Chuyên gia y tế nêu lý do nên chuyển COVID-19 thành bệnh truyền nhiễm nhóm B

Mộc Trà |

Theo vị chuyên gia y tế, việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là cần thiết.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan chuẩn bị hồ sơ theo quy định để chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam để xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025, ban hành theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Việc dỡ bỏ cảnh báo PHEIC (Mức cảnh báo cao nhất của WHO) với COVID-19 là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã đạt được tiến bộ trong đối phó bệnh. Tuy nhiên, WHO cho biết COVID-19 sẽ không bao giờ biến mất, ngay cả khi nó không còn là tình trạng khẩn cấp nữa.

Theo dữ liệu của WHO, tỉ lệ tử vong đã chậm lại từ mức cao nhất là hơn 100.000 người mỗi tuần (vào tháng 1/2021) xuống chỉ còn hơn 3.500 người trong tuần (tính đến ngày 24/4/2023).

Trước đó, ngày 4/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

TS Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: "Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế của COVID-19 là một tin luôn được đón chào.

Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của đất nước đối với virus SARS-CoV-2 nhưng đồng thời cũng cần phải hiểu rằng đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác".

Chuyên gia y tế nêu lý do nên chuyển COVID-19 thành bệnh truyền nhiễm nhóm B - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

"COVID-19 hiện nay dễ lây truyền, phát tán rộng nhưng hầu như vô hại (tới tính mạng, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân và toàn xã hội). Ngành y tế hoàn toàn đủ năng lực để giám sát chủng gây bệnh, dự báo tình hình dịch và chủ động đáp ứng các biện pháp phòng ngừa, điều trị khi có bùng phát dịch", PGS Hùng phân tích.

Vì thế theo PGS Hùng, việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là việc làm cần thiết ngay lúc này.

Ông phân tích như tình hình dịch hiện nay, nếu cứ giữ bệnh ở nhóm A thì với những biện pháp phòng chống dịch đó, chúng ta sẽ không thấy hiệu quả. Hơn nữa, việc không sớm thay đổi chế độ phòng chống dịch sẽ kéo theo nhiều hệ lụy với người mắc COVID-19 và nhân viên tham gia phòng chống dịch.

Ngoài ra, PGS Hùng cho biết hiện Bộ Y tế khuyến cáo chỉ tiêm vắc xin COVID-19 cho những người có nguy cơ cao và tiêm tự nguyện, không bắt buộc. Những trẻ khỏe mạnh trong độ tuổi 12 - 18 không cần tiêm vắc xin bắt buộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại