"Chuyện không ai nói" sau 2 hội nghị Bộ chính trị TQ hé lộ Bắc Kinh đang thực sự rối trí

Hải Võ |

Cho đến nay chưa có thông báo nào từ Bắc Kinh về việc tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc chưa xác định được thời gian tổ chức Hội nghị trung ương 4

Hội nghị Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ, do chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, đã khép lại hôm thứ Tư (31/10) mà không có một thông báo nào về việc triệu tập hội nghị toàn thể, theo thông lệ thường diễn ra vào mùa thu hàng năm, của Ủy ban trung ương đảng.

Hội nghị trung ương 4 khóa 19 của ĐCSTQ - dự kiến diễn ra trong cuối năm nay - được các nhà phân tích dự đoán tập trung vào những vấn đề chính sách kinh tế trung và dài hạn.

Trong vài thập niên qua, những hội nghị trung ương vào giai đoạn cuối của năm tiếp theo sau khi Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng thường được xem là cuộc họp quan trọng số 1 của gần 400 nhân vật đứng đầu đảng.

Đây thường là thời điểm mà ban lãnh đạo - sau 1 năm nắm giữ chức vụ mới trong đảng - công bố các chương trình cải cách quan trọng và dự thảo kinh tế mới. 

Tháng 10 năm ngoái, ĐCSTQ đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 19, với việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức Tổng bí thư và bước vào nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai.

Chuyện không ai nói sau 2 hội nghị Bộ chính trị TQ hé lộ Bắc Kinh đang thực sự rối trí - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Tại hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa 11 vào tháng 12/1978, Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng công cuộc "cải cách mở cửa" để đưa Trung Quốc lên con đường từng bước tự do hóa nền kinh tế.

Một hội nghị quan trọng khác cũng diễn ra vào mùa thu là năm 1993, khi ban lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố ủng hộ khái niệm "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa".

Năm nay, Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 40 năm tiến hành công cuộc cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, nhưng một vài nhân tố mơ hồ vẫn tồn tại xoay quanh lộ trình của đất nước.

Bộ chính trị Trung Quốc lần đầu thừa nhận có sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế, trong khi dư luận e ngại về sụt giảm ở thị trường chứng khoán và khu vực kinh tế tư nhân. Viễn cảnh u ám bắt đầu lan tỏa ở Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài từ mùa hè, mà nay đang leo thang thành mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực - từ công nghệ đến địa chính trị, hay quốc phòng an ninh.

Có nhiều kỳ vọng rằng phiên toàn thể trung ương vào mùa thu sẽ giúp đưa ra một định hướng rõ ràng mà Trung Quốc sẽ đi theo, cũng như biện pháp cụ thể để đối phó với sóng gió do chiến tranh thương mại và kinh tế tăng trưởng chậm đem tới.

Nhưng đến nay, khi tháng 9 và tháng 10 đã trôi qua, thông tin về Hội nghị toàn thể trung ương 4 vẫn hoàn toàn im ắng.

Bộ chính trị Trung Quốc ngày 31/10 đưa ra cảnh báo về "sức ép tăng trưởng đi xuống" đang dồn lên nền kinh tế, và "những thay đổi sâu sắc" ở môi trường bên ngoài. Cơ quan quyết sách cao cấp này cũng vạch ra mục tiêu "nhìn về phía trước" và "kịp thời" đưa ra kế hoạch mới củng cố thị trường chứng khoán cùng kinh tế tư nhân.

"Chúng ta cần tăng cường cải cách mở cửa để tập trung vào những vấn đề cốt lõi với những giải pháp mục tiêu... Chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ và kiên quyết thực hiện được tăng trưởng chất lượng cao," tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn thông cáo từ hội nghị Bộ chính trị.

Chuyện không ai nói sau 2 hội nghị Bộ chính trị TQ hé lộ Bắc Kinh đang thực sự rối trí - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị toàn thể thứ 1 của Ủy ban trung ương ĐCSTQ khóa 19, tháng 10/2017 (Ảnh: Xinhua)

Chuyện không ai nhắc đến

Trey McArver, đồng sáng lập hãng nghiên cứu cố vấn Trivium China tại Bắc Kinh, gọi đây "là câu chuyện lớn nhất, hoặc chẳng phải chuyện gì, ở Trung Quốc lúc này".

"Khi họ không xác định thời gian [tổ chức hội nghị trung ương] trong kỳ họp Bộ chính trị vào tháng 9, tôi đã bất ngờ. Nhưng tôi còn sốc hơn khi hầu như không một ai đề cập gì đến hội nghị toàn thể," ông nói với SCMP.

SCMP cho hay, thông thường các Hội nghị trung ương 3 của Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu. Hội nghị trung ương 1 giới thiệu ban lãnh đạo mới, diễn ra ngay sau Đại hội đảng; và Hội nghị trung ương 2 thảo luận vấn đề nhân sự nhà nước, chính phủ cho kỳ họp Quốc hội tháng 3 hàng năm.

Nhưng kể từ Đại hội 19 đến nay, ĐCSTQ đã triệu tập 3 hội nghị toàn thể, với kỳ họp thứ ba vào đầu năm nay, nhằm thông qua đề xuất sửa đổi điều khoản trong hiến pháp liên quan đến nhiệm kỳ của chủ tịch và phó chủ tịch Trung Quốc.

Giáo sư Chen Daoyin, thuộc Đại học chính pháp Thượng Hải, đánh giá nhiều chuyển biến đã diễn ra kể từ Hội nghị trung ương 3 khóa 19.

"Hồi tháng 3, ban lãnh đạo của ông Tập vẫn đầy tự tin về tương lai phát triển của Trung Quốc,... " ông Chen nói. "Nhưng đến nay, người dân phổ thông ở Trung Quốc bắt đầu mất dần hy vọng vào sự phát triển của nền kinh tế."

Bắc Kinh "án binh" chờ kết quả bầu cử Mỹ?

Theo thông lệ của ĐCSTQ, thời gian tổ chức hội nghị toàn thể trung ương sẽ được nêu trong thông cáo hội nghị Bộ chính trị - kỳ họp thường diễn ra vào giai đoạn cuối hàng tháng. Với kỳ họp tháng 10 đã khép lại, phiên họp thường kỳ tiếp theo của Bộ chính trị Trung Quốc sẽ phải đợi đến nửa sau của tháng 11.

Ông Chen Daoyin nhận xét, việc trì hoãn tổ chức hội nghị toàn thể trung ương có thể là tín hiệu vẫn còn sự thiếu đồng thuận trong ban lãnh đạo Trung Quốc về giải pháp ứng phó những thách thức đang mạnh lên đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Ông nói thêm, Bắc Kinh cũng có thể đang "án binh" chờ đợi kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ - tổ chức ngày 6/11 tới - và cuộc gặp giữa ông Tập với tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G20 ở Argentina trong tháng 11, nhằm đưa ra đánh giá tốt nhất.

"Nhân tố cốt lõi dẫn đến thay đổi trong tình hình mà Trung Quốc phải đối mặt trong năm qua chính là nhân tố Mỹ," ông Chen bình luận. "Rất khó để ban lãnh đạo Trung Quốc đưa ra hành động cụ thể vào thời điểm này, khi còn nhiều nhân tố chưa xác định."

Còn theo nhà sử học Trung Quốc Zhang Lifan, ngay cả khi đảng Cộng hòa của ông Trump bị thất bại trong bầu cử giữa kỳ thì cũng khó có khả năng Washington xuống thang trong sức ép với Bắc Kinh.

"[Bắc Kinh] có thể đang trì hoãn [hội nghị trung ương]... và chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ," ông Zhang nói. "Nhưng tôi ngờ rằng kết quả đó sẽ có tác động gì lớn. Việc dồn ép Trung Quốc đã là nhận thức chung của hai đảng Mỹ."

Ông Zhang cũng tin rằng giới tinh hoa trong ĐCSTQ chưa đạt nhận thức chung về lộ trình tương lai của đất nước.

"Chúng ta sẽ tiếp tục cải cách và mở cửa, hay theo đuổi chiến lược tự lực cánh sinh? Dường như vẫn chưa có đồng thuận cao trong đảng," ông Zhang nói.

Bầu không khí lặng lẽ ở Bắc Kinh lúc này trái ngược với những động thái chuẩn bị rầm rộ khi Trung Quốc tổ chức hội nghị toàn thể trung ương tháng 11/2013 - một năm sau khi ông Tập trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ.

Thời điểm đó, lịch trình hội nghị được thông báo trước 3 tháng, sau phiên họp của Bộ chính trị vào tháng 8/2013. Hai tuần trước hội nghị, ông Du Chính Thanh - Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc thời điểm đó - cam kết với người dân rằng kỳ họp sẽ mang lại những cải cách kinh tế-xã hội "chưa từng thấy". Kết quả hội nghị này đã thông qua hơn 300 phương án cải cách cụ thể ở 60 nội dung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại