Chuyện giảng viên đại học, thạc sỹ 36 tuổi xin làm công nhân vệ sinh để không bị kiệt quệ tinh thần

Diệu Đan |

Nguồn cảm xúc của chúng ta thường xuyên bị cạn kiệt trong vô thức. Trong thế giới phức tạp này, chúng ta phải học cách lấp đầy nguồn cảm xúc của mình.

Cách đây một thời gian, có một tìm kiếm trở nên vô cùng hot trên Weibo - một trang mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc. Đó là câu chuyện về nam thạc sỹ 36 tuổi giảng dạy tại đại học Thanh Hoa (top 3 đại học tại Trung Quốc) đã giấu học vấn cao của mình và xin vào làm công nhân vệ sinh tạm thời tại một danh lam thắng cảnh. 

Khi được hỏi lý do, anh giải thích do áp lực công việc quá nhiều nên sức khỏe tinh thần bị suy kiệt nghiêm trọng. "Tôi không làm được việc gì, lại còn bị viêm họng, suy nhược, khi nặng thì cả đêm trằn trọc không ngủ được", anh cho biết.

Sau khi đến danh lam thắng cảnh làm việc, công việc của anh là quét dọn và chơi bóng đá khi rảnh rỗi, theo thời gian, tâm trạng của anh đã được cải thiện rất nhiều và tình trạng của anh cũng thuyên giảm. Anh tin rằng trong tương lai gần, anh sẽ có thể trở lại với công việc cũ của mình với tinh thần tốt hơn.

Tâm lý học có một thuật ngữ gọi là "kiệt quệ cảm xúc". Người ta nói tinh thần giống như một hồ nước, khi đầy, nó cũng cấp nước cho vạn vật, khiến con người ta dễ dàng làm được mọi việc.

Nhưng một khi tinh thần kiệt quệ, nó sẽ giống như nước trong ao cạn kiệt, khô hạn, và con người sẽ trở nên chán nản, mất nghị lực, rơi vào vòng luẩn quẩn của sự bất lực và suy sụp, khó mà thoát ra.

Chuyện giảng viên đại học, thạc sỹ 36 tuổi xin làm công nhân vệ sinh để không bị kiệt quệ tinh thần - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

01
Tinh thần kiệt quệ sẽ khiến bạn suy sụp

Bạn có thể đã từng trải nghiệm điều này:

- Con không vâng lời, bạn mất kiểm soát cảm xúc, hét lên như thể bị lấy đi tất cả sức lực.

- Thất tình, rơi vào nỗi buồn vô hạn, trái tim như bị dao cắt, chẳng thể làm gì.

- Sự thăng tiến, vị trí mà bản thân hằng mơ ước, nhưng sau một hồi ngây ngất, lại chỉ muốn lăn ra ngủ.

Theo cuốn "Hành vi tổ chức", cảm xúc không phải là cảm giác thuần túy cá nhân mà là nguồn tài nguyên tương tác thường xuyên với thế giới bên ngoài và vô cùng quý giá. Những người có nguồn cảm xúc dồi dào luôn có một tinh thần phấn chấn và tràn đầy năng lượng. Khi gặp phải mức tiêu hao cao, con người sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ về thể chất và tinh thần.

Có một thời gian, bạn của tôi, Tâm, đã buộc mình phải làm thêm giờ trong nhiều ngày liên tục để hoàn thành một công việc quan trọng. Nhưng vì quá tập trung vào việc thể hiện tốt, cậu ấy phát hiện ra rằng tình trạng của mình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ban ngày, cậu ấy cảm thấy tức ngực, đánh trống ngực, khó thở và thỉnh thoảng bị giật cơ. 

Khi về đến nhà vào buổi tối, cậu ấy và bạn gái thường xuyên đập bàn và cãi nhau to vì cả những chuyện vặt vãnh, tủn mủn. Người bạn gái tức giận bỏ đi, để cậu ấy ở nhà một mình, rất lâu sau mới có thể bình tĩnh lại.

Thấy ngày báo cáo đang đến gần, Tâm không có thời gian để quan tâm đến tâm trạng ngày càng tồi tệ của mình, cậu ấy phải tiếp tục làm việc. Vào ngày báo cáo, Tâm lo lắng đến mức nuốt nước bọt liên tục, lòng bàn tay đổ mồ hôi, khi biết CEO cũng sẽ tham gia cuộc họp, cậu ấy luôn trong trạng thái rối bời, thậm chí ngồi không yên. 

Run rẩy, Tâm buộc mình phải bình tĩnh lại, mở bản báo cáo đã được sửa đổi vô số lần và bắt đầu run rẩy nói. Tuy nhiên, mới chỉ nói được vài lời, Tâm đã bị CEO cắt ngang, rồi yêu cầu xem luôn tới phần dữ liệu và kết luận.

Tâm sững người tại chỗ, vài giây sau mới phản ứng lại, vội vàng lật trang. Lúc đó, đầu óc cậu ấy trống rỗng, bài thuyết trình trở nên rời rạc. Khi báo cáo xong, áo sơ mi của tâm đã ướt đẫm hơn một nửa. Tâm yếu ớt ngồi phịch xuống ghế, vắt tay lên trán nhớ lại phần thuyết trình của mình và vẻ mặt cau có của CEO. Lúc này, cậu ấy nghĩ rằng đề xuất lần này có lẽ sẽ không được thông qua.

Chuyện giảng viên đại học, thạc sỹ 36 tuổi xin làm công nhân vệ sinh để không bị kiệt quệ tinh thần - Ảnh 2.

Zhang Defen, một cố vấn trong lĩnh vực tâm linh, từng nói: "Sự cạn kiệt nguồn cảm xúc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một người, phá hủy sự hài hòa trong các mối quan hệ giữa các cá nhân và làm giảm hiệu quả công việc."

Ngày nay, rất nhiều người bận rộn với công việc và cuộc sống mà quên chăm sóc cảm xúc cũng như sức khỏe tinh thần của mình. Kết quả là, theo thời gian, chúng ta luôn cảm thấy mình thiếu hứng thú với mọi việc mình làm và không thể làm được những gì mình muốn: Lên kế hoạch cho một chuyến du lịch tự túc vào cuối tuần, nhưng cuối cùng lại ở nhà và chẳng buồn ra ngoài; Cuốn sách nấu ăn hào hứng mua đã được đặt lên kệ sau một vài trang; Rất nhiều video hướng dẫn tập thể dục trong mục yêu thích của tôi và tất cả chúng cũng đều chỉ đơn giản là nằm trong mục yêu thích.

Sức khỏe tinh thần là dòng sông chở con thuyền cuộc đời, là ngọn gió mạnh nâng cánh buồm cuộc đời. Khi nó trở nên không bền vững, tình yêu cuộc sống của chúng ta, sự nhiệt huyết với công việc của chúng ta cũng theo nó mà đi.

Chuyện giảng viên đại học, thạc sỹ 36 tuổi xin làm công nhân vệ sinh để không bị kiệt quệ tinh thần - Ảnh 3.

02
Trong nửa sau của cuộc đời, hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình nhiều hơn

Trạng thái bình thường của cuộc sống ngày nay chính là, trên có già dưới có trẻ, có KPI, có các khoản thế chấp và vay mua nhà, mua ô tô… Và cứ như vậy, nguồn cảm xúc của chúng ta bị tiêu hao một cách vô thức.

Những người thiếu nguồn lực cảm xúc luôn muốn về nhà trước khi bị cuộc sống đánh bại, trong khi những người có nguồn lực cảm xúc dồi dào luôn chuẩn bị sẵn sàng và chiến đấu với cuộc sống.

Li Yuhui, giáo sư tại Đại học Nhân Dân, Trung Quốc, cho biết: "Cảm xúc của con người là nguồn lực hạn chế và chúng cần được bổ sung một cách chủ động khi cạn kiệt."

Người trưởng thành nên rèn luyện nhiều nhất là khả năng bổ sung nguồn cảm xúc

1. Vận động

Trong bộ phim truyền hình có tên "It's All About Love", nhân vật An phải nghỉ việc chỉ vì bị cấp trên đổ lỗi, trước khi rời đi, cô thậm chí còn bị trách móc. Chán nản và thất vọng, cô ở nhà từ sáng đến tối, ngủ cho đến khi mặt trời mọc, ăn quà vặt và gọi đồ về nhà khi đói, thức khuya để xem phim tới tận khuya và thậm chí là say xỉn. Không chỉ nhà cửa bừa bộn mà cả người cũng nhếch nhác.

Tình cờ, một người bạn đã đưa An đi chạy bộ cùng. Sau lần chạy đầu tiên, dù mồ hôi đầm đìa nhưng cô cho biết đây là lần đầu tiên cô cảm thấy ngực mình tràn đầy không khí trong lành. Vài ngày sau, An vui vẻ chia sẻ với người bạn rằng kể từ khi bắt đầu chạy bộ, cô cảm thấy sảng khoái mỗi ngày, những bước đi của cô cũng trở nên nhẹ nhõm hơn, tâm trạng cũng được cải thiện rất nhiều.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục có thể thúc đẩy não bộ tăng tốc tiết endorphin, loại "hoóc môn hạnh phúc" này có thể làm giảm căng thẳng và cảm xúc xấu, khiến con người ta luôn cảm thấy vui vẻ và hài lòng. Khi nguồn cảm xúc không đủ và bạn không thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, bạn cũng có thể tìm tới vận động, tìm tới thể dục thể thao. Lắc lư đôi vai, bước những bước đầu tiên, đón lấy những cơn gió, năng lượng hạnh phúc sẽ quay trở lại.

Chuyện giảng viên đại học, thạc sỹ 36 tuổi xin làm công nhân vệ sinh để không bị kiệt quệ tinh thần - Ảnh 4.

2. Các mối quan hệ thân thiết là bài thuốc hiệu quả

Cuốn "Hành vi tổ chức" tin rằng các nguồn cảm xúc có thể được bổ sung bằng các con đường phản hồi bổ sung như tình cảm gia đình.

Một nhà sáng tạo nội dung từng chia sẻ trải nghiệm của mình khi còn học: "Khi còn đi học nội trú ở trường trung học, tôi đã phải chịu rất nhiều áp lực học tập, nhưng tôi luôn ở trong trạng thái tốt. Bởi vì tôi về nhà mỗi tuần một lần vào thời điểm đó, năng lượng tinh thần kiệt quệ đã được bổ sung lại mỗi khi được quây quần với ba mẹ.

Lên cấp ba, dù có làm thế nào tôi cũng luôn cảm thấy toàn thân uể oải, không còn động lực học tập. Bởi vì lúc này, tôi chỉ có thể về nhà mỗi tháng một lần, thậm chí sáu tháng một lần, khó có thể bổ sung nguồn tình cảm đã cạn kiệt, và nó khiến tôi không còn hứng thú với bất cứ việc gì."

Chúng ta chiến đấu với cuộc sống bên ngoài và tiêu hao nguồn cảm xúc của mình, nhưng khi cánh cửa đóng lại, từ trường tích cực của sự thân mật có thể tiêu hóa những cảm xúc xấu như bất bình, thất vọng, bất lực… đồng thời truyền năng lượng tích cực của sự hài lòng và hạnh phúc cho chúng ta.

Chuyện giảng viên đại học, thạc sỹ 36 tuổi xin làm công nhân vệ sinh để không bị kiệt quệ tinh thần - Ảnh 5.

3. Rèn luyện sự bình thản

Có một câu truyện ngắn, A và B gặp ông chủ đang đi về phía mình, nhưng ông chủ dường như không nhìn thấy họ đi ngang qua. A cảm thấy chuyện này không phải vấn đề, tâm trạng bình thường đi làm. Nhưng B lại lo lắng không biết sếp có thành kiến gì với mình hay không, luôn cảm thấy bất an, không có tâm trạng làm việc, thậm chí mắc sai lầm.

Nếu bạn muốn kiểm soát nguồn cảm xúc của mình, không để chúng bị tiêu hao, bạn phải học được cái gọi là bình thản. Đặt trái tim mong manh dễ vỡ sang một bên, đặt cảm xúc của bản thân lên hàng đầu, bảo vệ nguồn cảm xúc của mình.

Giống như nhà tâm lý học Nhật Bản Teizo Kato đã nói: "Cảm xúc của bạn là mảnh đất riêng của bạn, không phải đường đua của ai khác. Bạn không thể kiểm soát được luồng thông tin tiêu cực dữ dội từ thế giới bên ngoài, nhưng bạn có thể kiểm soát được nội tâm bình thản của mình."

Cha mẹ hối thúc kết hôn sinh con, lãnh đạo làm to chuyện, khách hàng soi mói gây khó dễ... Nguồn cảm xúc của chúng ta thường xuyên bị cạn kiệt trong vô thức. Trong thế giới phức tạp này, chúng ta phải học cách lấp đầy nguồn cảm xúc của mình.

Giống như nhà văn trung Quốc, Li Ge đã nói: "Cảm xúc là nguồn tài nguyên có hạn, giống như nước, không khí và khoáng chất. Việc sử dụng chúng một cách không kiểm soát sẽ chỉ khiến bạn kiệt quệ về thể chất và tinh thần". Hãy luôn tiết kiệm và bổ sung kịp thời, và nguồn tài nguyên cảm xúc của bạn sẽ luôn dồi dào. Khi nguồn cảm xúc dồi dào, khi sức khỏe tinh thần ở mức tốt, cuộc sống sẽ tự nhiên suôn sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại