Quân nhân Nga. Ảnh: Kuzmin.
Hôm 21/9 Tổng thống Putin công bố lệnh gọi nhập ngũ đối với 300.000 quân nhân dự bị - đông hơn số lượng khoảng 200.000 lính Nga đang có mặt tại Ukraine. Động thái này xuất hiện trong bối cảnh, Moscow thể hiện quyết tâm giữ vững các vùng họ mới kiểm soát được ở miền Đông và Nam Ukraine thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập các vùng này vào Nga.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái mới này có thể mang lại rủi ro cho Nga, khi họ có thể vấp phải hoạt động phản chiến ở trong nước.
Dara Massicot - một chuyên gia về quốc phòng Nga tại hãng RAND thì đánh giá rằng cuộc huy động lực lượng lần này của Nga có thể không hiệu quả như Nga mong muốn, khi mà các tân binh không có nhiều thời gian huấn luyện và được trang bị kém.
Trong khi đó, Michael Kofman - chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ (có trụ sở ở Washington) cảnh báo chớ nên coi thường động thái này của Nga vì Moscow có thể sẽ củng cố được trận tuyến của họ hiện tại. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Nga sẽ chỉ duy trì được hiện trạng chứ không thay đổi được cục diện cuộc chiến.
Mục đích là để thay quân? Một vấn đề được đặt ra cho Nga là xây dựng một lực lượng mới thay thế cho lực lượng cũ đã hao mòn sau các cuộc giao tranh ở Ukraine. Lực lượng mới này cần được huấn luyện và trang bị đầy đủ.
Mick Ryan - viên tướng Australia về hưu, cho rằng ông Putin chủ trương kéo dài cuộc chiến và làm cho phương Tây mất kiên nhẫn. Ryan nhận định, lệnh động viên một phần lần này của Nga chủ yếu là để luân chuyển binh sĩ và thay thế quân.
Bản thân Tổng thống Nga Putin vào sáng 21/9 giải thích rằng Bộ Quốc phòng Nga khuyến nghị đưa lực lượng dự bị động viên vào tham chiến ở Ukraine khi Nga nhận thấy cuộc chiến ở Ukraine nói chung và vùng Donbass nói riêng sẽ kéo dài.
Lỗi lo lớn hơn của phương Tây Phương Tây hiện vẫn lo ngại hơn về lời đe dọa của Tổng thống Putin sẽ sử dụng lực lượng hạt nhân đối phó với các thách thức đe dọa “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga.
Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có trong tay để bảo vệ Nga và nhân dân của chúng tôi. Đây không phải nói khoác… Những ai cố gây sức ép với chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân cần biết rằng gió có thể chuyển hướng sang họ”.
Phát ngôn viên An ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby nói “chúng tôi rất dè chừng về tuyên bố đó của Nga”.
Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin có vẻ đã thay đổi chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc bỏ ngỏ khả năng sử dụng vũ khí này tại các lãnh thổ Ukraine mà Nga vừa kiểm soát được.
Hans Kristensen - chuyên gia chính sách hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết, đây là lời đe dọa hạt nhân công khai nhất mà ông Putin đưa ra cho tới nay. Ông này cho rằng NATO nên bình tĩnh và tránh đe dọa đáp trả hạt nhân.
Andrey Baklitskiy thuộc Viện Nghiên cứu Giải giáp của Liên Hợp Quốc cho rằng các tuyên bố của ông Putin “vượt ra bên ngoài học thuyết hạt nhân của Nga”, mà theo đó Nga có thể sử dụng trước vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến quy ước nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa.
Nga phát động chiến dịch quân sự tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022. Đến nay, cuộc chiến này đã gần tròn 7 tháng, với nhiều thương vong, tổn thất cả trực tiếp lẫn gián tiếp cho cả hai phía./.