy đi học.

Gần đây, khi báo chí đưa tin, mọi người biết chuyện, ai cũng vui và động viên ông ấy cố gắng. Nếu tốt nghiệp, ông ấy sẽ là người đầu tiên trong gia đình có bằng đại học”, cụ Đông kể.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 10.

Nhận xét về “học sinh đặc biệt” của mình, cô Vũ Thanh Hải, chủ nhiệm lớp Luật Kinh tế – Đại học Đông Đô Hà Nội cho biết, dù lớn tuổi nhưng cụ Linh có tinh thần đam mê học tập rất đáng ngưỡng mộ.

Cụ Linh đi học rất chăm chỉ, ghi chép đầy đủ các môn học. Trong học kỳ này, cụ học tốt nhất là môn Xây dựng Văn bản Pháp luật và từng được 9 điểm bài thi. Môn Tiếng Anh tuy học không tốt lắm nhưng cụ cũng đã có thể tự giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh.

“Lúc đầu tôi cũng lo không biết cụ có đủ sức khỏe, minh mẫn để theo học không nhưng đến giờ thì rất bất ngờ vì cụ bắt nhịp rất nhanh. Cụ đi học rất đúng giờ, chăm chỉ và rất ít nghỉ học.

Trong lớp, cụ cũng hay giơ tay phát biểu, giọng nói của cụ to, rõ ràng, chữ viết đẹp, văn phong mạch lạc.

Ở trên lớp, cụ không cần ai giúp đỡ mà tự học, tự đọc, tự viết, nhiều em sinh viên trong lớp còn phải hỏi bài của cụ ấy, ví dụ như các môn Luật Đất đai và Luật Hôn nhân và gia đình”, cô Hải chia sẻ.

Chuyện kì lạ về sinh viên Luật cao tuổi nhất Việt Nam - Ảnh 11.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại