Chuyên gia: Ukraine phải thay đổi chiến thuật khi sử dụng xe tăng Mỹ M1A1 Abrams

Hồng Anh |

M1A1 Abrams là xe tăng hạng nặng, có rất nhiều tính năng, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đây là một phương tiện hoàn hảo và quân đội Ukraine có thể gặp nhiều thách thức khi sử dụng xe tăng này.

Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, lựa chọn gửi phiên bản cũ M1A1 thay vì phiên bản mới M1A2 để đưa chúng đến sớm hơn.

Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng, quyết định này sẽ giúp Kiev gia tăng hỏa lực đối phó Nga vì những xe tăng cũ M1A1 Abrams đã chứng minh hiệu quả trên chiến trường khi triển khai trong các cuộc xung đột trước đây.

Theo một số báo cáo ghi nhận được từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, xe tăng M1A1 của Mỹ là một phương tiện đáng gờm và có nhiều giá trị trên chiến trường. Các kíp lái cho biết, nó có độ tin cậy cao và sức công phá lớn, nhờ được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực có máy tính đường đạn, pháo nòng trơn M256 cỡ nòng 120 mm.

Khẩu pháo này có thể khai hỏa chính xác vào các mục tiêu ở khoảng cách 4 km. Pháo sử dụng đạn xuyên giáp đặc biệt được Mỹ phát triển để chống lại các xe tăng đối phương.

Ông Jeffrey Edmonds, chuyên gia nghiên cứu quân đội Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ cho rằng, yếu tố chính làm nên sức mạnh của xe tăng là sử dụng đạn xuyên giáp sabot làm bằng vật liệu uranium nghèo, dễ bốc cháy để tăng tính sát thương và có khả năng tự làm nhọn cho phép xuyên sâu hơn vào vỏ giáp gây thiệt hại nặng đến kíp lái xe tăng đối phương.

"Thật khó để đánh giá chính xác khả năng sát thương của xe tăng M1A1, nhưng theo tôi, phần lớn sức mạnh đến từ loại đạn này", ông Edmonds nhấn mạnh. Theo chuyên gia Edmonds, M1A1 Abrams thậm chí có thể bắn đạn từ khoảng cách xa, nhắm trúng các mục tiêu nằm ngoài phạm vi dự kiến.

Một số báo cáo về hiệu suất hoạt động của xe tăng cũng đưa ra những lập luận tương tự, lưu ý rằng việc bổ sung đạn uranium nghèo cho M1A1 đã làm gia tăng khả năng xuyên thủng lớp giáp của xe tăng đối phương.

Mỹ vẫn chưa đưa ra bất cứ cam kết nào liên quan đến việc cung cấp loại đạn này, nhưng Anh cho biết sẽ gửi kèm đạn uranium nghèo khi cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Ukraine.

Khả năng sống sót và cơ động cao

Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, trong chiến tranh vùng Vịnh, M1A1 rất cơ động trên chiến trường. Ngoài khả năng tìm kiếm và tấn công các mục tiêu, nó còn có thể nhanh chóng né tránh các hành động đáp trả của đối phương.

Theo ông Edmonds, M1A1 được thiết kế để tấn công nhanh chóng nhiều mục tiêu ở tầm xa. Xe tăng này đã chứng minh hiệu quả trong việc phòng thủ cũng như tấn công. Một trong những tính năng nổi bật của nó là khả năng sống sót cao nhờ lớp giáp bảo vệ tốt hơn so với các phiên bản trước đó.

Đặc biệt, tháp pháo phía trước và hai bên thân có thêm lớp giáp composite tiên tiến được gia cố bằng uranium.

Xe tăng M1A1 có khoang đạn dược ở phần sau của tháp pháo, ngăn cách với kíp lái bằng loại cửa có thể chống chịu được sức nổ lớn, nhằm hạn chế tối đa thương vong cho binh sĩ trong trường hợp xe bị trúng đạn. Bên trong khoang xe được lót thêm vật liệu chống đạn Kevlar để bảo vệ kíp lái.

Một báo cáo về Chiến tranh vùng Vịnh cho biết, M1A1 dù bị dội hỏa lực liên tiếp từ đối phương nhưng lớp giáp của nó vẫn chống chịu tốt và xe tăng vẫn có khả năng gây sát thương cho đối phương. Tính đến thời điểm chiến tranh kết thúc, chỉ có 2 chiếc bị phá hủy và 7 chiếc khác bị hư hại.

Thách thức đối với Ukraine khi sử dụng xe tăng này

M1A1 là xe tăng hạng nặng, có rất nhiều ưu điểm, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đây là một phương tiện hoàn hảo.

Trong Chiến tranh Vùng Vịnh, các kíp lái M1A1 đã than phiền về vấn đề cát lọt vào hệ thống lọc không khí, cũng như việc phải tiếp nhiên liệu liên tục. Tuy vậy, phiên bản nâng cấp của dòng xe tăng này đã cải thiện được những vấn đề đó.

Chuyên gia: Ukraine phải thay đổi chiến thuật khi sử dụng xe tăng Mỹ M1A1 Abrams - Ảnh 2.

Xe tăng M1A1 Abrams khai hỏa. Ảnh: Military

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu bật những khó khăn trong chuỗi cung ứng để sửa chữa và thay thế các bộ phận của xe tăng. Điều này có thể là một trở ngại lớn đối với Ukraine do nước này không đủ khả năng thiết lập được chuỗi cung ứng cần thiết.

Theo giới phân tích, bất cứ loại phương tiện nào cũng có những điểm mạnh và điểm hạn chế.

Việc liệu Ukraine có triển khai thành công xe tăng M1A1 trên chiến trường hay không phụ thuộc vào hai yếu tố: thứ nhất là cách thức họ sử dụng loại xe tăng này trong hoạt động phản công và kết hợp với những phương tiện khác; thứ hai là liệu Nga có mắc sai lầm về chiến thuật hay không.

“Ngoài ưu điểm và nhược điểm của xe tăng, vấn đề còn nằm ở chỗ liệu Ukraine có điều khiển được những chiếc xe tăng này phối hợp với các đơn vị pháo binh hay không”, ông Jeffrey Edmonds lưu ý.

Giới quan sát cho rằng, Ukraine cần phải có sự điều chỉnh về chiến thuật bởi quân đội nước này hầu như ở vào thế phòng thủ suốt thời gian qua và chủ yếu vận hành những chiếc xe tăng cũ có từ thời Liên Xô cần phải được bảo dưỡng, bảo trì.

Các kíp lái xe tăng của Ukraine sẽ cần học cách phát huy khả năng và phạm vi hoạt động của M1A1 trong môi trường có nhiều cây cối, chiến hào và bùn đất, đặc biệt là khả năng xác định mục tiêu và nhắm bắn đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại