Hẹn hò, yêu đương là những chủ đề rất bình thường, phổ biến, thậm chí "hot" ở các quốc gia khác. Thế nhưng ở Ả Rập Xê út, nơi còn tồn tại nhiều quan niệm hà khắc của đạo Hồi, nó bị coi là một tội lỗi và không nên nhắc tới.
Ở đây, nếu nam thanh nữ tú có hẹn hò thì cũng "giấu nhẹm" với người khác, kể cả người thân, bạn bè, hoặc có những cách thức kỳ quặc "cười ra nước mắt" hiếm có ở nơi nào khác.
Hẹn hò thôi mà bạn bè cũng phải "giấu nhẹm" với nhau
Omar, 26 tuổi, cho biết nhiều khi anh mệt mỏi với "sự giấu giếm" và "đạo đức giả" của nhiều người anh quen biết. Vì anh biết rất rõ nhiều người bạn của mình rõ ràng đang hẹn hò nhưng lại giả vờ như không hề yêu đương ai cả, vì sợ xã hội... lên án.
Ở Ả Rập, nam nữ nếu không có họ hàng thì không được nhìn nhau trực diện. (Ảnh minh họa)
Cũng theo anh chàng kỹ sư từng du học ở Mỹ này, một vấn đề cho những người độc thân như anh là "không có nơi nào cho người ta giao lưu", vì thế họ phải gặp nhau qua các trang mạng xã hội như Twitter, Instagram, hoặc các ứng dụng hẹn như Tinder, Snapchat...
Thế nhưng, anh chàng này cũng thừa nhận: "Tôi chẳng muốn một mối quan hệ ảo chút nào".
Hẹn hò qua mạng rồi... qua nước khác gặp mặt
Waleed, 27 tuổi, một kỹ sư phần mềm đã quen bạn gái hiện tại qua mạng.
Sau đó, họ phải sang tận... Ai Cập để hẹn hò, vì ở đây, chuyện nam nữ được quan niệm "thoáng" hơn ở Ả Rập Xê út.
Bị cấm gặp ngoài đời thì ta... gặp qua mạng vậy. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, chẳng phải ai cũng có điều kiện kinh tế như Waleed và bạn gái để hẹn hò theo kiểu "đắt đỏ" và "kỳ công" như thế.
Được biết, Waleed cũng không phải là tên thật của người kỹ sư này, để tránh những rắc rối anh có thể gặp phải khi chia sẻ câu chuyện của mình.
Có bạn trai nước ngoài: Cứ yêu thôi chứ chẳng để làm gì...
Có một thực tế là ở đất nước vùng Vịnh này, nam nữ thì phải "thụ thụ bất thân" và hôn nhân thì phải theo kiểu truyền thống, tức là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy".
Thậm chí các cô dâu chú rể cũng không được gặp nhau riêng tư trước khi đính hôn.
Nếu không phải anh chị em ruột hay có quan hệ họ hàng thì những người khác giới không được đi cùng nhau, thậm chí là nhìn nhau.
Ngay từ khi đi học, các bé trai và gái đã phải học ở những khu vực riêng biệt. Lớn lên, họ cũng không được làm trong cùng một văn phòng. Và thậm chí ở hầu hết các nhà hàng, vẫn có khu dành riêng cho nam giới và phụ nữ.
Lulwa, một cô gái mới 27 tuổi đã đặt ra một câu hỏi chua xót, rằng: "Phụ nữ sinh ra là để sinh con đẻ cái, đó là sứ mệnh của đời họ. Vậy nên sao cần phải hẹn hò chứ? Chuyện này sẽ đi đến đâu?"
Bản thân Lulwa đã sang nước ngoài du học và có một anh bạn trai người Mỹ. Nhưng cô cho rằng mình cứ yêu thôi, và sẽ "không bao giờ giới thiệu anh ấy với gia đình mình".
Mối quan hệ của họ hoàn toàn không có tương lai trừ phi Lulwa rời bỏ đất nước, hoặc anh chàng kia cầu hôn cô và cải sang đạo Hồi.
Vì hẹn hò mà... bị đi tù, thậm chí suýt mất mạng
Fadila, 29 tuổi, một nhân viên kế toán đã tìm kiếm tình yêu từ khi còn ở tuổi teen, có điều, cô toàn... tìm nhầm chỗ.
Năm 17 tuổi, cô đem lòng yêu một chàng trai là thành viên của một hoàng tộc có thanh thế.
Hai người thường ngồi tâm sự với nhau trong xe ô tô của chàng trai này - nơi cô cảm thấy an toàn. Thế nhưng không may, họ đã rơi vào tầm ngắm của những nhân viên an ninh tôn giáo.
Fadila bị bắt chứ không phải vị hoàng tử kia. Sau đó, Fadila mới vỡ lẽ rằng chàng hoàng tử đã qua lại với nhiều cô gái và thường xuyên uống rượu.
"Họ muốn bắt anh ấy, nhưng lại dùng tôi làm mồi nhử. Họ nói nếu tôi ký vào biên bản thì họ sẽ đưa tôi về nhà và không nói gì với cha mẹ tôi. Cuối cùng, họ đã tống tôi vào tù".
Sau đó nhờ mẹ và anh trai mà Fadila mới được thả ra.
Fadila đã rất may mắn, nhiều cô gái gặp hoàn cảnh như cô thậm chí đã mất mạng. Có khi cả gia đình đều bị hủy hoại thanh danh khi một thành viên, đặc biệt là phụ nữ, dám làm trái lại các quy tắc của xã hội.
Hôn nhân mai mối đã trở thành tiền lệ tại Ả Rập Xê út. (Ảnh: Internet)
Sau đó, Fadila đã quyết tâm tập trung vào chuyện học hành. Cô đã thành công, có bằng cấp kế toán và hiện có một sự nghiệp vững vàng.
Fadila cũng đã nhờ tới các phần mềm hẹn hò trực tuyến như Tinder song chưa gặp may mắn. Quá thất vọng, cô gái đã nhờ anh trai tìm cho mình một người chồng.
Thừa nhận "không có tình cảm" với người đàn ông là một chuyên gia IT này, nhưng cô chỉ muốn "ổn định, tập trung sự nghiệp và có một ngôi nhà của mình" vì ở đây hầu như chẳng ai độc thân lại được phép sống riêng, tách khỏi gia đình.
"Người ta nói đầu tiên cứ tôn trọng nhau đã, sau đó tình yêu sẽ đến, nhưng tôi cũng chưa biết được" - Fadila chia sẻ.
Những tín hiệu đáng mừng
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn nói trên cũng đang có dấu hiệu thay đổi tại Ả Rập Xê út.
Nhờ những nỗ lực của chính phủ trong việc tăng tỷ lệ người có việc làm ở quốc gia này, ngày càng có nhiều phụ nữ được làm việc và học tập gần nam giới, tạo điều kiện cho họ có cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu nhau.
Thái độ thay đổi tích cực với phụ nữ ở Ả Rập Xê út.
Các cặp đôi trẻ đã bắt đầu "dám" xuất hiện cùng nhau ở nơi công cộng, các quán ăn, quán cafe.
Đặc biệt, cao trào của sự đổi mới này xảy ra vào ngày 24/10, khi Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê út đã tuyên bố "quốc gia này sẽ trở về với đạo Hồi ôn hòa và loại bỏ chủ nghĩa cực đoan".
Thái tử Mohammed cũng chính là người đã đưa ra sự cải cách tích cực về quyền của phụ nữ, gỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe cũng như lui tới các sân vận động thể thao ở Ả Rập Xê út.
Shakespeare từng nói, "Con đường của tình yêu chân chính chẳng bao giờ là bằng phẳng", nhưng hy vọng với những tín hiệu cải thiện sắp tới, con đường tình yêu của những người trẻ ở Ả Rập Xê út sẽ bớt gập ghềnh hơn.
Theo NBC News