Đó là ngày mà thảm họa máy bay Munich xảy ra, khiến 23 người mất đi mạng sống. 8 trong số ấy là cầu thủ Man United thuộc thế hệ vàng mà mọi người vẫn gọi trìu mến bằng cái tên "Những đứa trẻ của Busby".
Quỷ đỏ không đầu hàng sau thảm họa khủng khiếp ấy. Họ tiếp tục chiến đấu và lọt vào tận trận chung kết FA Cup năm 1958.
Ngày nay, khi nhắc tới thảm họa Munich, người ta thường nhớ về những người đã sống sót và giành cúp C1 mùa giải 1967/68 như Sir Matt Busby hay Sir Bobby Charlton hay 8 cầu thủ tài năng đã mãi mãi nằm xuống.
Từ trái sang: Jimmy Murphy, Bobby Charlton và Sir Matt Busby.
Nhưng có một nhân vật mà nếu ông không đứng vững trong những ngày đầy tang tóc ấy, chưa chắc Man United tiếp tục tồn tại. Quỷ đỏ sau này dùng tên ông để đặt cho giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa giải, Jimmy Murphy.
Quay trở lại năm 1958, Jimmy Murphy khi đó là trợ lý cho Sir Matt Busby kiêm HLV đội tuyển xứ Wales. Khi Man United hành quân đến Belgrade trong khuôn khổ lượt về tứ kết cúp C1, ông cùng xứ Wales bước vào trận play-off giành vé dự World Cup.
Ngày hôm ấy, lẽ ra Jimmy Murphy phải là người hạnh phúc nhất. Xứ Wales đánh bại Israel và lọt vào VCK World Cup, còn Man United thì vượt qua vòng tứ kết.
Tuy nhiên, khi vừa trở về Old Trafford, chưa kịp uống xong ly Scotch tự tưởng, ông đã nghe thư ký Alma George thông báo tin sét đánh: "Máy bay bị tai nạn. Rất nhiều người đã chết". Phải nghe đến lần thứ ba, Jimmy Murphy mới hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Với vị trợ lý này, "Những đứa trẻ của Busby" chẳng khác nào người thân của ông. Jimmy Murphy chịu trách nhiệm tuyển chọn và đào tạo họ từ đội trẻ, ngày nắng cũng như ngày mưa gắn bó bên nhau.
Jimmy Murphy trong một buổi tập.
Tại Munich ít ngày sau đó, Jimmy Murphy phải chứng kiến những học trò yêu quý cũng như bạn bè mình bị thông báo là "đã thiệt mạng" hoặc đối mặt với tử thần.
Người đàn ông xứ Wales đã giấu chặt nỗi đau khủng khiếp vào bên trong và bình tĩnh trả lời báo chí, an ủi gia đình các cầu thủ và động viên những người sống sót.
Ngay cả con trai Jimmy Murphy cũng chưa từng thấy ông tỏ ra khổ sở hay suy sụp vì vụ tai nạn tại Munich. Mãi tới sau này, Sir Bobby Charlton mới kể lại: "Một ngày nọ, người ta phát hiện Jimmy Murphy đang nép mình trong một hành lang và thổn thức khóc, trái tim của ông ấy như tan thành từng mảnh nhỏ".
Lúc ấy, BLĐ Man United có ý định tạm dừng hoạt động của CLB. Jimmy Murphy, bằng lòng quyết tâm và những lời lẽ đanh thép, đã thuyết phục mọi người rằng: Tương lai Man United sau này thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta hành động hôm nay.
Hàng loạt cuộc điện thoại được gọi đi, Jimmy Murphy gõ cửa từng đội bóng để tìm mọi cách đưa về những cầu thủ mới cho Man United. 13 ngày sau thảm họa Munich, Quỷ đỏ đánh bại Sheffield Wednesday với tỉ số 3-0 tại FA Cup.
Jimmy Murphy (trái) hoàn tất hợp đồng chiêu mộ Stan Crowther (giữa) chỉ 55 phút trước khi Man United bước vào trận đấu với Sheffield Wednesday. Ông đã phải kìm nén nỗi đau để vực dậy Quỷ đỏ.
Jimmy Murphy đón Bobby Charlton về Anh, thuyết phục Billy Foulkes tiếp nhận chiếc băng đội trưởng. Man United lọt vào tới tận chung kết FA Cup năm ấy và chỉ chịu thua trước Bolton.
Sau khi Matt Busby trở lại, Jimmy Murphy tiếp tục công việc trợ lý tại Old Trafford suốt đến lúc nghỉ hưu, bỏ qua những lời mời hấp dẫn từ Brazil hay Juventus.
Năm 1968, Man United giành chức vô địch C1. Người ta bối rối không hiểu tại sao Jimmy Murphy lại gần như vắng mặt trong các tấm hình ăn mừng. Hóa ra, vị trợ lý người xứ Wales lúc ấy đang an ủi những cầu thủ Benfica.
Kể cả lúc không còn làm việc chính thức, ông vẫn rất quan tâm tới Man United và công tác đào tạo trẻ. Một giai thoại kể lại rằng vào năm 1975, Jimmy Murphy giới thiệu cho Tommy Docherty - HLV Quỷ đỏ khi đó - một cầu thủ chạy cánh tên Steve Coppell.
Tommy Docherty lập tức ký hợp đồng mặc dù còn chưa xem cầu thủ kia thi đấu trận nào. Steve Coppell sau đó chơi 322 trận và ghi 53 bàn cho Man United trong suốt 9 năm.
Khi mới nhậm chức, một trong những người đầu tiên Sir Alex tìm đến đàm đạo chính là Jimmy Murphy. Sự nhiệt tình cũng như ý tưởng về sử dụng các tài năng trẻ của Jimmy Murphy đã tác động không hề nhỏ tới Sir Alex.
Ryan Giggs 2 lần nhận giải thưởng mang tên Jimmy Murphy dành cho cầu thủ trẻ xuất sắc mùa giải của Man United.
Vài năm sau, Man United có "thế hệ 1992" với những Beckham, Giggs, Scholes, anh em nhà Neville, Nicky Butt thống trị Premier League.
Jimmy Murphy mất vào năm 1989 và không kịp chứng kiến thế hệ ấy tung hoành. Nhưng nếu ở cõi xa xôi nào đó, biết được đội bóng mình tận lực bảo vệ đã trở thành biểu tượng thành công trên toàn thế giới, chắc chắn ông sẽ mỉm cười.