Chuyên gia VN: Mỹ điều tàu sân bay tuần tra Biển Đông cho thấy quyết tâm "nói là làm"

Ngọc Anh |

Việc Mỹ điều tàu sân bay tuần tra Biển Đông đã cho thấy sự tính toán, quyết tâm "nói là làm" của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong quan hệ Mỹ-Trung.

Nhóm tác chiến của Hải quân Mỹ, bao gồm tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson, đã có cuộc tuần tra  trên biển Đông từ ngày 18/2.

Trong khi Mỹ khẳng định cuộc tuần tra diễn ra theo lịch trình để đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế, Bắc Kinh phản ứng bằng tuyên bố "Mỹ không nên thách thức chủ quyền của Trung Quốc".

Tiến sỹ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn và bình luận của mình với Trí Thức Trẻ về những nội dung xung quanh sự kiện này.

Đây là chuyến tuần tra Biển Đông đầu tiên mà chính quyền Trump thực hiện, ông có đánh giá như thế nào về mục tiêu, ý nghĩa của việc tuần tra được Mỹ thực hiện khá sớm (sau nhậm chức của Tổng thống 1 tháng)?

Bối cảnh của cuộc tuần tra này là Mỹ mới có chính quyền rất mới, Tổng thống Donald Trump mới nhậm chức được 1 tháng và với một chính quyền mới thì lúc này hoạt động ngoại giao, hoạt động ra bên ngoài thường được cho là rất nhạy cảm. Hơn nữa, ông Donald Trump được cho là người tập trung vào "hướng nội" là chủ yếu.

Vì vậy, động thái điều tàu sân bay đi tuần trên biển Đông rất sớm cho thấy chính quyền của ông Trump đã làm việc này một cách chủ ý, có tính toán, không hẳn là một hoạt động "thường nhật" bình thường của Hải quân Mỹ.

Việc này, trước hết chắc chắn là một sự thể hiện sức mạnh rồi, nhưng thêm vào đó, động thái này cũng cho thấy Biển Đông là một vấn đề lớn trong mối quan hệ Mỹ-Trung, một vấn đề, câu chuyện lớn không thể bỏ qua, đó là điều có thể khẳng định. Chỉ có điều, mục tiêu cuối cùng là gì và biện pháp của các bên như thế nào thì chúng ta chưa thể nói trước và còn phải chờ đợi xem.

Khi nói về mục tiêu của việc tàu sân bay Mỹ đi tuần tra trên Biển Đông, có một số khả năng chúng ta có thể nghĩ tới.

Khả năng thứ nhất, việc này diễn ra trùng lặp với thời điểm truyền thông phát đi những tin tức liên tục về việc Trung Quốc sắp hoàn thành việc xây dựng hơn 20 cấu trúc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, được cho là giống với kho chứa tên lửa đất đối không (SAM) tầm xa.

Tình báo Mỹ cũng đã nhận định các cấu trúc đó giống như nhà chứa tên lửa, được Trung Quốc xây trái phép trên các đá Subi, Vành Khăn, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc hiện đang chiếm đóng phi pháp.

Khi Trung Quốc có những động thái đó thì Mỹ tất nhiên cũng phải đáp trả bằng hành động của mình. Ở đây cụ thể là đội tàu sân bay đã được lệnh đi "tuần tra".

Khả năng thứ hai, Tổng thống Trump muốn phô trương lực lượng, sức mạnh của mình để khởi đầu cho một đàm phán, trao đổi với Trung Quốc. Đây có thể là một thủ thuật ngoại giao, thủ thuật đàm phán của ông Donald Trump. Ông Donald Trump vẫn thường nói để đàm phán được thì phải biết "bước ra khỏi phòng".

Chuyên gia VN: Mỹ điều tàu sân bay tuần tra Biển Đông cho thấy quyết tâm nói là làm - Ảnh 1.

Tàu USS Carl Vinson đang tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ tàu hậu cần cho chuyến tuần tra ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ

Sau 1 tháng Mỹ có Tổng thống mới, ông có nhận định gì về đường hướng đối ngoại của ông Trump và ảnh hưởng của nó tới tình hình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông?

Có thể thấy rằng đến nay, Biển Đông hay Biển Hoa Đông vẫn có thể làm cho quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hơn nếu các vấn đề không được giải quyết một cách ổn thỏa. Tuy nhiên, về cơ bản, Mỹ không phải là bên muốn có căng thẳng. Trung Quốc thực ra cũng phải thận trọng vì các xung đột trên vùng biển này sẽ ảnh hưởng tới các lợi ích kinh tế, an ninh của họ.

Vì vậy, đây là sợi dây căn bản để Mỹ các quốc gia trong khu vực bám vào đó, duy trì sự ổn định để phát triển. Nếu một nước nào đó có những hành động đe dọa đến sự ổn định, an ninh của khu vực thì chắc chắn Mỹ sẽ thể hiện vai trò của mình, nhưng tất nhiên họ cũng sẽ không hy sinh lợi ích trong mối quan hệ với Trung Quốc, và đó là lý do ông Trump có thể tiếp tục khá nhiều chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt. Có thể thấy rằng ông Trump là người luôn mong muốn giải quyết mọi việc bằng thỏa thuận, đàm phán, hòa bình, chỉ có điều, ông Trump sẽ luôn thỏa thuận trên sức mạnh, tức là đàm phán đấy nhưng cũng sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống cần cứng rắn.

Nếu so sánh với chính quyền tiền nhiệm, thì có thể dự báo rằng chính quyền của ông Trump sẽ cứng rắn hơn trong các tình huống căng thẳng, dù ông ấy sẵn sàng thỏa thuận (ở thế Mỹ có sức mạnh hơn).

Trump đã tuyên bố tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc", điều đó ảnh hưởng thế nào tới tình hình trong khu vực châu Á?

Khi ông Trump nói như vậy là thể hiện sự tôn trọng đối với Trung Quốc và cũng mong Trung Quốc sẽ có sự tôn trọng trở lại, có nghĩa là Trung Quốc cần cân nhắc các ý kiến của Mỹ, và mong muốn này không chỉ là trong vấn đề Đài Loan, Triều Tiên hay các tranh chấp giữa đồng minh Nhật Bản với nước khác trong khu vực.

Nếu Trung Quốc không thể hiện sự tôn trọng Mỹ, tiếp tục gia tăng căng thẳng, tranh chấp, trang bị quân sự trên các vùng biển tranh chấp thì Mỹ sẽ phản ứng quyết liệt. Việc Mỹ điều tàu sân bay tuần tra Biển Đông đã cho thấy sự quyết tâm, "nói là làm" của Washington trong quan hệ với Trung Quốc.

Như tôi đã nói, việc tuần tra không chỉ được thực hiện khá sớm, mà so với những cuộc tuần tra trước đây, thiết bị tuần tra lần này khác, con tàu khác và khoảng cách đến các đảo cũng khác. Lần này, các tàu tuần tra đã áp sát các điểm đảo hơn.

Trung Quốc sắp sửa đổi luật Giao thông Hàng hải 1984, dự kiến luật sửa đổi có hiệu lực từ 2020, trong đó đáng chú ý là sẽ bổ sung yêu cầu các tàu ngầm hoạt động trên vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền (hiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô căn cứ trên phần lớn diện tích Biển Đông) phải nổi lên trên mặt nước, treo quốc kỳ, báo cáo với nhà chức trách Trung Quốc… Theo ông Mỹ sẽ có phản ứng như thế nào trước động thái này?

Tất nhiên là Mỹ sẽ không chấp nhận, và các nước khác cũng sẽ không chấp nhận việc này. Mỹ sẽ là người đầu tiên thách thức động thái đó của Trung Quốc. Vì nếu Trung Quốc thực thi việc sửa luật như vậy thì chẳng khác gì họ chính thức hóa việc tuyên bố chủ quyền vô căn cứ ở vùng biển quốc tế, coi những vùng biển đó là lãnh thổ của họ.

Chuyện đó sẽ "châm ngòi" cho một căng thẳng rất mới trên Biển Đông vì trên vùng biển này không chỉ có tàu ngầm của Trung Quốc hay Mỹ (rất nhiều), mà tàu ngầm của nhiều quốc gia khác cũng đang hoạt động.

Các nước ASEAN và Trung Quốc sắp bắt đầu vòng đàm phán mới về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trung Quốc đều đã tuyên bố mong muốn hoàn tất COC vào giữa năm 2017 này. Ông có nhận định như thế nào về khả năng ra đời Bộ quy tắc ứng xử mới?

ASEAN đã nỗ lực xây dựng COC với những ràng buộc pháp lý đối với các bên tham gia, vì có thể thấy rằng Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 chỉ là một cam kết chưa mang tính ràng buộc pháp lý và thiếu hiệu quả trong việc phòng ngừa các hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông.

Tiến trình đàm phán COC đã được khởi động khá lâu (năm 2010), nhưng chưa mang lại kết quả. Việc Trung Quốc tuyên bố muốn hoàn tất COC giữa năm nay, và nếu việc đàm phán COC thành công thì tất nhiên sẽ rất tốt. Bộ quy tắc ứng xử mới sẽ giúp khu vực ổn định, an toàn hơn.

Tuy nhiên, với những động thái thực tế của Trung Quốc, với các yêu sách phi lý về "Đường 9 đoạn" của họ, thì tôi cho rằng chưa thấy tín hiệu lạc quan lắm cho sự ra đời của bộ quy tắc mới, trừ khi có một thay đổi mang tính đột phá nào đó mà chúng ta chưa thể đoán trước.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại