Chuyên gia Viện Dinh dưỡng: Nhiều người hỏi "sữa tiệt trùng" có phải sữa tươi không?!

Thảo Nguyên |

Bộ Y tế vừa công bố quy chuẩn mới về ghi tên nhãn sữa, khiến người tiêu dùng giật mình nhận ra suốt nhiều năm nay có những loại sữa tưởng rằng "tươi" mà không phải sữa tươi!

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2017/BYT được ban hành vừa mới đây nhận được sự đánh giá cao của dư luận, bởi đã gỡ được một khúc mắc lớn trong cộng đồng doanh nghiệp sữa - đó là vấn đề minh bạch tên gọi. Người tiêu dùng đương nhiên được hưởng lợi lớn từ quy định này. 

Trước đó, năm 2010 Bộ Y tế cũng có một văn bản tương tự, nhưng khi đó trong 7 loại sữa quy định xuất hiện một khái niệm khá "mơ hồ", đó là "sữa tiệt trùng". Chính vì có sự xuất hiện của khái niệm này nên dẫn đến nhiều hiểu lầm từ phía người tiêu dùng.

"Sữa tiệt trùng" được định nghĩa từ năm 2010 là sản phẩm sữa được chế biến bằng cách bổ sung nước với một lượng cần thiết sữa dạng bột, sữa cô đặc hoặc sữa tươi để thiết lập lại tỷ lệ nước và chất khô thích hợp. Trong trường hợp có bổ sung các thành phần khác như đường, nước quả, cacao, cà phê, phụ gia thực phẩm thì thành phần chính phải là sữa, đã qua tiệt trùng. 

Như vậy, nói nôm na một cách dễ hiểu thì sữa tiệt trùng chính là sữa bột pha lại.

Những năm qua trên thị trường, bao bì sản phẩm của một số hãng sữa, tên gọi "sữa tiệt trùng" thường được in với kích thước rất nhỏ, vào vị trí khó nhìn hơn cụm từ về nguyên liệu sữa tươi, do vậy nhiều người tiêu dùng hiểu nhầm, mặc định cho rằng "sữa tiệt trùng" là sữa tươi được tiệt trùng.

Nhu cầu rất cao, nhưng kiến thức mơ hồ

Nói về thực trạng này, Ths. Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc trung tâm tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết: "Sữa tiệt trùng" chỉ là giải pháp công nghệ trong chế biến sữa, hoàn toàn không phải sữa tươi như một số người tiêu dùng vẫn lầm tưởng bấy lâu nay. 

Chuyên gia Viện Dinh dưỡng: Nhiều người hỏi sữa tiệt trùng có phải sữa tươi không?! - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Thế nhưng, theo bác sĩ Lê Thị Hải kể, thời gian trước bà thường xuyên nhận được câu hỏi "sữa tiệt trùng" có phải sữa tươi không, sữa nào tốt cho nhất cho trẻ em, chứng tỏ kiến thức của người tiêu dùng về các sản phẩm sữa còn rất mơ hồ trong khi đó nhu cầu sử dụng lại rất cao.

"Người Việt có quan niệm cứ cái gì tươi là tốt, do vậy bất kể chi phí cao hay thấp đều không tiếc tiền mua sản phẩm về sử dụng", bác sĩ Hải nhận định.

Do vậy, việc phân định rạch ròi tên gọi các loại sữa, yêu cầu doanh nghiệp sản xuất phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm nêu trên, giúp người tiêu dùng có thông tin chính xác và khiến thị trường sữa minh bạch hơn.

Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, thói quen tiêu dùng các loại sữa của người dân cũng cần thay đổi bằng cách đọc kỹ thông tin sản phẩm ghi trên bao bì, trong đó người tiêu dùng nên chú ý đặc biệt tới thành phần dinh dưỡng chủ yếu của sản phẩm cũng như công thức, công dụng.

Người tiêu dùng nên tránh mua sản phẩm chỉ dựa trên tên gọi theo trào lưu hoặc được giới thiệu, quảng bá, bởi trên thực tế có những loại sữa chỉ phù hợp với những đối tượng khác nhau, dùng cho đối tượng khác sẽ không phù hợp. Chẳng hạn như sữa tươi thì không được dùng cho trẻ dưới 1 tuổi, hay nhiều loại sữa bột công thức chỉ dùng được cho trẻ dưới 1 tuổi.

Quy định tên gọi thôi chưa đủ!

Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng, chính do sự "mập mờ" của khái niệm "sữa tiệt trùng" được ghi trên bao bì nhãn mác sản phẩm đã dẫn tới nhiều người tiêu dùng hiểu lầm về thành phần nguyên liệu của sản phẩm.

Chuyên gia Viện Dinh dưỡng: Nhiều người hỏi sữa tiệt trùng có phải sữa tươi không?! - Ảnh 2.

PGS Nguyễn Duy Thịnh.

Lựa chọn các loại sữa sao cho phù hợp với thể trạng, lứa tuổi, giới tính, sở thích mỗi người, người tiêu dùng cần biết chính xác loại sữa mình có nhu cầu bao gồm thành phần cơ bản ra sao, nguyên liệu đầu vào thế nào, công thức chế tạo ra sao. Tên gọi các loại sữa phải thể hiện đúng bản chất của sữa và giá thành phải tương ứng với chất lượng.

Do vậy, ông cho rằng việc công khai minh bạch để khách hàng có quyền lựa chọn đúng sản phẩm sữa có lợi cho sức khoẻ và phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình là vấn đề cấp thiết.

Và đến tháng 3/2018 sắp tới, điều này sẽ được hiện thực hóa (xem chi tiết QCVN 5-1:2017/BTY tại đây).

Tuy nhiên, theo PGS Thịnh, chỉ riêng việc phân định tên gọi, nguồn gốc, thành phần của các loại sữa nêu trên là chưa đủ, nếu cơ quan quản lý buông lỏng kiểm soát.

"Cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra, và phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường và xử lý nghiêm khi có vi phạm về tên gọi hoặc nguyên liệu sản phẩm", ông nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại