Cô Zoe Stephens đáp chuyến bay tới đảo quốc Tonga nhỏ bé nằm ở Nam Thái Bình Dương để nghỉ ngơi trong vòng 1 tuần vào tháng 3/2020.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch của cô gái trẻ người Anh. Hiện tại, cô Stephens vẫn bị mắc kẹt trên đảo suốt 18 tháng qua.
Trước đây, cô Stephens (27 tuổi) từng có thời gian 2 năm rưỡi sinh sống ở Trung Quốc, trước khi lên đường đi du lịch khắp châu Á và tới quần đảo Fiji.
Đại dịch Covid-19 khiến cô gái Anh có kế hoạch đi du lịch 1 tuần ở quốc đảo Tonga, nhưng lại bị mắc kẹt trên đảo suốt 18 tháng. (Ảnh: CNN)
Dù vào thời điểm cô Stephens lên kế hoạch tới thăm đảo quốc Tonga, tin tức thời sự khắp thế giới đã đề cập liên tiếp tới đại dịch Covid-19, nhưng cô gái trẻ không mấy bận tâm.
“Tôi chắc chắc mình là một trong số ít người trên thế giới chưa phải đeo khẩu trang. Tôi không cần đeo khẩu trang trong suốt giai đoạn cả thế giới trải qua dịch bệnh. Tôi nghĩ sẽ có chút kỳ quái khi đi vào thế giới mà xung quanh bạn ai cũng đeo khẩu trang”, cô Stephens hài hước chia sẻ với CNN.
Cho tới nay, Tonga vẫn là một trong số ít địa điểm trên thế giới hoàn toàn chưa biết tới đại dịch Covid-19.
Trong thời gian mắc kẹt ở Tonga, nơi dân số chỉ có hơn 100.000 người, cô Stephens đã bắt đầu học trực tuyến chương trình Thạc sĩ ngành truyền thông quốc tế và hiện sống trong một ngôi nhà ven biển.
Theo cô Stephens, dù Tonga chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào nhiễm virus corona, nhưng người dân trên đảo vẫn bị tác động lớn vì dịch bệnh Covid-19.
“Ở đây không có Covid-19, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy dường như nó đang ở quanh đây. Không phải là chúng tôi không bị tác động vì dịch bệnh”, cô Stephens nói.
Giống như bao người khác, cô Stephens vẫn rất bình thản khi nghe tin tức thời sự nói về dịch Covid-19 trong thời kỳ đầu. Nhưng sau khi rời Trung Quốc để tới thăm Hàn Quốc và cũng đúng lúc số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, cô Stephens đã có chút lo lắng. Song ngay cả khi tình hình dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng và nhiều nước tuyên bố phong tỏa biên giới, cô Stephens vẫn chọn đi du lịch để tránh phải đi cách ly khi trở về Trung Quốc.
Tới khi đặt chân tới Tonga sau chuyến bay từ Fiji, cô Stephens mới biết rằng Tonga sẽ cho phong tỏa và cô sẽ phải ở lại đây một thời gian dài hơn so với dự định ban đầu là đi du lịch trong vòng 1 tuần.
Tonga ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và quốc gia này cho tới nay vẫn cho đóng cửa các đường biên giới, cũng như không đón tiếp người nước ngoài.
Cô gái trẻ học cách thích nghi với cuộc sống ở Tonga trong thời gian mắc kẹt trên đảo. (Ảnh: CNN)
Trong vài tháng đầu tiên sinh sống ở Tonga, cô Stephens vẫn hy vọng có thể sớm trở lại Trung Quốc và chỉ cần ngồi chờ đợi cho tới khi các đường biên giới được mở lại.
Thậm chí, cô gái trẻ còn bỏ qua chuyến bay hồi hương từ Tonga tới châu Âu, bởi bản thân cho rằng cô sẽ sớm mua được vé máy bay để trở về Trung Quốc.
Sau nhiều tháng cố gắng nhưng thất bại, cô Stephens đã chấp nhận sự thật. “Tôi đã từ bỏ ý định. Tôi biết Trung Quốc sẽ không sớm cho mở cửa biên giới trở lại”, cô Stephens cho hay.
Những ngày tháng sống ở Tonga, cô Stephens phải đấu tranh tư tưởng để bản thân không chán nản và thích nghi dần với cuộc sống ở địa phương. Để tránh nhàm chán, cô Stephens vẫn theo dõi tình hình gia đình và bạn bè sinh sống ở Anh trong giai đoạn Covid-19. Còn hàng ngày, cô gái trẻ giữ cho tinh thần lạc quan khi dậy sớm, dắt chó đi dạo trên bãi biển và sau đó tham gia lớp học trực tuyến. Đôi khi, cô đi chèo thuyền và đi lặn sau đó chia sẻ hình ảnh với bạn bè trên Instagram và YouTube.
Theo kế hoạch, cô Stephens sẽ trở về Anh vào cuối tháng Tám này. Nhưng sau nhiều lần hy vọng suốt 18 tháng qua, cô gái trẻ trở nên thận trọng hơn và không kỳ vọng quá nhiều.
“Lịch trình chuyến bay thay đổi thường xuyên, nên tôi cũng không hy vọng gì nhiều. Rời khỏi nơi đây sẽ khiến tôi vừa vui vừa buồn, vì thực tế tôi đã khá quen với cuộc sống ở Tonga”, cô Stephens tâm sự.
Điều đáng nói, Tonga đã nhận được 24.000 liều vắc-xin Covid-19 theo chương trình viện trợ COVAX. Cô Stephens nằm trong số những người sống ở Tonga đã được tiêm đủ liều.
Tonga có tới 22,1% dân số sống dưới mức đói nghèo, trong khi hệ thống và trang thiết bị y tế chỉ có hạn. Do đó, nếu dịch Covid-19 tấn công, Tonga khó có thể chống cự trước đại dịch.