Đái tháo đường "là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính sau: (1) tăng glucose máu, (2) kết hợp với những bất thường về chuyển hoá carbohydrat, lipid và protein, (3) bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch do hậu quả của xơ vữa động mạch".
1. Phân loại đơn giản
1.1 Đái tháo đường tuýp 1
Là dạng đái tháo đường gặp chủ yếu ở trẻ em và người trẻ tuổi (dưới 30 tuổi). Bệnh phát sinh do hậu quả của quá trình huỷ hoại các tế bào beta của đảo tuỵ. Do đó cần phải sử dụng insulin để điều trị nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm toan ceton có thể gây hôn mê và tử vong.
1.2 Đái tháo đường tuýp 2
Là dạng đái tháo đường hay gặp nhất. Bệnh gặp chủ yếu ở người có tuổi (trên 45 tuổi). Hiện tại ở các thành phố lớn của Việt Nam, cứ khoảng 10 người thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Tỉ lệ này thấp hơn ở các vùng nông thôn.
1.3 Các thể đặc biệt khác
- Đái tháo đường thai kỳ: Là tình trạng tăng đường huyết ở một số phụ nữ khi mang thai. Tình trạng đường huyết được cải thiện sau khi sinh, tuy nhiên do đường huyết tăng cao trong quá trình mang thai nên ảnh hưởng tương đối nhiều đến quá trình phát triển của thai cũng như tình trạng của người mẹ.
- Khiếm khuyết chức năng tế bào beta, giảm hoạt tính của insulin do gen
- Bệnh lý của tuỵ ngoại tiết.
- Do các bệnh nội tiết khác như bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến thượng thận, bệnh lý u tuyến yên
- Nguyên nhân do thuốc hoặc hoá chất khác. Bệnh nhân tâm thần phải dùng thuốc chống trầm cảm.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
2. Chẩn đoán và phân loại bệnh đái tháo đường
2.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định đái tháo đường, các bác sĩ căn cứ vào một trong các tiêu chí:
- Mức glucose huyết tương lúc đói ≥7,0mmol/l (≥126mg/dl).
Hoặc:
- Mức glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/l (200mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống. (Bệnh nhân nhịn đói qua đêm, ngày hôm sau uống 75 g glucose trong vòng 5 phút và định lượng đường huyết sau 2h).
Hoặc:
- HbA1c ≥ 6,5%. HbA1C là một trong những thành phần cấu tạo nên hồng cầu của máu, HbA1c nhận nhiệm vụ vận chuyển oxy trong máu. HbA1c được xem như là một chỉ số của sự gắn kết của đường trên Hb(Hemoglobin) hồng cầu.
HbA1c được xét nghiệm trên một mẫu máu nhỏ và được thực hiện xét nghiệm dựa trên nhiều phương pháp khác nhau. Kết quả được dựa trên tỉ lệ phần trăm hemoglobin của máu.
Hoặc:
- Có các triệu chứng của đái tháo đường như ăn nhiều, thèm ăn đồ ngọt, uống nhiều, đái nhiều; mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l (200mg/dl).
Những điểm cần lưu ý:
- Nếu chẩn đoán dựa vào glucose huyết tương lúc đói và/hoặc nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống, thì phải làm hai lần vào hai ngày khác nhau.
- Có những trường hợp được chẩn đoán là đái tháo đường nhưng lại có glucose huyết tương lúc đói bình thường.
2.2. Chẩn đoán tiền đái tháo đường (Prediabetes)
- Rối loạn dung nạp glucose (IGT): nếu glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose máu bằng đường uống từ 7,8mmol/l (140mg/dl) đến 11,0 mmol/l (200mg/dl).
- Rối loạn glucose máu lúc đói (IFG): nếu glucose huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 5,6 mmol/l (100mg/dl) đến 6,9 mmol/l (125mg/dl); và glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp dung nạp glucose máu dưới 7,8mmol/l (< 140 mg/dl).
- Mức HbA1c từ 5,6% đến 6,4%.
3. Những nguy hiểm khi đái tháo đường không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán muộn
Những biến chứng của bệnh đái tháo đường
Khi đái tháo đường không được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, bệnh nhân rất dễ có các biến chứng. Nguyên nhân gây ra các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là do tình trạng tăng đường máu kéo dài.
Kiểm soát tốt đường máu sẽ giúp hạn chế sự tiến triển của các biến chứng này. Các biến chứng mạn tính hay gặp của đái tháo đường gồm:
3.1. Biến chứng mắt
Khi đường máu của bệnh nhân không được kiểm soát tốt, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về mắt như:
- Bệnh võng mạc mắt: là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở bệnh nhân ĐTĐ. Đa số bệnh nhân có biến chứng này không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi bệnh nặng.
- Đục thuỷ tinh thể: nhân mắt trở lên trắng đục, làm giảm thị lực.
- Glaucoma: mắt đau nhức dữ dội, đỏ mắt, chảy nước mắt.
- Biến chứng mắt có thể xuất hiện ngay từ khi phát hiện bệnh đái tháo đường ở người mắc ĐTĐ týp 2 và thường xảy ra sau 3-5 năm đối với người mắc ĐTĐ týp 1.
Vì vậy, bệnh nhân cần đi khám mắt ngay từ khi phát hiện ĐTĐ đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 2 và sau 3-5 năm đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 1. Sau đó khám định kỳ 1 năm 1 lần.
3.2. Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh rất hay gặp ở bệnh nhân ĐTĐ, biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau như biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng thần kinh tự động. Các dạng tổn thương khác như liệt dây thần kinh sọ, teo cơ ít gặp hơn.
Các biểu hiện thường gặp khi có biến chứng thần kinh gồm
- Tê bì, dị cảm, mất cảm giác, kiến bò ở hai chân.
- Nhịp tim nhanh khi nghỉ, chóng mặt khi thay đổi tư thế.
- Nuốt nghẹn, đầy bụng, ăn chậm tiêu, nôn, buồn nôn sau khi ăn.
- Rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy kéo dài hoặc táo bón.
- Đái không hết bãi, đái khó hoặc bí đái.
- Rối loạn cương dương ở nam giới.
- Hạ đường huyết không có dẩu hiệu cảnh báo.
3.3. Biến chứng thận do ĐTĐ
Biến chứng thận do ĐTĐ: Biến chứng thận là biến chứng rất thường gặp của bệnh đái tháo đường và chiếm gần 50% các trường hợp suy thận giai đoạn cuối, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các bệnh nhân ĐTĐ.
- Biến chứng thận do ĐTĐ có thể được phát hiện sớm bằng làm xét nghiệm protein vi thể trong nước tiểu.
- Khi tổn thương thận nặng hơn có thể phát hiện thấy protein đại thể trong nước tiểu.
- Khi suy thận: phát hiện dễ dàng bằng các xét nghiệm chức năng thận như urê máu, creatinine máu.
4. Bệnh lý mạch máu lớn
Bao gồm bệnh lý mạch vành, mạch não và bệnh mạch máu ngoại biên: Đối với bệnh nhân ĐTĐ, nguy cơ bệnh lý mạch máu gia tăng cùng với tuổi, thời gian mắc bệnh và sự xuất hiện của biến chứng thần kinh ngoại vi.
Các biểu hiện của bệnh lý mạch máu lớn gồm:
- Bệnh lý mạch vành: Bệnh nhân có thể có cơn đau thắt ngực điển hình hoặc chỉ phát hiện trên điện tâm đồ hay nhồi máu cơ tim.
- Bệnh lý mạch não: có thể gây các cơn thiếu máu não cục bộ, thoáng qua như coáng, chóng mặt, đau đầu hay là tai biến mạch máu não thực sự.
- Bệnh lý động mạch ngoại biên: Bệnh nhân có thể bị đau cách hồi, đau khi nghỉ, nặng có thể dẫn tới tắc mạch chi gây hoại tử mô, thậm chí phải cắt cụt chi. Một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng rõ rệt do có biến chứng thần kinh đi kèm. Mạch ngoại vi yếu thậm chí mất mạch, rụng lông, thiểu dưỡng móng, da khô lạnh.
5. Chăm sóc và đề phòng biến chứng ở bàn chân cho người ĐTĐ
Bệnh lý bàn chân của người ĐTĐ là biến chứng hay gặp và là nguyên nhân dẫn tới cắt cụt và tử vong cao ở người ĐTĐ. Trong bệnh lý bàn chân vai trò của biến chứng thần kinh ngoại vi, bệnh lý mạch máu ngoại vi và nhiễm trùng luôn gắn bó mật thiết với nhau.
Tổn thương bàn chân thường bắt đầu từ những ngón chân vùng bị mất cảm giác, đặc biệt ở những ngón chân đã bị biến dạng và thiếu máu. Đặc biệt khi bị chấn thương, chai chân.
Để chăm sóc và phòng ngừa biến chứng ở bàn chân cần tuân thủ các biện pháp sau.
- Bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại vi cần phải cắt móng chân đúng cách tránh làm tổn thương da.
- Không nên ngâm chân nước nóng, sưởi ấm chân để tránh bỏng chân.
- Bệnh nhân không nên đi chân đất, đi giày dép quá chặt và kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện sớm loét bàn chân, chai chân.
- Đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết thường xuyên để được tư vấn cách bảo vệ chân, điều trị sớm các vết loét.
Vấn đề mấu chốt để phòng tránh tất cả các biến chứng trên là kiểm soát tốt đường huyết, có lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý, điều chỉnh các rối loạn và bệnh lý đi kèm. Đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng nếu có.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
6. Chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường typ 2
Chính vì đái tháo đường khá thầm lặng cho nên rất khó để phát hiện bệnh sớm. Đa phần người bệnh đến khám khi đã muộn và đã có các biến chứng.
Nhiều khi bệnh nhân đã được khám và chẩn đoán bệnh đái tháo đường nhiều năm trước, nhưng chỉ theo dõi và điều trị một thời gian ngắn, khi thấy đường huyết đã ổn định thì bệnh nhân bỏ, không theo dõi.
Diễn biến của bệnh không nhanh, mạnh và rõ ràng mà chỉ nằm ở dạng rối loạn đường huyết tiền đái tháo đường.
Tuy nhiên ngay cả ở giai đoạn này, các biến chứng cũng đã xảy ra. Để phát hiện sớm và đề phòng các biến chứng của bệnh, các đối tượng sau cần lưu ý đi khám và phát hiện đái tháo đường.
- Tuổi trên 45
- BMI trên 23. Chỉ số BMI là chỉ số được tính bằng cân nặng (tính bằng kg) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét). Ví dụ chiều cao của bạn là 1m 60, cân nặng là 65kg thì BMI của bạn là 65/1,62 = 25,39.
Huyết áp tâm thu ≥ 140 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 85 mmHg.
- Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột bị mắc bệnh đái tháo đường typ 2).
- Tiền sử được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa, tiền đái tháo đường.
- Phụ nữ có tiền sử thai sản đặc biệt (đái tháo đường thai kỳ, sinh con to-nặng trên 4000 gam, xảy thai tự nhiên nhiều lần, thai chết lưu…)
- Người có rối loạn lipid máu; đặc biệt khi HDL-c dưới 0,9 mmol/l và Triglycrid trên 2,2 mmol/l.
7. Theo dõi điều trị đái tháo đường
Mặc dù bệnh đái tháo đường hiện còn chưa biết nguyên nhân rõ ràng và chưa có thuốc chữa dứt điểm nhưng hiện nay đã có nhiều phác đồ điều trị bệnh nhân đái tháo đường để giúp bệnh nhân kiểm soát tốt đường huyết và bệnh nhân hoàn toàn có thể chung sống với bệnh đái tháo đường.
Tại các nước như Mỹ, Canada, Úc, bệnh nhân đái tháo đường có thể sống tới 80-90 tuổi.
Còn ở Việt Nam, do chưa có hệ thống chăm sóc và theo dõi bệnh nhân đái tháo đường hoàn chỉnh nên đa số bệnh nhân phát hiện bệnh tương đối muộn, khi được điều trị thì cũng chỉ điều trị bệnh trong một thời gian ngắn để làm giảm lượng đường huyết rồi sau đó bỏ khám, bỏ điều trị hoặc chuyển sang dùng thuốc nam, thuốc bắc.
Các phương pháp điều trị bằng Đông Y ngược lại, chỉ có tác dụng ở giai đoạn sớm của bệnh. Do đó, tốt nhất, bệnh nhân khi đã được chẩn đoán là mắc đái tháo đường, cần đến khám và theo dõi điều trị suốt đời tại cơ sở y tế bởi các bác sĩ chuyên khoa về bệnh đái tháo đường.
Sở dĩ cần phải theo dõi điều trị tại cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa vì bên cạnh việc theo dõi nồng độ đường huyết của bệnh nhân, các bác sĩ còn phải theo dõi nồng độ HbA1C và các biến chứng bằng xét nghiệm.
Bên cạnh mục tiêu là kiểm soát đường huyết và nồng độ HbA1C, các chỉ số khác như nồng độ cholesterol, số đo huyết áp, chỉ số BMI, nồng độ lipid máu cũng là các chỉ số gắn liền với bệnh đái tháo đường và cần được kiểm soát.
Mục tiêu theo dõi điều trị có thể được tóm tắt dưới bảng sau.
* Mức HbA1c được điều chỉnh theo thực tế lâm sàng của từng đối tượng. Như vậy, sẽ có những người cần giữ HbA1c ở mức 6,5% (người bệnh trẻ, mới chẩn đoán đái tháo đường, chưa có biến chứng mạn tính, không có bệnh đi kèm); nhưng cũng có những đối tượng chỉ cần ở mức 7,5% (người bệnh lớn tuổi, bị bệnh đái tháo đường đã lâu, có biến chứng mạn tính, có nhiều bệnh đi kèm).
** Hiện nay hầu hết các hiệp hội chuyên khoa đã thay đổi mức mục tiêu: Huyết áp
<140/80 mmHg khi không có bệnh thận đái tháo đường và <130/80 mmHg cho người có bệnh
thận đái tháo đường.
*** Người có tổn thương tim mạch, LDL-c nên dưới 1,7 mmol/ (dưới 70 mg/dl).
Được đánh giá là một trong những xét nghiệm tốt nhất để kiểm soát đường huyết trong cơ thể, xét nghiệm HbA1c cho biết mức đường huyết của bệnh nhân trong khoảng 2-3 tháng vừa qua. Xét nghiệm giúp bác sĩ có đánh giá tổng quát quá trình kiểm soát lượng đường trong khoảng 2-3 tháng vừa qua nhằm có những điều chỉnh thích hợp hay cần thiệp sâu hơn vào quá trình điều trị.
Giá trị bình thường của HbA1c là khoảng 4-6% trong toàn bộ Hemoglobin của cơ thể. Khi chỉ số này tăng lên khoảng 1% có nghĩa là giá trị đường huyết của bệnh nhân tăng 1,7 mmol/L. Khi HbA1c tăng >10% cho thấy thời gian vừa qua lượng đường huyết được kiểm soát kém, ngược lại nếu HbA1c<6.5% cho thấy một quá trình kiểm soát lượng đường tốt.
Khi HbA1c <6.5% cho thấy bệnh nhân kiểm soát tốt lượng đường trong máu vì vậy các nguy cơ biến chứngvề mắt, thận và thần kinh được đẩy lùi. Theo các nghiên cứu gần đây, kiểm soát tốt lượng đường huyết qua một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống tốt có thể thay đổi lượng HbA1c trong máu.
HbA1c cần được xét nghiệm ít nhất 2 lần trong năm cho cả đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường typ 2. Khi có kết quả xét nghiệm lượng đường huyết không ổn định, cầm kiểm tra chỉ số này thường xuyên hơn (3 tháng/ lần).
Xét nghiệm HbA1c cho ta thấy lượng thay đổi trong vòng 2-3 tháng, vì vậy cho bác sĩ có cái nhìn tổng quan trong phác đồ điều trị. Điều này khác với việc theo dõi đường huyết khi đói, chỉ phản ánh lượng đường trong một khoảng thời gian xác định.
Tóm tắt
Đái tháo đường là một bệnh có tiến triển thầm lặng, khi chẩn đoán thường đã có kèm theo các biến chứng.
Để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, những người có nguy cơ cao như có BMI >23, trên 45 tuổi, có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường, có tăng huyết áp hoặc tăng cholesterol, đã được chẩn đoán và điều trị đái tháo đường, có bất thường khi mang thai nên đi khám để phát hiện đái tháo đường.
Khi đã bị phát hiện mắc đái tháo đường bệnh nhân nên được khám và điểu trị ở cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa nội tiết và đái tháo đường để được theo dõi cả bằng xét nghiệm glucose trong máu và nhiều các xét nghiệm đánh giá mức độ biến chứng để phòng ngừa.
Kiểm soát tốt đường huyết và chỉ số HbA1C là hai yếu tố quan trọng để kiểm soát được bệnh đái tháo đường.
Nếu tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, bệnh nhân đái tháo đường hoàn toàn có thể sống tới 80-90 tuổi (nếu không mắc các bệnh khác).
Tài liệu tham khảo
(1) HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NộI TIẾT - CHUYỂN HÓA (Ban hành kèm theo Quyết định số 3879/QĐ-BYT ngày 30 tháng 09 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
(2) http://guidelines.diabetes.ca/app_themes/cdacpg/resources/cpg_2013_full_en.pdf