Chuyện huấn luyện đêm của bộ đội trinh sát

Quang Đức |

Với đặc thù nội dung huấn luyện của chuyên ngành trinh sát, đặc công, ban ngày trong điều kiện ánh sáng rõ đã có không ít khó khăn, đến lúc đêm tối còn khó khăn gấp bội.

Được nghe kể và tận mắt chứng kiến nội dung huấn luyện chuyên ngành của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công và Tiểu đoàn Trinh sát, Bộ Tham mưu Quân khu 9, chúng tôi càng thêm cảm phục tinh thần, ý chí, sự phối hợp nhuần nhuyễn, thuần thục của mỗi cá nhân.

Nội dung huấn luyện "Giải thoát con tin trên nhà cao tầng trong đêm tối" được chiến đấu viên Đại đội Chống khủng bố (Tiểu đoàn Đặc công) thực hiện tại một góc thao trường. 

Sau khi hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, đúng 19 giờ, khẩu lệnh tập vang lên, từ trên nóc nhà cao tầng, hai sợi dây thừng được thả xuống, lập tức hai chiến đấu viên cùng với trang bị theo dây lao xuống, luồn qua ô cửa, đột nhập vào trong. 

Hết lượt này đến lượt khác, từng cá nhân thay nhau thực hiện nhanh chóng, chính xác vị trí mình đảm nhiệm. Trung úy Võ Tá Phúc, Chiến đấu viên Đại đội chống khủng bố cho biết: "Nội dung này tương đối khó thực hiện, nếu không tập trung, luyện tập không đúng kỹ thuật rất dễ xảy ra mất an toàn.

Để treo người lộn ngược, xác định đích đến và neo, thả chính xác, chúng tôi phải thuần thục từng động tác kỹ thuật cá nhân từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, sau đó mới tập nâng dần lên và ráp đội hình. Ngoài tinh thần dũng cảm, từng chiến đấu viên còn phải giỏi võ nghệ, bắn súng và thể lực tốt".

Theo Thiếu tá Lê Công Lạng, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công, trong các nội dung huấn luyện chuyên ngành thì hơn 50% thời gian cán bộ, chiến sĩ phải học ban đêm, mỗi buổi khoảng 3 giờ. "Giải thoát con tin trên nhà cao tầng trong đêm tối" là một trong những nội dung cơ bản, sát với thực tế, địa bàn của bộ đội đặc công. 

Để hoàn thành tốt nội dung, yêu cầu, bên cạnh công tác chuẩn bị, từng chiến đấu viên phải nắm thật chắc nhiệm vụ, biết kết hợp, vận dụng nhiều biện pháp phù hợp trong từng nội dung, khoa mục huấn luyện. Trong quá trình luyện tập, đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên bám thao trường, theo sát bộ đội, kịp thời uốn nắn, sửa sai hành động kỹ, chiến thuật cho từng chiến sĩ.

Những buổi huấn luyện sát thực tế, yêu cầu, làm chủ địa bàn, chủ động phương án chiến đấu giúp từng chiến đấu viên nâng cao kỹ, chiến thuật, khả năng xử trí tình huống chính xác, bảo đảm cơ động, sẵn sàng chiến đấu.

"Chính vì thế, qua đánh giá chất lượng huấn luyện hằng năm, 100% nội dung đạt yêu cầu, riêng nội dung chuyên ngành trong đêm tối đều đạt loại giỏi, đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối", Thiếu tá Lê Công Lạng cho biết thêm.

Vừa duy trì bộ đội ôn luyện xong nội dung "Mũi đặc công nước phá hủy bí mật cầu giao thông" tại con rạch Chà Và, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), Đại úy Nguyễn Văn Như, Đại đội trưởng Đại đội Đặc công nước (Tiểu đoàn Đặc công) chia sẻ: 

"Đây là hình thức chiến thuật quan trọng của đặc công nước nhằm cắt đứt giao thông. Yêu cầu đặt ra cho các số trong tổ phải bơi nửa nổi, nửa chìm. Ngoài ra, mỗi chiến đấu viên còn phải kéo theo hàng chục ki-lô-gam vũ khí cùng các trang thiết bị đặc chủng khác."

"Do đó, trước khi xuống nước, từng chiến đấu viên phải ngụy trang cẩn thận, khởi động thật kỹ, phải nắm chắc kỹ thuật bơi, cách xác định phương hướng, mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm bí mật, an toàn. Đặc biệt, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các bộ phận phải chặt chẽ, sử dụng tốt ký hiệu, tín ám hiệu trong điều kiện ban đêm", Đại úy Nguyễn Văn Như nói thêm.

Thượng úy Nguyễn Hoàng Kha, Đại đội Đặc công nước (Tiểu đoàn Đặc công) cho rằng: "Thời gian đầu chúng tôi chỉ bơi được từ 1 đến 2km, sau đó mới nâng dần lên. 

Để nâng cao trình độ, kỹ năng, sức khỏe, chúng tôi thường xuyên tổ chức huấn luyện đêm, kể cả lúc thời tiết mưa, gió hoặc trên địa hình phức tạp. Đơn vị còn đưa bộ đội ra sông lớn, bờ biển để huấn luyện cách đột nhập, tiếp cận đánh chiếm mục tiêu nổi trong đêm, tối".

Đối với bộ đội trinh sát, do đặc thù thường xuyên hoạt động trong đêm, tối, bài học "đi không dấu, nói không tiếng" tưởng đơn giản, nhưng đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng, nỗ lực rất lớn của mỗi cán bộ, chiến sĩ. 

Theo Trung tá Nguyễn Đăng Tân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát: Để thực hiện được yêu cầu đó, thời gian qua, đơn vị đã tập trung huấn luyện những nội dung kỹ thuật chuyên ngành, như: Các động tác kỹ thuật bí mật tiếp cận, khắc phục nhà cao tầng, vật cản không nổ… 

Để nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật, tiểu đoàn luôn chủ động đưa ra nhiều biện pháp đổi mới; tổ chức huấn luyện cho từng chiến đấu viên thuần thục kỹ năng, thao tác xử trí tình huống vào ban ngày rồi mới chuyển dần sang ban đêm. 

Đặc biệt, công tác rèn luyện thể lực được cán bộ, chiến sĩ luôn duy trì tập luyện theo phương châm "Một phút cũng luyện, một giây cũng rèn". 

"Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên, tiểu đoàn còn huấn luyện giúp trinh sát đặc nhiệm, lực lượng công an, dân quân, tự vệ 12 tỉnh, thành phố; tham gia diễn tập, huấn luyện đổ bộ đường không; phục vụ hội thi, hội thao, diễu binh, trình diễn, bảo đảm an toàn tuyệt đối", Trung tá Nguyễn Đăng Tân khẳng định.

Thiếu úy Lê Hoàng Thịnh, Tiểu đoàn Trinh sát nêu kinh nghiệm: "Ngoài thời gian tập luyện tại phòng tập tiểu đoàn, mỗi tuần hai buổi tối chúng tôi có hơn 30 phút rèn luyện thể lực trong khu huấn luyện tổng hợp chuyên ngành với 13 loại vật cản nhằm giúp bộ đội nâng cao bản lĩnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại