Chuyện ít biết về nhà khoa bảng là em trai danh tướng Nguyễn Tri Phương

Trần Siêu |

Danh tướng Nguyễn Tri Phương có một người em trai đỗ đại khoa, trở thành một học giả hàn lâm uyên bác, một vị quan thanh liêm...

Đền thờ Tam công ở Đồng Nai.

Nguyễn Duy - dù là một đại thần triều Nguyễn, một nhà khoa bảng đã hi sinh trong trận Đại đồn Chí Hòa. Song có lẽ vì công nghiệp và danh tiếng của người anh - danh tướng Nguyễn Tri Phương quá lớn nên vị trí, vai trò của Nguyễn Duy chưa được sử sách đề cập một cách đúng mực, công bằng như những danh nhân khác, mà thường chỉ đề cập sơ qua khi nói về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Tri Phương.

Bạc đầu gió bụi lòng ai vững

Nguyễn Duy tên đầy đủ là Nguyễn Văn Duy, sinh ngày 21/12 năm Kỷ Tỵ (1809), tại làng Đường Long (tức Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Tương truyền, từ thuở nhỏ Nguyễn Duy đã thông minh hiếu học, năm Đinh Dậu (1837) đỗ Tú tài, năm Thiệu Trị nguyên niên đỗ Cử nhân khoa Tân Sửu (1841). Năm sau (Nhâm Dần - 1842), ông tham gia thi Đình đỗ hàng Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân.

Tra trong sách “Quốc triều khoa bảng lục” do Cao Xuân Dục ghi lại họ tên, quê quán các thí sinh, khoa Nhâm Dần (1842) đúng là có tên Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy. Theo đó, khoa thi này Hoàng Đình Tá đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ. Nguyễn Văn Duy đứng hàng thứ 9 trong 11 Tiến sĩ hàng Đệ tam giáp, phía sau còn 6 vị hàng Phó bảng là Nguyễn Văn Tố, Đỗ Đăng Đệ…

Sau khi đỗ đạt, năm 1843 Nguyễn Duy được bổ dụng làm Biên tu ở Nội các, năm sau thăng Tu soạn, năm 1845 được bổ Tri phủ Tân An ở Gia Định, năm 1847 chuyển về làm Tri phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cùng trong năm này, thân phụ ông mất, ông phải về cư tang. Đến năm sau (1848), ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Năm 1851, Nguyễn Duy được thăng Tập hiền viện Thị độc sung giảng sách ở Tòa Kinh diên. Năm 1852, ông làm Thị giảng học sĩ. Cùng năm này ông được sung vào phái bộ đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), Nguyễn Duy được cử làm Ất phó sứ. Theo tài liệu của ông Nguyễn Tri Thứ (thuộc dòng họ Nguyễn Duy), thì khi ra tới ải Nam quan, giặc biên thùy Trung Quốc đánh phá, đường đi bị trở ngại ở nhiều nơi, sứ bộ phải vất vả lắm mới vượt qua được vùng giặc mà sang Trung Quốc (Giáp phó sứ Nguyễn Hữu Huyên – còn có tên là Nguyễn Hữu Hằng bị ốm chết dọc đường).

Khi về phải đi bằng đường biển, theo lộ trình Bắc Kinh – Thiên Tân – Thượng Hải – Hương Cảng – Hải Phòng rồi Huế. Ba năm ròng rã (1852 – 1855), chịu đựng không biết bao nhiêu gian khổ hiểm nguy, với trách nhiệm bảo toàn quốc thể và duy trì mối bang giao Trung – Việt, giữ sự an bình cho nước cho dân. Nguyễn Duy đã hoàn thành sứ vụ.

Ngày về, ông được vua Tự Đức cho mời vào điện và phán rằng: “Đường đi muôn dặm thật khó khăn hiểm trở, mà một mình chịu nỗi gian nguy suốt ba năm trường thật đáng thương”, liền thưởng cho một Kim khánh hạng Trung, có bốn chữ “Cần lao khá lục”, ý nói là siêng năng chịu khó, đáng được nêu lên hàng đầu, lại còn tặng thêm một bài thơ, trong đó có đoạn: Bạc đầu gió bụi lòng ai vững/ Gian khổ sứ đoàn ý trẫm thương/ Sóng lặn ngày nào nơi Bột hải/ Chiếc bè quay lại thấy Trương Công.

Sau khi đi sứ về, Nguyễn Duy được thăng hàm Hồng lô tự khanh, sung chức Biện lý bộ Lại kiêm Nội các, làm việc tại triều đình.

Bản đồ Sài Gòn và phòng tuyến trận Đại đồn Chí Hòa.

Tiến sĩ đi đánh trận

Năm 1856, tàu chiến Pháp đến khiêu khích ở Đà Nẵng, ông được phái vào giúp Tổng đốc Quảng Nam là Đào Trí lo chống ngăn. “Đại Nam thực lục chính biên”, chép: “Tháng 9 sai Hồng lô tự khanh sung làm việc ở Nội các là Nguyễn Duy đi kíp đến đồn cửa biển Đà Nẵng, hội cùng Đào Trí bàn làm công việc Trấn Dương…

Án sát sứ là Tôn Thất Dũng, Lãnh binh quan là Phạm Truật cũng vì tội sơ phòng (khi thuyền Tây dương mới đến)… Chuẩn cho trước hãy cách chức, tạm giao Đào Trí, Nguyễn Duy sai phái, nếu có một chút sợ lùi, lập tức đem chém trước quân để răn bảo mọi người… Xuống sắc khẩn đòi viên quản đạo Phú Yên là Trần Đình Túc (nguyên xin về chung dưỡng), chuẩn cho đi theo Nguyễn Duy làm việc quân thứ”.

Khi việc tạm yên, Nguyễn Duy đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tổ chức phòng thủ ở Đà Nẵng. Ông cùng Đào Trí đem các sự nghi, dâng sớ tâu: Đặt đồn Trấn Dương ở chóp núi Sơn Trà, để 20 khẩu đại bác; Xin từ thanh An Hải đến núi Sơn Trà, từ thành Điện Hải đến cửa Thanh Khê đều đắp lũy cát, trồng gai góc ngăn giữ; Xin triệt bãi đồn nhứt đồn nhì.

Đây là một kế hoạch phòng thủ chiến lược rất có hiệu quả, vì không những đã bảo vệ được Đà Nẵng, mà đặc biệt đã “bịt kín” cửa sông Hàn, có dòng chảy thông đến Ải vân quan – cửa ngõ duy nhất để tiến đánh ra Huế.

Về sau, khi mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng bùng nổ (ngày 1/9/1858), nhiều trận đánh đã xảy ra ở nơi này. Nguyễn Duy là một trong số hiếm hoi những người đã có mặt sớm nhất trên hai mặt trận lớn – Quảng Nam Đà Nẵng và Gia Định, trước cả anh của ông và nhiều người khác.

Chỉ trong bốn tháng (từ tháng 9/1858 - 1/1859), Nguyễn Duy đã đánh thắng giặc nhiều trận. Trong đó, có thể liệt kê theo sách “Đại Nam thực lục chính biên”: Thuyền của quân Tây dương (8 chiếc) tiến vào sông Nại Hiên, sông Hàn, Nguyễn Duy chia quân đánh được thắng. Trận xảy ra giữa hai đồn Nại Hiên và Hóa Khuê (khoảng ba bốn trăm tên), Nguyễn Duy bắn vào giặc phải lui.

Quân địch tấn công Hóa Khuê, Thạc Gián, ước 700 tên… Nguyễn Duy đánh nhau với quân Tây dương một trận thật to, suýt chút nữa ông bị giặc bắt sống. Nguyễn Tri Phương khi ấy bận đi khám đồn Chân Sảng vắng. Đào Trí, Chu Phúc Minh cũng không kịp đến cứu viện.

Quân Tây dương vây cả ba đồn, Nguyễn Duy chia quân phục đánh. Quân Pháp đánh vỡ Hạ đồn. Phúc Minh chạy vào đồn cố thủ. Nguyễn Duy đem bọn Phan Gia Vinh (Phó quản cơ sung Phó vệ uý) đến cứu đánh giết quân Tây dương phải lui. Và trước sự chiến đấu dũng cảm của quân dân ta, giặc Pháp đã không vượt qua nổi. Ý đồ đánh chiếm Huế nhanh chóng bị sụp đổ.

Nhận xét về Nguyễn Duy trên mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng, Nguyễn Khắc Đạm trong “Nguyễn Tri Phương đánh Pháp”, đã viết: “Đặc biệt là Nguyễn Duy đã tỏ ra rất linh hoạt, vì không những đã làm đầy đủ bổn phận trên trận địa do mình phụ trách, mà có lần còn kịp thời đem quân ứng cứu Chu Phúc Minh khiến cho thế trận chung vẫn được giữ vững”.

Khu lăng mộ Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm tại Thừa Thiên Huế. Vua Tự Đức cho xây dựng đền Trung Hiếu ở Phong Chương để thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương, em trai Nguyễn Duy và con trai Nguyễn Lâm.

Giữ lòng trung thanh thản lìa đời

Năm 1859 thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Duy sung chức Tán lý đạo Định Biên trông coi việc quân sự.

Vào đến Biên Hòa (tháng 3/1859), Nguyễn Duy đã tổ chức vùng đất này thành một hậu phương vững mạnh, ngoài ra ông đã tập hợp được dân phu trai tráng của cơ Biên Dũng, cùng với những nghĩa sĩ nghĩa dân yêu nước, bên cạnh số quân sẵn có ở Biên Hòa, lập thành một đơn vị quân đội – Đây chính là tiền thân của cánh quân triều đình Huế, mà nhiều sử sách đã đề cập: Một ở Biên Hòa, một ở Gia Định và một ở Tân An, lập thế ỷ dốc – ứng cứu nhau lúc cần thiết.

Và mặc dù lực lượng của Pháp lúc này rất ít nhưng chủ tướng Tôn Thất Cáp vẫn chủ trương cố thủ. Thấy quân lực của mình dường như bất động, vua Tự Đức phái Tham biện các vụ Huỳnh Văn Tuyên vào điều tra.

Nghe ông Tuyên về báo cáo, là Tôn Thất Cáp có tinh thần khiếp nhược, trước sau chỉ muốn hòa, nhà vua liền giáng Tôn Thất Cáp xuống Thị lang, Tán lý Nguyễn Duy xuống Lang trung, nhưng vẫn phải ở Gia Định chiến đấu.

Năm 1860, Nguyễn Tri Phương được sung chức Gia Định quân thứ, trông coi việc quân sự ở miền Nam, Nguyễn Duy tòng sự dưới quyền của anh trai. Ngày 24/2/1861, Thủy sư đô đốc là Charner đánh phá Đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương trấn giữ.

Dữ dội và ác liệt nhất là vào ngày 25/2, trận chiến diễn ra từ tờ mờ sáng, kéo dài cho đến tối và kết thúc với cảnh máu đổ thịt rơi ở Trung và Hậu đồn (tức đại đồn Phú Thọ – chỗ đóng quân của Gia Định quân thứ Nguyễn Tri Phương).

Giặc hung hãn tràn vào, không cách gì ngăn nổi. Vòng ngoài biền binh tự nhiên tan vỡ, còn các viên phụ trách tiền đồn là Hồ Hóa, Lê Tố bỏ chạy. Trước tình hình tồi tệ, Nguyễn Duy chỉ còn cách lấy chính thân mình ngăn giặc. Ông bày ra một “Gia Định quân thứ” giả, bằng cách nhập vai vào thế chỗ.

Bao nhiêu sức tấn công của địch chỉ nhắm vào mỗi hướng này. Nguyễn Duy chỉ huy quân chống trả, đánh chặn quyết liệt, cố làm sức tấn công của kẻ thù chậm lại để quân nhà Nguyễn có đủ thì giờ rút quân. Tại đây, Nguyễn Duy và người phụ tá của ông là Tán tương Tôn Thất Trĩ đã tử trận.

Một số tư liệu ghi chép có nhắc tới thi hài ông lúc đó bị đạn pháo làm biến dạng, không còn nhận ra được. Nhờ vào dấu áo và chiếc đai lưng mà quân sĩ biết chủ tướng mình đã hi sinh, họ cố đưa thi hài của ông về chôn tạm ở Biên Hòa.

Lúc ấy tình hình quân sĩ đã hoàn toàn hoảng loạn, quân mất tướng, giặc tràn vào ồ ạt. Quân lính dưới quyền của ông là những người đã thoát ra sau cùng, có số thương vong rất lớn – ít nhất 300 người đã hi sinh tại vị trí này. Dưới áp lực của quân Pháp, cuối cùng Nguyễn Tri Phương cũng rút tàn quân về được Biên Hòa.

Sau khi Nguyễn Duy mất, triều đình truy tặng hàm Binh bộ Tả tham tri và được thờ tại đền Trung Nghĩa, đền Trung Hiếu cùng anh là Nguyễn Tri Phương và cháu là Phò mã Nguyễn Lâm.

Trước cái chết anh dũng của nhà khoa bảng Nguyễn Duy, Tùng Thiện vương Miên Thẩm đã làm bài thơ thật đẹp, thật xúc động: “Tự bãi kế thành vành (vàng) ao nóng/Phép tổng nhung thôi cũng bỏ qua/Bại vong phép nước chẳng tha/Đã đành giáng truất còn ra khinh hình/ Sức kiệt vẫn chút xin đền đáp/Nghĩ ân sâu nước mắt tuôn rơi/Đường cùng gặp lũ thú người/Bất ngờ chúng cũng khiếp oai lôi đình/Phút tựu nghĩa thân mình sá quản/Giữ lòng trung thanh thản lìa đời/Phổi gan đỏ lựng ánh trời/Thây đầu trận gió nồng hơi trận tiền/Thu cốt cậy anh em cật ruột/Hồn bay lên sáng rực tựa sao/ Vẻ người lính giáp hồng hào/Thân không vẫn dáng chiến bào uy nghiêm/Bẻ giáo múa bao phen vì nước/Chiến công nay sắp tạc nét vàng/Sự tình tỏ một vài chương/ Dài than mong thỏa chút hương hồn người”.

Khu lăng mộ (Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm) và nhà thờ Nguyễn Tri Phương nay thuộc xã Phong Chương (Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Ngoài đền thờ họ Nguyễn Tri ở Thừa Thiên Huế, tại phường Bửu Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng có một đền thờ Tam công mà trong đó Nguyễn Tri Phương được xem là Thành hoàng của địa phương. Bên tả và hữu chính điện thờ hai vị Tán lý quân vụ Nguyễn Duy (em ruột Nguyễn Tri Phương) và Phò mã Nguyễn Lâm (con Nguyễn Tri Phương).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại