Chuyện ít biết về người cung cấp tin tình báo giúp Lê Lợi đánh chiếm thành Đông Quan

Nhật Minh |

Không quá nổi danh như Đinh Liệt, Lê Lai hay Nguyễn Trãi nhưng đây là nhân vật cũng có những đóng vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa chống nhà Minh của Lê Lợi.

Trong sự nghiệp "Bình Ngô", xây dựng non sông gấm vóc, bên cạnh các công thần nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Văn Sảo, Đinh Liệt hay Lê Lai,… được lịch sử ghi chép và nhắc đến khá nhiều thì tiến sĩ Triệu Thái - một nhân vật còn nhiều bí ẩn đóng vai trò quan trọng trong và sau khi khởi nghĩa Lam Sơn còn ít được nhắc tới.

Từ bỏ tiến sĩ để cứu nước, cứu dân

Theo gia phả Triệu tộc ở xã Hoàng Chung, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Triệu Thái học và thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ và làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ đời Vĩnh Lạc (nhà Minh, Trung Quốc).

Sau khi nhà Hồ rồi đến Hậu Trần thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của nhà Minh, Đại Ngu rơi vào ách đô hộ. Khi người anh hùng xứ Thanh – Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa (1418) thì ông viện cớ xin về nước thăm cha mẹ để tham gia khởi nghĩa, cống hiến sức lực cho công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc.

Chuyện ít biết về người cung cấp tin tình báo giúp Lê Lợi đánh chiếm thành Đông Quan - Ảnh 1.

Văn bia có tên Tiến sĩ Triệu Thái ở Văn miếu Vĩnh Phúc

Mặc dù các tài liệu chính sử của dân tộc vì nhiều lý do không ghi chép cụ thể về những đóng góp của tiến sĩ Triệu Thái, song dựa vào các tư liệu tản mạn và nhất là tư liệu địa phương (phía dòng họ cung cấp) giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của ông trong việc làm tình báo cũng như giúp vua Lê Lợi sau ngày giải phóng kiến tạo sự nghiệp "an bang tế thế" mang lại hạnh phúc và ấm no cho trăm họ.

Góp sức chống giặc ngoại xâm

Được sự ủng hộ của ba quân tướng sĩ và quân sư Nguyễn Trãi, Lê Lợi trong thời gian ngắn đã giành được những chiến thắng quân sự quan trọng trên chiến trường, buộc đối phương rơi vào thế bị động, đối phó.

Sau khi chiếm được các thành nhỏ, thanh thế và lực lượng từng bước trưởng thành, Lê Lợi đã tính đến phương án tấn công trực diện vào thành Đông Quan – Hà Nội (một thành trì có vị trí chiến lược trong cuộc chiến chống quân Minh quyết định thành bại của khởi nghĩa).

Lúc đó, tướng giữ thành là Vương Thông – một tài tướng nhà Minh có kinh nghiệm dạn dày trong chiến đấu, vây thành và cố thủ trong thành. Phải mất rất nhiều sức lực, thành Đông Quan mới bị thu phục. Trong chiến thắng chung đó, lịch sử ghi nhận vai trò của tiến sĩ Triệu Thái.

Chuyện ít biết về người cung cấp tin tình báo giúp Lê Lợi đánh chiếm thành Đông Quan - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Khi từ Trung Quốc hồi hương, có một khoảng thời gian Triệu Thái ở trong thành Đông Quan cùng với tướng nhà Minh là Vương Thông. Khi bắt được liên lạc với quân khởi nghĩa, ông đã báo cáo toàn bộ tình hình phòng bị cũng như thực lực hiện có của quân Minh trong thành cũng như kế hoạch bổ sung viện binh do Liễu Thăng chi viện.

Từ những thông tin tình báo quan trọng này giúp Lê Lợi và Nguyễn Trãi đưa ra chiến sách vây thành diệt viện, có những bước đi chiến lược vừa đánh vừa đàm thu được thắng lợi nhanh chóng, giảm tổn thất xương máu cho binh lính.

Tận hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước

Sau khi ca khúc khải hoàn chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, để củng cố và xây dựng đất nước, sự nghiệp giáo dục và tuyển chọn người tài được đặt lên hàng đầu. Vua lệnh cho các đại thần và bá quan văn võ từ hàm tam phẩm trở lên mỗi người đều phải tiến cử một người hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê ra làm quan.

Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), khoa thi Minh kinh chọn người tài thông hiểu kinh sử, giỏi văn học được tổ chức. Trong kỳ thi này, Triệu Thái tham dự và đỗ đầu tiến sĩ triều Lê. Tiếp đó, Triệu Thái được vua Lê trọng dụng và sử dụng vào nhiều công việc trọng đại của đất nước như:

"Tham gia biên soạn bộ luật dưới thời Lê Sơn; Làm đến chức Ngự sử trong Ngự sử đài; Chủ khảo khoa thi Hội năm Nhâm Tuất (1442) – khoa thi ghi nhận các tài năng của đất nước như Nguyễn Trực, Ngô Sỹ Liên; và Triệu Thái cũng từng đại diện Đại Việt đi sứ Trung Quốc giải quyết các tranh chấp đất đai ở Chiêm Lãng và Như Tích (vùng biên giới Đông Bắc nước ta)".

Khi tuổi cao, sức yếu, tiến sĩ Triệu Thái dâng sớ xin về quê xây dựng phát triển kinh tế cho nhân dân. Ngay sau đó việc quy hoạch làng xóm, đào sông, đắp đường, phát triển nông nghiệp được mở mang tại quê nhà. Trải gần 6 thế kỷ, ngày nay làng Hoàng Trung vẫn còn giữ được cấu trúc làng xã cổ truyền từ thời Lê Sơ.

Phía trước làng là con đường cái quan, ao hồ rộng lớn, đồng ruộng, có 5 lối vào làng từ đường lớn. Các hộ gia đình trong làng đi ra ngõ tiện lợi, thông thoáng. Khi các cổng làng được đóng chặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập chống được trộm cướp, bảo vệ xóm làng. Để tưởng nhớ vai trò to lớn cũng như công lao đối với đất nước và quê hương, sau khi ông qua đời, dân làng suy tôn thành thần và thờ làm Thành hoàng làng, đời đời hương khói, bất tử với lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại