Sau khi được VinFuture 2022 vinh danh giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ với công trình phân lập gene Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn, giáo sư Pamela Christine Ronald (Mỹ) cho biết, sẽ quyên góp phần lớn giải thưởng cho Quỹ Hebrew Immigrant Aid Society (HIAS) - hỗ trợ người tị nạn.
"Bố tôi gốc là người Do Thái. Khi thế chiến thứ 2 nổ ra, ông "chạy trốn" khỏi Đức Quốc xã sang Cuba, rồi đến Mỹ. Ông không có gì và cũng chẳng biết gì cả do không hiểu ngôn ngữ. May mắn, ông được Quỹ HIAS hỗ trợ vượt qua thời kỳ khó khăn đó. Gia đình tôi vô cùng biết ơn và luôn tìm cách giúp đỡ những người Do Thái, người nhập cư khác trời thời gian qua, như một cách đền đáp", bà nói.
Giáo sư Pamela Christine Ronald phát biểu khi nhận giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ của VinFuture tối 20/12.
Giống lúa đặc biệt
Giáo sư Pamela C.Ronald (sinh năm 1961) đang làm việc tại khoa Bệnh học thực vật và Trung tâm bộ gene tại, Đại học California (Mỹ). Bà được biết đến là người tìm ra giống lúa biến đổi gene Sub1 sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng lâu ngày và cho năng suất cao.
Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nói về cơ duyên đưa mình đến với công trình lớn này, nữ giáo sư kể, năm 1995, bà tham gia dự án nông nghiệp và khám phá về quá trình phân tách gene. Khi ấy, nhiều người nông dân bị mất mùa do ảnh hưởng của tình trạng lũ lụt và có tới 4 triệu tấn gạo bị phá hủy vì những trận lũ mỗi năm. Bà cũng từng tới Bangladesh - quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng. Những hình ảnh tại đất nước ấy để lại ấn tượng sâu sắc với giáo sư.
Do vậy, khi được đồng nghiệp - Dave McKill - lúc này đang nghiên cứu phát triển khả năng chịu ngập của các giống lúa - mời cùng tham gia vào quá trình phân tách loại gene lúa có khả năng chịu ngập, bà Pamela lập tức đồng ý.
Một giống lúa mang loại gene mới có thể tồn tại 2 tuần trong điều kiện ngập nước được giáo sư Pamela C.Ronald và đồng nghiệp phát triển thành công. Khi ấy, phần lớn các giống lúa trên thế giới không thể sống quá 3 ngày trong điều kiện tương tự. Giống lúa này sau đó đã tới tay 6 triệu người nông dân Ấn Độ, Bangladesh và chứng minh được khả năng trong thực tiễn.
"Nhiều người khi nghe về công trình khoa học, nghiên cứu của tôi nghĩ khá đơn giản, chỉ cần tìm gene, phân tách, cô lập và tạo gene mới khả năng chịu ngập cho cây lúa là thành công. Nhưng để tìm ra được hướng đi như vậy không dễ dàng, tôi và các nhà khoa học phải mất tới gần 50 năm mới có thể tìm, cô lập gene, tạo tiền đề cho giống lúa Sub1 ra đời", bà nói. Sau khi tìm và cô lập gene, các nhà khoa học sẽ đi vào quá trình thử nghiệm trên thực địa, điều này đòi hỏi thời gian dài, kiên trì.
Không dừng lại ở việc tạo ra giống lúa Sub1, bà Pamela cho rằng, đôi khi, các trận lũ có thể kéo dài hơn thời gian 2 tuần, như vậy giống lúa Sub1 cũng sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, bà và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nâng cao hơn nữa khả năng tồn tại trong tình trạng ngập nước của các giống cây.
Bên cạnh đó, giáo sư cũng tiếp tục thực hiện quá trình nhân giống và phát triển giống cây mới. Theo bà, giống cây hiện nay có khả năng tồn tại trong tình trạng ngập nước, nhưng lại đối mặt với một số loại sâu bọ gây hại mới. Do đó, nhóm nghiên cứu của chúng bà vẫn không ngừng nghiên cứu để phát triển khả năng chống lại các loại sâu bọ này.
GS Pamela cùng các cộng sự thực địa sự phát triển giống lúa Sub1 tại Ấn Độ.
Chỗ dựa vững chắc
Để đạt kết quả như hôm nay, bà Pamela nói lúc nào cũng có hai người đàn ông quan trọng dõi theo, truyền cảm hứng và động viên bà.
"Sau khi đến Mỹ, bố tôi được đưa vào danh sách người tị nạn. Sống 12 năm không có quốc tịch, ông phải chịu nhiều thiệt thòi, không có cơ hội phát triển, học tập.
Ông luôn dạy chúng tôi, không phải ai cũng được hưởng điều kiện về giáo dục và cơ hội để phát triển bản thân, còn rất nhiều người nhập cư, yếu thế cần giúp đỡ. Từ nhỏ, tôi luôn tự ý thức mình cần phải đóng góp cho xã hội như một cách để đền ơn", bà nhớ lại. Đó là cảm hứng giúp bà tìm thấy tình yêu với khoa học cây cỏ, thiên nhiên. Bà chọn theo học chuyên ngành cử nhân về sinh vật học.
Người đàn ông thứ 2 là chồng bà Pamela. Ông ấy không phải nhà khoa học, ông là người nông dân chuyên sản về hữu cơ.
"Ông ấy và tôi cùng một mục tiêu: làm sao để tăng tỷ lệ nuôi sống số người dân trên thế giới mà không gây nên sự hủy hoại môi trường. Chính xác hơn là hướng đến nông sản không thuốc trừ sâu hoá học, không độc hại", bà nói và cho biết bản thân học hỏi được rất nhiều từ chồng. Hai người luôn dành thời gian thảo luận, cùng tìm hiểu về các ứng dụng mới có thể hữu ích cho nông dân.
"Tôi là người làm nghiên cứu liên quan đến khoa học, phòng lab..., còn chồng tôi ví như người thực hành, trồng trọt ở nông trường. Chúng tôi bù đắp kiến thức lý thuyết và thực tiễn cho nhau để tạo nên sự hoàn hảo ngày hôm nay", chủ nhân giải Đặc biệt VinFuture nói.
Chia sẻ bí quyết vừa thành công trong công việc, vừa có hôn nhân gia đình hạnh phúc, giáo sư Pamela cho rằng chúng ta phải học cách cân bằng cuộc sống và vượt qua được định kiến, khó khăn.
"Ngoài thời gian theo đuổi đam mê khoa học, tôi vẫn không quên các công việc gia đình, chăm sóc chồng con. May mắn, tôi có được sự chia sẻ, giúp đỡ từ chồng chăm sóc con mỗi khi bận, tôi yên tâm công tác hơn, nhưng không vì thế mà tôi ỉ nại", bà nói.
Về phương pháp làm việc, vị nữ giáo sư này cho rằng, quan trọng nhất là sự tò mò của bản thân và động lực. Bạn phải thực sự hứng thú với công việc đang làm và bị thôi thúc muốn làm công việc đó. Tất nhiên, bạn cũng cần một môi trường để duy trì niềm đam mê của mình. Ngoài ra, việc duy trì thói quen đọc và viết cũng là những điều cần thiết. "Tôi luôn dành nhiều thời gian để viết ra các ý tưởng hoặc nói cho mọi người nghe về ý tưởng của mình. Đây là chìa khoá mà tôi nghĩ rất quan trọng", bà chia sẻ.
Lời khuyên cho nông sản Việt
Bà Pamela nhận định, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như lũ lụt, bão, lũ quét.... Những hiện tượng thời tiết cực đoan này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của cả nước, đặc biệt là lúa gạo.
Vì vậy, ngoài việc bảo tồn các giống lúa hiện tại, Việt Nam cần hỗ trợ cho các dự án phát triển giống lúa mới. Trong đó, giáo sư người Mỹ nhấn mạnh về giống lúa chịu mặn, trong bối cảnh tình trạng ngập mặn đang diễn ra ở nhiều nơi và người nông dân sẽ cần những biện pháp để ứng phó.
Giáo sư Pamela Christine Ronald.
Theo giáo sư Pamela C.Ronald, tại Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ có gia đình làm nghề nông, nhưng phần lớn trong số này đều chung suy nghĩ làm nghề này sẽ không giúp họ kiếm ra tiền và phát triển. Trong khi đó, thực tế, nông nghiệp và đặc biệt là nghiên cứu trong lĩnh vực này, đang phát triển rất nhanh ở quy mô toàn cầu. Vì thế, những người theo đuổi nghiên cứu nông nghiệp sẽ có hội học tập và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.
"Các bạn trẻ có thể theo đuổi các lĩnh vực như di truyền học, nhân giống cây và cơ hội học lên cao học. Những kiến thức học được sẽ giúp bạn có những phát minh và khám phá mà một ngày nào đó có thể giúp ích trực tiếp cho chính của gia đình bạn", giáo sư Pamela Christine Ronald nói.
Quan trọng hơn, theo bà, việc giáo dục và truyền cảm hứng đóng vai trò quan trọng giúp những người trẻ tuổi hiểu rằng "làm nông nghiệp cũng hoàn toàn có thể dẫn tới thành công".
Nữ giáo sư nói tại phòng thí nghiệm nơi bà đang làm việc cũng có một nhà khoa học tới từ Việt Nam. Bà khẳng định, được làm việc với nhà khoa học Việt là "điều tuyệt vời".