Chuyên gia Việt ở Canada cảnh báo những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều trẻ dậy thì sớm

Bảo Thy |

Theo TS Hòa, mỡ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình dậy thì ở trẻ gái. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ gái càng có chỉ số BMI cao càng có xu hướng dậy thì sớm.

Dậy thì là giai đoạn phát triển quá độ về sinh lý từ thời kỳ nhi đồng sang thời kỳ thành niên tuy nhiên hiện nay dậy thì sớm đang trở thành nỗi lo của các bậc phụ huynh khi các bé ở tuổi mẫu giáo đã có biểu hiện dậy thì sớm.

Chúng tôi đã có trao đổi với TS, BS Nguyễn Khánh Hòa - Quản lý lobo các chất vận chuyển nucleotide, Bộ môn Dược lý, Khoa Y và Nha, Trường ĐH Alberta, Canada về dậy thì sớm ở trẻ em ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Thưa bác sĩ, theo các bác sĩ chuyên khoa nội tiết và chuyển hoá nhi khoa, bệnh dậy thì sớm ở Việt Nam đang gia tăng nhanh. Bác sĩ có nhiều năm công tác ở nước ngoài, theo dõi thông tin ở các nước phát triển anh thấy tình hình dậy thì sớm của trẻ ở các nước phát triển ra sao hay chỉ riêng ở Việt Nam mới tăng?

TS Nguyễn Khánh Hòa: Dậy thì là giai đoạn phát triển quá độ về sinh lý từ thời kỳ nhi đồng sang thời kỳ thành niên. Quá trình dậy thì bắt đầu từ cuối tuổi thời kỳ nhi đồng và được đặc trưng bởi 3 thành phần sau:

- Sự trưởng thành của hệ thống hormone dưới đồi- tuyến yên- sinh dục.

- Sự biểu hiện của các đặc điểm sinh dục thứ phát (tuyến vú, lông mu, ria mép, thay đổi giọng nói, thay đổi của môi lớn, môi bé âm đạo).

- Phát triển nhanh và hoàn thiện hệ thống vận động (cơ).

Chuyên gia Việt ở Canada cảnh báo những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều trẻ dậy thì sớm - Ảnh 1.

Đối với trẻ em gái, dậy thì được biểu hiện rõ rệt ở 3 đặc điểm tuần tự như sau. Thoạt tiên tuyến vú phát triển làm cho ngực to ra, tiếp đến là lông mu rồi cuối cùng là kinh nguyệt xuất hiện trong vòng khoảng từ 2-3 năm sau khi tuyến vú bắt đầu phát triển.

Thời điểm dậy thì khác nhau rất nhiều tùy theo từng cá thể và phụ thuộc vào một số yếu tố như điều kiện dinh dưỡng, trạng thái tâm lý, tình trạng xã hội và yếu tố di truyền.

Các chủng tộc khác nhau cũng có thời điểm dậy thì khác nhau. Trẻ gái người Mỹ gốc Phi có thời điểm dậy thì sớm hơn so với trẻ người Mỹ gốc châu Âu. Thông thường trẻ gái bắt đầu dậy thì trong khoảng từ 10-11 tuổi còn trẻ trai bắt đầu từ 11-12 tuổi.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hiện nay trẻ có xu hướng dậy thì sớm hơn nhiều so với 40 năm trước khoảng từ 1-1,5 năm. Điểm lưu ý lớn nhất là tỉ lệ dậy thì sớm ở trẻ em gái cao hơn trẻ trai từ 5-10 lần đồng thời tuổi dậy thì của trẻ em gái cũng sớm hơn so với trẻ em trai. Do vậy đa số các nghiên cứu tập trung vào dậy thì sớm ở trẻ em gái.

Tại các nước phương Tây, so với những năm 1840 trẻ em thường dậy thì ở độ tuổi 16 thì đến khoảng 1960, trẻ dậy thì ở khoảng độ tuổi 12-13 và hiện nay trẻ dậy thì ở độ tuổi 10-12, có khi sớm hơn.

Năm 1969, Marshall and Tanner đưa ra mốc xác định dậy thì sớm ở trẻ nữ là dưới 8 tuổi. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng trẻ gái có các biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi khá cao. Năm 1997, một công bố cho thấy có tới 8% trẻ da trắng và 25% trẻ gái da đen có biểu hiện dậy thì trong giai đoạn 7-8 tuổi.

Với trẻ em châu Á, một nghiên cứu tại nông thôn Trung Quốc cho thấy trẻ gái bắt đầu dậy thì vào khoảng 9,2 tuổi và có kinh nguyệt khoảng 12,27 tuổi và có khoảng 20% trẻ gái có ngực phát triển trước 8 tuổi.

Như vậy, hiện tượng dậy thì của trẻ cho đến nay vẫn hoàn toàn chưa được hiểu biết kỹ càng. Mặc dù mốc nghiên cứu năm 1969 cho rằng trẻ có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi là dậy thì sớm nhưng hiện nay mốc thời gian này không còn chính xác lắm.

Chính vì vậy người ta đua vào khái niệm phát triển sớm (precocious) để mô tả những trẻ có một trong các dấu hiệu của dậy thì ở trước 8 tuổi thay vì tên gọi dậy thì sớm dành cho các trường hợp có rối loạn.

Mốc 8 tuổi là mốc vẫn được nhiều bác sĩ sử dụng hiện nay để làm căn cứ chẩn đoán dậy thì sớm trong các trường hợp bệnh lý như có khối u của trục hormone dưới đồi - tuyến yên - sinh dục, các trường hợp tổn thương não hoặc ăn uống, phải hormone sinh dục gây kích thích trẻ dậy thì sớm. Các trường hợp có 1 biểu hiện của dậy thì trước 8 tuổi được gọi là phát triển sớm.

Tóm lại, so với 40 năm trước, trẻ em hiện nay, đặc biệt là trẻ gái có xu hướng dậy thì sớm hơn nhiều. Mốc 8 tuổi là mốc thời gian để khám và theo dõi xem trẻ có dậy thì sớm hay không. Có khá nhiều trẻ có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi được coi là phát triển sớm.

Việc xác định có phải trẻ dậy thì sớm do bệnh lý hay không cần phải có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa, làm các xét nghiệm đo nồng độ hormone và chụp X quang để xác định tuổi xương. Can thiệp bằng điều trị hormone cũng cần có sự quyết định của bác sĩ chuyên khoa.

Chuyên gia Việt ở Canada cảnh báo những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều trẻ dậy thì sớm - Ảnh 2.

Xin bác sĩ cho biết yếu tố dinh dưỡng và béo phì ảnh hưởng đến dậy thì sớm như thế nào?

TS Nguyễn Khánh Hòa: Theo một số nghiên cứu gần đây, người ta thấy béo phì có liên quan chặt chẽ đến quá trình dậy thì ở trẻ, đặc biệt là trẻ gái.

Mỡ đóng vai trò quan trọng việc khởi phát và thúc đẩy quá trình dậy thì ở trẻ gái. Chính vì vậy nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ gái càng có chỉ số BMI (khối lượng cơ thể/bình phương chiều cao) cao hay thừa cân thì càng có xu hướng dậy thì sớm hơn.

Ngoài ra một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy quá trình dậy thì sớm ở trẻ như sau:

- Một số chất hóa học như chất phthalates có trong nhựa tổng hợp có thể là nguyên nhân thúc đẩy quá trình dậy thì sớm ở trẻ.

- Stress. Trẻ sống trong môi trường stress như có cha mẹ ly dị, thay đổi trường học nhà trẻ, mẫu giáo nhiều lần, sống chung với cha dượng hoặc bạn trai của mẹ, thiếu vắng sự quan tâm của bố đều có xu hướng dậy thì sớm hơn so với trẻ cùng lứa tuổi.

- Chế độ ăn uống quá nhiều dinh dưỡng thời kỳ sơ sinh bao gồm cả việc uống sữa, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn có nhiễm hormone tăng trưởng, oestrogen, sữa đậu nành. Đáng chú ý một số loại sữa bột giả bị trộn thêm hormone tăng trọng chứa oestrogen là vấn nạn ở Việt Nam và Trung Quốc.

- Ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm polybrominated biphenyls (PBBs) trong thức ăn cho mẹ dẫn tới việc truyền hoạt chất này cho con qua đường bú thúc đẩy quá trình dậy thì sớm ở trẻ. Ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, dư lượng hormone tăng trưởng trong thực phẩm (thịt, cá, rau…).

Chuyên gia Việt ở Canada cảnh báo những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều trẻ dậy thì sớm - Ảnh 3.

Có nhiều gia đình rất thích con bụ bẫm, họ cố gắng mua những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất cho con. Bác sĩ có lời khuyên gì cho các phụ huynh trong cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ?

TS Nguyễn Khánh Hòa: Để giảm nguy cơ dậy thì sớm cùng với giảm thiểu các tác hại do trẻ bị thừa cân hoặc béo phì, cha mẹ cần chú ý:

- Cho trẻ ăn chế dộ dinh dưỡng hợp lý, ăn theo nhu cầu của trẻ, không ép trẻ ăn quá nhiều bằng các hình thức như đút cho trẻ, cho trẻ ăn những đồ ăn trẻ thích.

- Cân bằng thực phẩm theo hướng tăng cường rau, hoa quả; ăn đủ thịt, cá, tôm và các thực phẩm chứa glucose (cơm, bánh mì). Hạn chế dố ăn nhanh, đồ ăn chiên, rán.

Khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao để tiêu hao năng lượng và kích thích hệ vận động của cơ thể phát triển.

Giảm ăn vặt, hạn chế bánh kẹo, đồ ngọt, cho trẻ ngủ đủ, quan tâm đến trẻ và tránh tình trạng căng thẳng trong gia đình.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Tài liệu tham khảo

1. KATE BROADLEY. RESEARCH REVIEW: EARLY PUBERTY A summary of academic research. THE ALLIANCE OF GIRLS SCHOOLS AUSTRALASIA. VOLUME 53 / OCTOBER 2014. https://www.agsa.org.au/wp-content/uploads/2016/01/RR.pdf

2. Sandra K. Cesario and Lisa A. Hughes. Precocious Puberty: A Comprehensive Review of Literature JOGNN, 36, 263-274; 2007. DOI: 10.1111/ J.1552-6909.2007.00145.x

3. Paul B Kaplowitz, Precocious Puberty http://emedicine.medscape.com/article/924002-overview#a6

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại