Những người Việt ở Biển Hồ (Campuchia) xuôi theo dòng nước trở về Việt Nam, sống tạm bợ ở khu vực hồ Dầu Tiếng. Họ không có tài sản, không có quốc tịch, không có điều kiện sinh sống đảm bảo.
Những dãy nhà lụp xụp, tạm bợ ven hồ Dầu Tiếng (ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh) là nơi cư ngụ của khoảng 250 hộ dân với khoảng 1000 nhân khẩu và được người dân gọi là xóm Việt Kiều. Gọi là nhà nhưng thực chất là những chiếc lán dựng lên tạm bợ từ vài khúc cây, ba tấm ván, miếng bạt rách nát.
Một hộ dân mới chuyển tới xóm Việt Kiều sinh sống. Ngôi nhà di động sơ sài tới mức gió có thể thổi bay bất cứ lúc nào. Cuộc sống khó khăn đeo bám, kiếm miếng ăn còn khó, không ai ở đây dám nghĩ tới một căn nhà tốt hơn.
Đa số người dân xóm Việt Kiều sống ở Campuchia nhiều năm trước, gắn bó với công việc đánh bắt cá và buôn bán nhỏ. Khi cuộc sống tha hương ngày càng khó khăn, họ dắt díu nhau trở về Việt Nam mong được ổn định hơn. Mỗi ngày, người thì đi đánh cá, người làm thuê để mưu sinh.
Những đứa trẻ lớn phải phụ cha mẹ trông em, làm việc nhà... Nhiều em khác phải đi chài lưới, bán vé số hoặc quét lá cao su với thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày.
Những đứa trẻ ở xóm Việt kiều này đều hao hao nhau với làn da đen nhẻm, tóc vàng cháy vì suốt ngày phơi nắng.
Lúc rảnh rỗi, những đứa trẻ lại túm tụm lại vui chơi với nhau. Suốt ngày chỉ loanh quanh trong xóm, chúng hầu như không tiếp xúc với trẻ em đồng trang lứa bên ngoài.
Những chú chó người bạn thân thiết với những đứa trẻ.
Niềm vui nhỏ nhoi của trẻ em xóm Việt Kiều là được nô đùa, bơi lội bên bờ hồ Dầu Tiếng mỗi ngày. Chúng sinh ra vốn đã lênh đênh sóng nước, tha hương cầu thực đến bây giờ cuộc sống vẫn vô định.
Sống trong cảnh nghèo, đa số trẻ em xóm Việt Kiều không được đi học. Chúng vô tư sống, mong được bữa cơm no chứ chưa từng nghĩ về ước mơ của bản thân mình.
Một số đứa trẻ có điều kiện hơn thì được đi học tại nhà một cô giáo cách xóm khoảng 3km, với giá mỗi buổi học 3.000 đồng.
Chiếc máy cũ kĩ được dùng nghe nhạc, xem phim bằng băng đĩa là phương tiện giải trí duy nhất của cả xóm. Không có điện, bình ắc quy là nguồn năng lượng dự trữ để thắp sáng, xạc điện thoại,... Mỗi khi bình hết điện phải mang ra khu vực thị trấn để xạc.
Cá được đánh bắt để làm thức ăn mỗi ngày, nếu ăn không hết thì muối, phơi khô dự trữ để ăn dần.
Nếu thấy ánh mắt vô định của trẻ em nơi đây ắt ai cũng không khỏi ái ngại và thương cảm