Chuyên gia WB: Việt Nam còn 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân

Hà Chinh |

Các ý kiến đề cập nhiều giải pháp phát triển thị trường vốn, với nhận định Việt Nam vẫn còn 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân trong khi nhiều công ty vừa và nhỏ phải dùng ‘tín dụng đen’ để làm ăn.

Thực tế trên được nêu ra tại Diễn đàn chuyên đề Thị trường Vốn – Tài chính trong khuôn khổ (Diễn đàn Kinh tế Việt Nam) với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam – Giải pháp và thách thức” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội.

Nhiều doanh nghiệp dùng chi phí không chính thức

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp lớn và có quy mô trung bình. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn "tín dụng đen".

Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Verco - đơn vị có thời gian làm việc với nhiều công ty nhận định, hiện với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu dưới 500 tỷ đồng hầu hết chưa có cấu trúc vốn, đồng thời có sự lẫn lộn giữa vốn ngắn, trung và dài hạn.

Theo ông Hùng đánh giá, ở công ty do các thanh niên, kỹ sư khát khao với nghề khởi nghiệp, mức vốn trung bình chỉ khoảng 10 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, chủ những công ty này hầu hết không hiểu gì về vốn, tài chính nên gặp khó khăn trong tiếp cận ngân hàng. Khi phát triển đến một quy mô nào đó, họ cần thêm vốn nhưng không thể tiệm cận được trái phiếu, ngân hàng... và dẫn đến phải dùng cả vốn phi chính thức hay còn gọi là tín dụng đen", ông Hùng nêu.

Theo tính toán của doanh nhân này, tại một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh của họ là từ tín dụng đen. Theo ông Hùng, nên tạo ra một khung pháp lý để nếu doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn tín dụng đen mà vẫn có thể được hợp thức hóa.

“Đây là khoản chi phí rất lớn nhưng không được hạch toán vào chi phí hợp lệ nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải xử lý nó vào chi phí khác và lợi nhuận còn cuối cùng rất thấp”, ông Hùng nói.

Trước chia sẻ này, ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng bổ sung số liệu từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, các doanh nghiệp phải dùng 30% chi phí không chính thức để sản xuất kinh doanh.

Ông cũng chỉ ra bốn nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ. Thứ nhất, theo ông, quỹ tín dụng đen tồn tại theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và việc tiến hành nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng.

Thứ hai, có tình trạng dùng nguồn vay từ tín dụng đen trả nợ ngân hàng. Một nguyên nhân nữa là do gần đây, sự phát triển công nghệ thông tin khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên thuận lợi hơn.

Thứ tư là vấn đề khơi thông nguồn vốn, nhiều người có tâm lý không muốn gửi ngân hàng vì cho vay ngoài lãi suất cao hơn.

Ông Tuấn cho rằng quỹ tín dụng đen không phải xấu bởi kể cả trên thế giới, hình thức này đã tồn tại từ rất lâu dưới dạng như các ngân hàng và không được công nhận.

3 lý do khiến thị trường vốn phát triển chậm

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân phát triển chậm của thị trường vốn tài chính ở Việt Nam, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Đúng là chúng ta chậm so với thế giới nhưng bản thân chúng ta cũng đã phát triển rất nhanh.

Cụ thể, nếu năm 2012, Chính phủ đề ra mục tiêu thị trường chứng khoán đến năm 2020 thì năm 2017, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên chúng ta lại chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đó là cái chậm".

Ông cũng đưa ra 3 lý do khiến thị trường vốn tài chính Việt Nam phát triển chậm gồm: một là phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của đất nước khi chuyển từ thời kỳ bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; hai là do nhận thức xã hội và ba là chưa có nền tảng để phát triển, cụ thể là các kế hoạch, hoạch định chiến lược phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông A. Alatabani thì cho rằng, có hai vấn đề cần giải quyết để khuyến khích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.

Một là làm cách nào để Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút. Theo ông, nhiều nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến quỹ đầu tư cho người về hưu ở Việt Nam. Ông cho rằng, lộ trình này có thể được thực hiện trong 3 năm tới.

Hai là phát triển tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Alatabani cho rằng, nền kinh tế nước ta có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong người dân mà ta chưa huy động hết. Đây là tiềm năng lớn.

Theo ông: "Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ xem làm cách nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu chứng khoán của Việt Nam phát triển".

Ông Ketut Kusuma - chuyên gia cao cấp về thị trường vốn, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng...

"Khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân", ông nói.

Ông Ketut cũng đưa ra một số khuyến nghị như tăng cường tính minh bạch trong khung thông tin, tiếp tục công cuộc cải cách thị trường trái phiếu Chính phủ, thúc đẩy hệ thống đầu tư tư nhân mở rộng quỹ đầu tư hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu rộng rãi trong công chúng, mở rộng quy mô của các quỹ nhà nước, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ lương hưu.

Việt Nam có thể được thừa nhận là thị trường mới nổi trong 2 năm tới

Tham dự sự kiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi ngay lúc khai mạc: "Hai, ba năm nữa Việt Nam có thể được thừa nhận là thị trường mới nổi không?"

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Dũng cho biết, với cách xếp hạng dựa vào định lượng và định tính thì điều này rất khó nói. Thay vì thế, chúng ta nên đặt vấn đề là bao giờ chúng ta xứng đáng, điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ, tiềm năng thị trường...

Việc nâng hạng thị trường không thể hiện qua chứng khoán mà phụ thuộc vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, chính sách vĩ mô.

Với sự quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là việc tạo môi trường đầu tư bình đẳng cả trong và ngoài nước, ông Dũng tin rằng chúng ta sẽ sớm được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi. Nếu chúng ta kỳ vọng vào năm 2019 thì không tưởng, nhưng hai năm thì có thể làm được.

Ông Don Lam - Phó Trưởng ban Nguyên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho rằng sau 4 tiếng, Diễn đàn đã đưa ra nhiều thông tin và nhiều kiến nghị hữu ích về thực trạng thị trường vốn - tài chính.

Những giải pháp được đề xuất, đồng thuận tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp báo cáo, đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể diễn ra vào tháng 12/2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại